Đường dẫn truy cập

Hungary chặn cửa ngõ nhập cảnh của di dân từ Serbia


Công nhân bắt đầu xây dựng hàng rào đóng đường biên giới giữa Serbia và Hungary, ngày 14/9/2015.
Công nhân bắt đầu xây dựng hàng rào đóng đường biên giới giữa Serbia và Hungary, ngày 14/9/2015.

Hungary hôm thứ Hai đã chặn điểm vượt biên chính của di dân từ Serbia, vài giờ trước khi áp dụng những luật mới cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Đông ồ ạt đổ vào nước này trên đường tới Đức và các nước Tây Âu khác.

Hàng chục cảnh sát, được sự yểm trợ của cảnh sát cưỡi ngựa và binh sĩ, đứng canh gác trên đường ray mà những người xin tị nạn vẫn sử dụng để tiến vào Liên minh châu Âu. Một máy bay trực thăng bay lượn trên không.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người lên tiếng chống đối mạnh mẽ nhất ở châu Âu đối với việc cho phép hàng ngàn người tị nạn từ nước Syria bị chiến tranh tàn phá và những nơi khác vào EU, phát biểu tại một buổi lễ tuyên thệ của những học viên cảnh sát ở thành phố Budapest. Ông nói những luật mới đối với di dân đề ra án tù và hình phạt cho những kẻ buôn người "sẽ rất nghiêm trọng đến mức nó đáng phải như vậy."

"Hungary là một quốc gia với một nền văn hóa Kitô giáo một ngàn năm tuổi," ông Orban nói. "Chúng ta người Hungary không muốn một dòng người kích cỡ toàn cầu đổ vào làm thay đổi Hungary. Đây không phải là điều mà chúng ta nỗ lực đạt được và không phải là lý do vì sao chúng ta chiến đấu qua những những cuộc chiến tranh thế giới, chế độ cộng sản, sự thay đổi của chế độ cộng sản và sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Chúng ta có một ý niệm khác về tương lai của Hungary và châu Âu. Chúng ta muốn sống trong trật tự, hòa bình và an ninh. Chúng ta không muốn hỗn loạn. "

Hungary đẩy một toa xe chở hàng quấn dây thép gai từ trên xuống vào điểm nhập cảnh gần thành phố Roszke, hoàn toàn chặn lại lối đi. Budapest cho biết bất cứ ai tiến vào bất hợp pháp sẽ đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng họ gửi những người tị nạn xin được bảo hộ tị nạn đến cảnh sát giám sát cửa khẩu biên giới gần đó. Nhà chức trách ở đó cho phép hàng trăm người lên xe buýt hướng về phía Áo.

Trong khi đó, những chốt kiểm soát biên giới mới của Đức gây ra kẹt xe tới 20 cây số ở Áo.

Đức, nước đã đón hàng ngàn người tị nạn vào lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối của một số nước láng giềng, nói rằng họ lập ra các chốt kiểm soát hôm Chủ nhật để bắt đầu "một tiến trình có trật tự hơn." Áo cho biết họ cũng sẽ lập ra những chốt kiểm soát trên biên giới với Hungary, trong khi Slovakia mở lại những chốt kiểm soát trên đường biên giới với Áo và Hungary.

Bộ trưởng nội vụ các nước Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận tại Brussels về việc phân bổ khoảng 32.000 người tị nạn hiện thời ở Ý và Hy Lạp khắp các nước EU. Nhưng nhóm này chỉ là một phần trong số 160.000 người tị nạn mà EU đang cố gắng tìm nơi trú ngụ cho họ, để chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người tị nạn dường như vô tận đổ vào châu Âu.

Một số nước châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu, đổ lỗi cho Đức về làn sóng di dân vào châu lục này. Tuy nhiên, Đức ngày càng bực bội với một số nước thành viên trong EU vì các nước này tỏ ra miễn cưỡng chia sẻ gánh nặng di dân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG