Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Quyết định phẫu thuật cườm khô (mổ cataract)


Hình minh họa - Một bệnh nhân được kiểm tra mắt trước khi phẫu thuật cườm khô (mổ cataract).
Hình minh họa - Một bệnh nhân được kiểm tra mắt trước khi phẫu thuật cườm khô (mổ cataract).

Thính giả Nguyễn Hai, ở Úc, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi tên Nguyễn Hai, 64 tuổi, ở tại Melbourne Australia, xin Bác sĩ hướng dẫn giúp đỡ về việc có nên mổ, hay không mổ mắt bị cataract, đã hơn 10 năm qua.

Cách nay hơn 10 năm tôi được bác sĩ nhãn khoa người Úc chẩn đoán mắt trái bị cataract giới thiệu vào bệnh viện mắt tại Melbourne để mổ. Bác sĩ ở đó khám cho về và hẹn gặp lại sau 1 năm. Và cứ như vậy 4 lần là 4 năm.

Lần sau cùng không hiểu thất lạc hồ sơ hay sao mà 5 năm sau không thấy thơ gởi nữa.

Mới đây tôi đi tái khám. Bác sĩ cho biết mắt trái của tôi yếu hơn mấy năm về trước và cần phải mổ.

Tôi lo sợ quá, ăn ngủ không yên, cứ nghĩ đến nếu mổ bị mù là tôi run sợ.

Hiện tại mắt tôi vẫn thấy, vẫn còn lái xe bình thường. Mắt trái nhìn ban ngày, hoặc ban đêm không cần mang kính, nếu che mắt phải lại. Mắt trái nhìn giống như có một lớp rất, rất mỏng như sương, nhưng vẫn nhìn thấy vật dụng không biến dạng hay thay đổi màu sắc.

Kính xin Bác Sĩ vui lòng hướng dẫn giúp đỡ tôi: nên mổ hay không?

Nếu không mổ, sau này có biến chứng nguy hiểm gì không?

Có cách nào chữa trị không cần phẫu thuật không?

Chân thành cám ơn Bác sĩ”

Hỏi đáp Y học: Quyết định phẫu thuật cườm khô (mổ cataract)
please wait

No media source currently available

0:00 0:15:02 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Về quyết định phẫu thuật cườm khô (mổ cataract)

Sau đây, cũng như mọi khi, tôi chỉ xin nêu một số nhận xét chung chung, hoàn toàn có tính cách thông tin.

Theo gốc Hy lạp và La tinh, cataract có nghĩa đổ xuống, giống như một cái thác nước, thủy tinh thể mắt (lens, cristallin (French)) đổi qua màu trắng như một màng trắng buông xuống, chặn ánh sáng vào mắt; khác với cườm nước, hay glaucoma, do nghĩa gốc glaucoma là màu xanh vert (xanh lá cây), cũng có nghĩa là đục, đờ đẫn (dull sheen, là cái nhìn không thần sắc của người mù mắt. Mấy ngàn năm trước thời La-Hy, người ta chưa phân biệt cataract và glaucoma. Bệnh glaucoma do áp suất các chất dịch trong tròng mắt quá cao. Cả hai loại cườm đều có thể hiện diện trong mắt; cataract to quá trong một số trường hợp có thể gây ra glaucoma, cũng như giải phẫu chữa glaucoma có thể gây biến chứng là cataract. Nên hỏi bác sĩ ngoài vấn đề cườm khô mình có bệnh cườm nước hay bệnh gì khác hay không.

Trong bệnh cataract, hoặc cườm khô, có một vết đục trong thủy tinh thể của mắt (lens). Trong một cái máy chụp hình, nhìn vào phía trước, chúng ta thấy một thấu kính (camera lens) để cho ánh sáng đi vào phía sau và ánh sáng in hình lên phim hoặc trên màng phim tiếp nhận. Mắt chúng ta cũng tương tự như một cái máy chụp hình, ánh sáng cũng đi qua một bộ phận như một cái thấu kính, bộ phận đó là thủy tinh thể (lens). Lúc cườm khô (cataract) mới xuất hiện, người bệnh thường không thấy thay đổi gì trong khả năng mình trông thấy, nhưng từ từ theo thời gian, vết đục càng ngày càng ảnh hưởng tới thủy tinh thể mắt, làm cho người bệnh biết mắt mờ đi (blurred vision), hình thể sự vật bị méo mó, người bệnh xốn mắt, khó chịu lúc nhiều ánh sáng và dễ bị chóa mắt lúc nhìn vào một ngọn đèn (glare). Cataract không chữa bằng thuốc uống được. Cách chữa duy nhất là giải phẫu (mổ), bằng cách lấy cái thủy tinh thể đã vẩn đục ra khỏi cái vỏ (capsule) chứa đựng nó và thay thế vào đó bằng một kính nhân tạo bằng plastic (silicone hay acrylic) (intraocular lens, IOL).

Về câu hỏi, lúc nào thì nên giải phẫu lấy cườm khô ra, sau đây tôi xin sơ lược một số điểm căn cứ trên thông tin của hội các bác sĩ chuyên khoa mắt của Hoa Kỳ (American Academy of Ophthalmology, AAO) (1):

1. Bác sĩ định bệnh cataract cho bạn không có nghĩa là phải giải phẫu ngay. Lúc đầu, bệnh nhẹ, đo mắt và mang kính (gương) để sửa lại một số rối loạn về khúc xạ (refraction) như cận thị, viễn thị, loạn thị, hay nhờ kính đặc biệt làm bớt lóa do đèn ban đêm, có thể làm thị giác khả quan hơn, thấy rõ hơn.

2. Tuy nhiên, với thời gian, cườm khô sẽ "chín mùi" hơn ("mature") và cuộc sống hàng ngày có thể bị ảnh hưởng, giới hạn. Mặc dù nhiều bệnh nhân sợ mổ, phẫu thuật lấy cườm khô là phẫu thuật phổ biến nhất được thực hiện trên người già trong chương trình Medicare (bảo hiểm cho người trên 65 tuổi tại Mỹ).

3. Phẩm chất cuộc sống gia tăng sau khi mổ, ít bị té hơn, ít bị tai nạn lưu thông hơn, cơ nguy chết về lâu dài cũng ít hơn.

4. American Academy of Ophthalmology (AAO) khuyên bệnh nhân tự hỏi:

a. Cườm khô có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày hay nghề nghiệp hay không? Ví dụ bạn có thể thấy mờ hơn, chóa mắt/ loá hơn, màu vàng hơn, có thể thấy một thành hai trong cùng một mắt (double vision in one eye), nếu nghề nghiệp của mình bị trở ngại (ví dụ bác sĩ chuyên khoa da, hoạ sĩ, thợ sửa đồng hồ, tài xế), người thích chụp hình (thay đổi màu sắc, không trung thực), nấu ăn, may vá (cần phân biệt chi tiết).

b. Cườm khô có ảnh hưởng đến việc lái xe ban đêm một cách an toàn hay không (vd ánh đèn các xe ngược chiều làm loá mắt); lấy bằng lái xe có bị trở ngại vì thị giác kém không?

c. Những người sinh hoạt ngoài trời nhiều như đánh golf, trượt tuyết, bơi lội: cườm có ảnh hưởng gì không. Nên để ý, nếu mắt mờ một bên, có thể không ước tính được độ xa gần chính xác như người dùng 2 mắt phối hợp với nhau.

d. Những biện pháp giản dị có giúp bạn thoải mái vừa đủ hay không: dùng màu sắc sáng hơn, tươi hơn (ví dụ điện thoại màu đỏ trên quầy bếp màu trắng dễ tìm hơn là nếu cả hai cũng màu đen), thắp đèn sáng hơn, ví dụ đường vào phòng tắm, hay đèn tự động sáng lúc đi ngang qua. Mang kính mát dùng ánh sáng phân cực (polarized sun glasses), mang nón/mũ vành rộng lúc ra ngoài nắng, dùng kính lúp để đọc sách. Theo bác sĩ R. Goel, phát ngôn viên của hội AAO: "Nếu cườm không làm xáo trộn cuộc sống của bạn, có lẽ còn đợi thêm được, và lúc nào nó thật sự bắt đầu làm phiền bạn thì đi giải phẫu. Đối với những ai cảm thấy cườm làm sự vật nhìn thấy nhoà và kém tươi, thủ thuật lấy cườm có thể giúp ích đáng kể.”

5. Người ta chỉ dùng phẫu thuật cườm khô trong mục đích cải thiện, làm khả năng nhìn tốt hơn, rõ hơn mà thôi. Trừ trường hợp phần sau mắt có bệnh cần khám theo dõi, chữa trị (vd bệnh võng mạc) cần phải lấy cườm đục ra mới nhìn thấy được phía sau.

6. Một số trường hợp nếu chờ lâu quá mới giải phẫu, thủy tinh thể (lens) có thể đặc quá (dense, hard nuclei), cứng và nâu, có thể gây trở ngại cho bác sĩ giải phẫu lúc lấy thủy tinh thể ra. (2) Hiện nay bác sĩ thường dùng kỹ thuật phacoemulsification, nghĩa là "nhũ tương hoá thủy tinh thể" (bs dùng dụng cụ siêu âm để phá vỡ thủy tinh thể thành từng mảnh nhỏ và hút ra ngoài, trước khi để thấu kính nhân tạo vào trong vỏ của thủy tinh thể).

Nói tóm lại, giải phẫu lúc nào phần lớn do bệnh nhân cảm thấy mình có muốn và cần thị giác tốt hơn hiện có hay không, mình có khả năng tài chánh để đài thọ những gì mình muốn hay không (ví dụ các thấu kính nhân tạo (IOL) có nhiều loại khác nhau, khả năng khác nhau và giá tiền khác nhau) và bác sĩ có đồng ý với sự lựa chọn của mình hay không.

Xin nhắc lại là bệnh nhân cần bàn với bác sĩ chuyên khoa của mình cũng như với bác sĩ gia đình để tìm hiểu những lựa chọn khác nhau. Những điều nói ở trên không có mục đích thay thế ý kiến của bác sĩ của mỗi người.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG