Đường dẫn truy cập

Hơn 54.000 công nhân Bắc Triều Tiên mất việc vì các biện pháp chế tài


Xe cộ Hàn Quốc trở về từ khu công nghiệp Kaesong qua cửa hải quan và kiểm dịch gần làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Paju, ngày 11/2/2016.
Xe cộ Hàn Quốc trở về từ khu công nghiệp Kaesong qua cửa hải quan và kiểm dịch gần làng biên giới Bàn Môn Điếm ở Paju, ngày 11/2/2016.

Nhân viên của các công ty Nam Triều Tiên đã bắt đầu rút khỏi Khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên sau khi Seoul áp dụng các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn. Từ thủ đô của Nam Triều Tiên, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ ở Seoul hôm thứ tư loan báo ngưng chỉ tất cả những hoạt động tại khu công nghiệp mà họ điều hành chung với Bắc Triều Tiên để trừng phạt chính phủ Bắc Triều Tiên về vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa mới nhất.

Hôm nay, Bình Nhưỡng đã đáp trả với tuyên bố đặt khu công nghiệp này dưới sự kiểm soát của quân đội. Hãng thông tấn Trung ương cũng cho biết Bắc Triều Tiên sẽ trục xuất ngay công dân Nam Triều Tiên, phong toả tài sản của các công ty hoạt động tại khu Kaesong và gọi quyết định của Seoul là “một hành động tuyên chiến.”

Bình Nhưỡng cũng cho biết họ quyết định cắt đứt hai đường dây nóng xuyên biên giới.

Mất việc

Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Kaesong.
Công nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp Kaesong.

124 công ty cỡ nhỏ và cỡ trung của Nam Triều Tiên hoạt động ở khu Kaesong đã bắt đầu rút nhân viên và đưa thiết bị và hàng hoá về miền nam. Hơn 54.000 công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho các công ty này giờ đây bị mất việc.

Bà Kim Soo Hee, một y tá Nam Triều Tiên làm việc ở Kaesong, cho biết như sau.

"Chúng tôi từng nói đùa với nhau là khu Kaesong sẽ bị đóng cửa, nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy chuyện này trở thành chuyện thật. Cá nhân tôi, tôi cảm thấy tội nghiệp cho những người Bắc Triều Tiên vì họ lo lắng hơn chúng tôi rất nhiều."

Vụ đóng cửa này cắt đứt nguồn ngoại tệ khoảng 100 triệu mỗi năm mà Bắc Triều Tiên có được. Các công ty Nam Triều Tiên trả thẳng tiền lương công nhân ở Kaesong cho chính phủ Bình Nhưỡng. Seoul tin là số tiền đó không được Bắc Triều Tiên trả cho công nhân mà lại được dùng để xúc tiến chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn tầm xa.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và kỹ thuật phi đạn đạn đạo và đã áp đặt 4 đợt chế tài kể từ năm 2006.

Sự chấm dứt của Chính sách Ánh dương

Bắc Triều Tiên ăn mừng vụ phóng phi đạn. Những năm gần đây, sự ủng hộ ở Nam Triều Tiên cho Chính sách Ánh dương đã giảm đi rất nhiều vì Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và không ngớt có những hành vi gây hấn.
Bắc Triều Tiên ăn mừng vụ phóng phi đạn. Những năm gần đây, sự ủng hộ ở Nam Triều Tiên cho Chính sách Ánh dương đã giảm đi rất nhiều vì Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và không ngớt có những hành vi gây hấn.

Các nhà phân tích cho rằng vụ đóng cửa khu công nghiệp Kaesong hầu như đã phá tan mối hy vọng là những mối căng thẳng lâu năm ở bán đảo Triều Tiên có thể có được một giải pháp hoà bình trong tương lai gần.

Ông Chung In Moon, giáo sư chính trị học của Đại học Yonsei ở Nam Triều Tiên, cho biết như sau.

"Nếu quí vị nhìn vào cách xử lý của chính phủ chúng tôi đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, quí vị sẽ thấy một cách rõ ràng là họ mong muốn chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ bằng một cách nào đó. Nhưng nếu điều đó không xảy ra thì sẽ có những mối căng thẳng rất lớn và những sự đối đầu trường kỳ giữa Nam và Bắc Triều Tiên."

Cách nay hơn một thập niên, cố Tổng thống Kim Dea Jung của Nam Triều Tiên đã áp dụng Chính sách Ánh dương với sự tin tưởng là thông qua những sự trợ giúp và những dự án hợp tác kinh tế, hai miền Triều Tiên có thể xây dựng niềm tin để chung sống hoà bình với nhau và tiến tới chỗ thống nhất dưới một hình thức nào đó.

Nhưng trong những năm gần đây, sự ủng hộ ở Nam Triều Tiên cho Chính sách Ánh dương đã giảm đi rất nhiều vì Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và không ngớt có những hành vi gây hấn.

Một dự án hợp tác khác là Khu du lịch Núi Kim Cương đã bị đình chỉ năm 2008 sau khi lính Bắc Triều Tiên bắn chết một nữ du khách Nam Triều Tiên.

Những chương trình viện trợ Bắc Triều Tiên cũng bị ngưng vào năm 2010, sau khi Seoul tố cáo Bắc Triều Tiên đánh chìm một chiến hạm của miền Nam, giết chết 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên.

Mặc dầu vậy, theo giáo sư Chung In Moon, Seoul nên giữ thái độ hoà hoãn với miền Bắc.

"Tôi nghĩ rằng không có sự thoả hiệp về phía Nam Triều Tiên. Chính phủ chúng tôi quá thiếu linh động trong sự giao tiếp với Bắc Triều Tiên."

Sau vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn mới đây của Bắc Triều Tiên, Seoul cùng với Washington và Tokyo bắt đầu ra sức vận động cho việc áp đặt các biện pháp chế tài quốc tế nghiêm nhặt hơn.

Hôm qua, Thượng viện Mỹ đã đồng thanh thông qua dự luật để trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản cũng áp đặt các biện pháp chế tài đơn phương, trong đó có lệnh cấm tàu bè Bắc Triều Tiên cập cảng nước Nhật và không cho tất cả công dân Bắc Triều Tiên nhập cảnh Nhật Bản.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG