Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Đau thần kinh hông (sciatica)


Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Thính giả Trần Thanh Lê hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Tôi muốn hỏi ý kiến Bác sĩ về bệnh lý của tôi như sau:

Cách đây 3 tuần, tôi bị trợt té. Bác sĩ gia đình cho thuốc đau Naproxen và Hydrocodon. Tiếp đến tôi đi chụp X-ray, thì L4 và L5 bị tổn thương. Kết quả tôi bị Sciatic Nerve.

Bác sĩ cho thuốc: PREDISONE, 10mg, uống trong vòng 15 ngày. Tôi uống được 7 ngày nhưng chưa thấy kết quả gì.

Mỗi sáng thức dậy, mông và chân trái rất đau, không ngồi dậy được. Kế đến đứng xuống đất cũng không được, phải dùng chân mặt kéo chân trái đi. Chân trái giống như bị liệt hoàn toàn. Rất khó khăn khi đứng lên ngồi xuống. Ngồi ghế lái xe chừng 5 phút là đau chân trái lắm.

Tôi đi bộ rất bình thường, chỉ hơi đau một ít ở bàn chân. Nếu đi bộ càng nhiều thì sẽ bớt đau chân trái, tuy nhiên khi ngồi và đứng dậy vẫn đau mông và chân trái.

Xin hỏi Bác sĩ rằng sciatic nerve có thể trị hết không? Có cần tập yoga không? Châm cứu có giúp ích không?

Thành thật cám ơn Bác sĩ”.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hỏi đáp Y học: Đau thần kinh hông (sciatica)
please wait

No media source currently available

0:00 0:19:20 0:00
Tải xuống

Đau thần kinh hông (sciatica)

Để cho dễ hiểu và dễ nhớ, cái tên la tinh sciatica này chỉ có nghĩa là đau do dây thần kinh hông [sciatic nerve] bị chèn ép, tổn thương ở vùng lưng, làm cho ta có cảm giác đau trên lộ trình của nó, dọc theo mông, phía sau đùi và cẳng chân. Chừng 13-40% người chúng ta từng bị sciatica trong đời.

Bây giờ chúng ta vào chi tiết hơn:

Sở dĩ chúng ta điều khiển được một số cơ, chúng ta có được những cảm giác ở đùi, cẳng, chân là do có những sợi dây thần kinh:

1. Đi từ ngoài (ví dụ xa nhất là đầu ngón chân, rồi đến cẳng, đùi) đem những tín hiệu vào tủy xương sống (spinal cord) rồi đi ngược lên bộ óc chúng ta, báo chúng ta biết: ví dụ chân đạp gai (đau), chân chạm ống khói xe gắn máy (nóng, phỏng), hay cho ta biết có gì đè (pressure) lên bàn chân.

2. Đồng thời óc gởi ra những tín hiệu đến các bắp cơ để thi hành những mệnh lệnh như nhón gót (dorsiflexion, L4), nhất bờ ngoài bàn chân (foot eversion, L5), duỗi ngón cái (S1).

Những sợi thần kinh này được tập hợp thành một dây thần kinh lớn tên là thần kinh hông lớn (sciatic nerve). Dây thần kinh này đi từ xương sống lưng đoạn ngang thắt lưng (lumbar, L4,5, S1), qua những lỗ nằm giữa các đốt xương sống thắt lưng.

Nếu bây giờ, những đốt xương sống đó bị bệnh, như đĩa đệm nằm giữa các đốt sống bị hư hại, lồi ra (herniation of an intervertebral disc, slipped disc); ống xương sống nơi chứa tuỷ sống quá hẹp (spinal stenosis); một đốt xương sống trược trên đốt dưới và xê dịch ra phía trước (spondylolisthesis); chấn thương (té trực tiếp làm hư hại các rễ thần kinh, hoặc gãy xương làm các mảnh xương đè trên rễ thần kinh); u bướu tuỷ sống; như vậy dây thần kinh sciatica bị đè lên trên lộ trình (đường đi) của nó, thì dây thần kinh này sẽ phát ra những tín hiệu báo cáo sai cho não bộ là có cái gì làm cho vùng phụ trách của nó (đùi, cẳng hoặc bàn chân) bị đau, bị tê, hoặc bị nóng buốt. Cho nên người bệnh sẽ "thấy"/có cảm giác mình đau ở chân, cẳng hay đùi trong lúc mà, trên thực tế nguyên nhân nằm tận vùng xương sống lưng hoặc trong vùng xương chậu (ví dụ đau xương sống lưng, bướu trong vùng xương chậu). Các bắp cơ liên hệ tới dây thần kinh này sẽ ít nhiều bị yếu đi.

3. Sau khi chui ra khỏi cột sống, sợi thần kinh sciatic nerve đi ngang qua hoặc đi xuyên qua một cơ bắp dài,hình trái lê nên được gọi là piriformis muscle, nằm sâu trong mông, mà đầu lớn đi từ xương thiêng, qua vùng xương chậu và đi xuống bám vào đầu xương đùi.Chứng này gọi là hội chứng piriformis.

Trong một số nhỏ bệnh sciatica, dây thần kinh sciatic bị bắp cơ này chèn ép, thường là lúc ngồi ghế xe, lúc chạy, bệnh nhân thấy ê, tê, đau nhiều ở mông,và cơn đau có thể chạy xuống phía dưới làm đau dọc theo sau cẳng chân. Định bệnh này khó. Chứng này gọi là hội chứng piriformis; có thể gây ra do chấn thương ở vùng mông,

Mấy chục năm nay, mỗi khi đau sciatica thì người ta gắn "tội" cho một cái đĩa đệm nằm không đúng chỗ (herniated disc) và can thiệp (phẫu thuật) trên vùng xương sống bị nghi ngờ đó. Tuy nhiên, gần đây, người ta khám phá một số trường hợp phẫu thuật trên xương sống không hiệu quả vì nguyên nhân thật sự nằm chỗ khác, ví dụ như trong hội chứng cơ piriformis. Chụp hình X quang đơn giản có thể không đủ để phát hiện các điểm bất bình thường của cột sống (như đĩa đệm bị rách),có thể cần các phương pháp hình ảnh khác nhất là MRI (cọng hưởng từ trường). Đối với những trường hợp như piriformis syndrome, có thể cần đến phương pháp mới gọi là Magnetic Resonance Neurography (MRN) để chụp hình dây thần kinh bằng cọng hưởng từ trường và xem nó hư hại chỗ nào. Phương pháp này có thể không được bảo hiểm trả tiền ở Mỹ vì quá mới.

4. Nói tóm lại, bệnh sciatica chỉ cho ta biết thần kinh sciatic bị tổn thương, và nguyên do có thể nhiều nguồn gốc khác nhau. Cột sống vùng lưng có những dấu hiệu thoái hóa (spondylosis) rất thường gặp trên XR của người có tuổi mạnh khoẻ không có triệu chứng xương khớp (không đau lưng, đau chân), 80% người trên tuổi có dấu hiệu thoái hóa cột sống trên quang tuyến nhưng không có nghĩa là cần phải chữa cho họ và sự hiện diện của các thay đổi này đi đôi với sciatica chưa chắc đã có nghĩa rằng nguồn gốc của cơn đau thần kinh nằm tại các bất thường trên xương sống mà chúng ta thấy.

Người bệnh có thể đau nhiều hơn:

- lúc ban đêm

- lúc đi nhiều, ngồi nhiều

- cúi xuống quá nhiều, bật người ra phía sau (bending backward)

- ho, nhảy mũi mạnh, rặn nhiều lúc đi cầu

Một số nguyên nhân khác nhau như thoát vị đĩa đệm (disc hernia), lệch đốt xương sống (spondylolisthesis), đau khớp háng, u bướu, cơ bắp chèn ép dây thần kinh đều có thể gây ra bệnh sciatica hoặc triệu chứng tương tự.

Tóm lại, nếu chữa trị thông thường bằng nghỉ ngơi, uống thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu mà không thấy kết quả, bệnh nhân cần đi khám lại bs gia đình để theo dõi, định bệnh lại, phối hợp điều trị và theo dõi bệnh tình.Có thể cần đên các bác sĩ chuyên khoa, và có thể cần chích thuốc vào sống lưng (thuốc corticoid chích vào khoảng trống chung quanh màng cứng tuỷ sống [epidural injection of corticosteroid], có thể giúp giảm nhưng ngắn hạn, không giảm khả năng phải giải quyết bằng phẫu thuật), hoặc giải phẫu nếu cần.

Chuyện bệnh có chữa hết hay không, nói chung đa số có dự liệu tốt, tuy nhiên tuỳ thuộc nguyên nhân gây ra, cũng như tuỳ hoàn cảnh tâm tính bệnh nhân vì có những người dễ bị đau mãn tính hay có những trường hợp bệnh nhân trong tiềm thức hưởng lợi từ tình trạng bệnh tật của mình. Châm cứu được một số người dùng vì không tuỳ thuộc vào thuốc; căn cứ trên y lý đông phương nên cần bác sĩ đông y hướng dẫn. Yoga có thể có ích đặc biệt trong hội chứng cơ piriformis gây ra sciatica vì có thể làm giãn cơ này. Tuy nhiên, những tư thế gập người ra phía trước, hay giãn các cơ phía sau đùi (hamstring muscles stretching) có thể là thần kinh sciatic khó chịu thêm. Tập các bắp cơ bụng và phía dưới lưng có khả năng giữ tonus các cơ bắp tốt hơn. Tuy nhiên, dùng tạ nặng bao nhiêu, tư thế tập lưng, bụng như thế nào cần chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn, tránh những tư thế quá đáng, hoạt động làm đau nhiều thêm.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ văn Hiền.

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG