Đường dẫn truy cập

Hy vọng, lo sợ trong cuộc chiến chống cúm gia cầm ở Trung Quốc


Chợ bán gia cầm tại Thượng Hải, Trung Quốc. Giới hữu trách đã ra lệnh đóng cửa chợ gia cầm sống ở Thượng Hải.
Chợ bán gia cầm tại Thượng Hải, Trung Quốc. Giới hữu trách đã ra lệnh đóng cửa chợ gia cầm sống ở Thượng Hải.
Từ khi ca tử vong đầu tiên vì vi rút H7N9 được xác nhận ở Thượng Hải hồi đầu tháng 3, dòng cúm gia cầm mới nhất này đã nhanh chóng lan ra 3 tỉnh ở Trung Quốc. Hơn 20 người đã bị lây nhiễm, trong đó có 7 ca tử vong tính đến ngày 9 tháng tư. Trong lúc các nhà nghiên cứu ra sức tìm hiểu cách thức lan truyền của bệnh này, nhiều người đang lo ngại về mối nguy hiểm của nó đối với con người. Từ Hồng Kông, thông tín viên Ivan Broadhead của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp theo dõi sau khi giới hữu trách đóng cửa chợ gia cầm sống ở Thượng Hải hồi tuần trước và tiêu hủy gia cầm sau khi vi rút H7N9 được phát giác ở bồ câu trong thành phố này. Tại Đài Loan, các loại thuốc kháng vi rút được chính quyền trợ giá để bán cho công chúng.

Hiện vẫn còn nghi vấn về tác dụng của các loại thuốc kháng vi rút như Tamiflu đối với H7N9. Thứ hai vừa qua, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Thượng Hải cho biết một bé trai 4 tuổi đã hoàn toàn bình phục, làm cho nhiều người hy vọng H7N9 có thể được chữa trị một cách tương đối dễ dàng.

Giáo sư Malik Peiris là Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Pasteur của Đại học Hồng Kông. Ông cũng là khoa học gia đầu tiên cách ly vi rút bệnh SARS, từng gây tử vong cho hơn 700 người trong năm 2002 và 2003. Ông cho rằng không nên chú trọng quá độ về tỉ lệ tử vong của vi rút cúm gia cầm này.

Ông Peiris nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên dè dặt về việc diễn giải tỉ lệ tử vong, bởi vì, thông thường chỉ có những ca bệnh nặng nhất mới được điều tra. Có thể có những ca bệnh nhẹ hơn mà người ta không biết tới. Vì vậy, một mặt, điều này sẽ làm cho tỉ lệ tử vong và tính chất nghiêm trọng giảm đi. Nhưng dĩ nhiên, mặt khác, điều đó có nghĩa là có sự truyền nhiễm nhiều hơn xảy ra trong dân chúng."

Khi đến kiểm tra một địa điểm bán sỉ gia cầm hôm thứ hai, Giám đốc Sở Y tế Hồng Kông Khơng Wing Man nói rằng vào cuối tuần này gia cầm sống nhập khẩu chỉ được bán sau khi 3% số gia cầm được xét nghiệm vi rút H7N9. Quá trình xét nghiệm được thu ngắn và kết quả sẽ có trong vòng 4 giờ đồng hồ.

Nhân viên an ninh sân bay quan sát máy đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Hồng Kông, ngày 9/4/2013.
Nhân viên an ninh sân bay quan sát máy đo thân nhiệt tại sân bay quốc tế Hồng Kông, ngày 9/4/2013.
Nhưng trong lúc các chính phủ trên khắp Á châu đang thực thi các kế hoạch ứng phó, giáo sư Peiris cảnh báo rằng cần phải xác định nguồn gốc của vụ bộc phát để có thể phát triển vaccine và phá vỡ chu kỳ lây nhiễm.

Ông Peiris nói tiếp: "Dựa trên những bài học về vi rút H5N1, thì đây là loại vi rút rất khó tiên đoán vì có hàng trăm người làm việc gần gũi với gia cầm nhưng dường như không bị lây bệnh. Nhưng có một người có thể chỉ tiếp xúc sơ sơ mà lại mắc bệnh. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có một điều cực kỳ quan trọng là phải đi ngược lại, dọc theo dây chuyền mua bán gia cầm, tốt nhất là đến các trại chăn nuôi, để xác định chủng loại nào là nguồn chính."

Nhiều người vẫn còn nhớ tới dịch bệnh SARS xảy ra cách nay 10 năm, gây bệnh cho hàng ngàn người trong lúc từ Trung Quốc lan ra tới 3 châu lục. Nhiều người ở Hồng Kông lo ngại là sự che giấu của chính phủ Trung Quốc, từng góp phần làm cho bệnh SARS lan nhanh, có thể tái diễn trong vụ bộc phát cúm gà H7N9.

Ông Thomas Abraham, Giám đốc Chương trình truyền thông y tế công cộng của Đại học Hồng Kông, là tác giả một cuốn sách về dịch bệnh SARS. Ông cho biết tệ trạng đó khó lòng tái diễn vì Bắc Kinh đã học được những bài học đắt giá từ vụ bệnh SARS và sự phổ cập của các trang mạng xã hội đã làm giảm đi khả năng kiểm soát thông tin của chính phủ.

Nhân viên y tế tiêu hủy gia cầm tại Thượng Hải, ngày 5/4/2013.
Nhân viên y tế tiêu hủy gia cầm tại Thượng Hải, ngày 5/4/2013.
Ông Abraham nói: "Một trong những ca bệnh H7N9 đầu tiên ở Thượng Hải, tuy bệnh viện không nói gì cả, nhưng phiếu nhập việc của bệnh nhân đã được chụp hình và đăng trên trang weibo. Đây là loại dòng chảy thông tin không thể nào ngăn chận. Đây là một môi trường hoàn toàn mới mà giới hữu trách Trung Quốc đang làm việc trong đó."

Tuy các giới chức Tổ chức Y tế Thế giới khuyên mọi người không nên hoảng sợ, bà Laurie Garrett, một nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, cảnh báo rằng tình hình trong thời gian tới đây có thể sẽ rất khó khăn nếu số tử vong vì H7N9 tiếp tục gia tăng.

Ông Garrett nói: "Ðiều mà đại dịch cúm heo năm 2009 dạy cho chúng ta là tình liên đới quốc tế có thể bị suy sụp một cách nhanh chóng. Các nước bắt đầu đóng cửa phi trường và cách ly khách du hành. Họ bắt đầu tích trữ các loại thuốc trị bệnh cũng như các loại vaccine. Đó không phải là một hình ảnh tốt đẹp."

Trong lúc công chúng tiếp tục cảm thấy lo ngại, Đại học Hồng Kông cho biết họ sẽ xem lại một cuộc nghiên cứu năm 2009 để xác nhận là các loại khẩu trang mà dân chúng Hồng Kông vẫn thường dùng khi mùa cúm lên tới cao điểm quả thật là có hiệu quả 70% trong việc ngăn chận sự lây lan của vi rút bệnh cúm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG