Đường dẫn truy cập

Giáo sĩ Pakistan về nước để chống chính phủ


Giáo sĩ Tahir ul Qadri chào những người ủng hộ sau khi đến Lahore, 23/6/14
Giáo sĩ Tahir ul Qadri chào những người ủng hộ sau khi đến Lahore, 23/6/14
Tuần này, một giáo sĩ quay ra làm chính trị nổi tiếng đã trở lại Pakistan và thề sẽ tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ. Ông Tahir ul Qadri sống tại Canada đã cam kết một “cuộc cách mạng ôn hòa chống lại nền dân chủ thối nát”. Nhưng việc hồi hương bất ngờ đã khơi ra tin đồn quân đội hùng mạnh của Pakistan có thể sử dụng ông như là một đại diện trong nỗ lực loại bỏ chính phủ chính trị.

Nổi tiếng là một giáo sĩ ủng hộ quân đội, tổ chức Awami Tehreek ở Pakistan của ông Tahir ul Qadri là một trong những đảng phái chính trị có tổ chức nhất ở nước này. Cơ sở hậu thuẫn của tổ chức này bắt nguồn từ mạng lưới rộng lớn các đền thờ và trung tâm tôn giáo mà ông Qadri đã tạo dựng khắp Pakistan.

Năm ngoái, ông đã dẫn đầu các cuộc mit-tinh lớn chống lại chính quyền trước đó của Pakistan. Nay ông trở lại để dẫn đầu cái mà người phát ngôn của ông gọi là cuộc cách mạng theo phong cách “mùa xuân Ả Rập” và đưa một chính phủ mới lên nắm quyền để có thể nâng cao trách nhiệm và thúc đẩy cải cách.

Khả năng tổ chức nhanh chóng các cuộc mit-tinh lớn và công khai tố cáo chính phủ dân sự của ông Qadri từ lâu đã được xem là bằng chứng ông được quân đội hậu thuẫn như một cách để loại bỏ các lãnh đạo dân sự.

Ông Daniyal Aziz, một nhà lập pháp của đảng đương quyền, nói:

“Bạn có cho rằng ông Tahir ul Qadri có thể đưa ra những tuyện bố như thế và đây là những hoạt động mà ông đang làm tại Canada, nơi ông đang là một công dân có hai quốc tịch? Bạn có nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận việc này?”

Hôm thứ Hai, ông Qadri dự kiến đến Islamabad từ Dubai trên chuyến bay của hãng Emirates nhưng giới hữu trách đã chuyển hướng chiếc máy bay với gần 300 hành khách đến Lahore, viện dẫn quan ngại về an ninh.

Ðộng thái trên đã khiến cho hàng ngàn người ủng hộ ông bên ngoài phi trường ở thủ đô tức giận, dẫn đến xô xát bạo động với cảnh sát. Việc này đồng thời cũng châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở khắp nơi trong nước.

Sau nhiều giờ trên phi đạo, ông Qadri cuối cùng đã đồng ý rời khỏi máy bay nhưng thề sẽ dẫn đầu các cuộc mít-tinh chống chính phủ trên cả nước để trả thù cho cái chết của hàng chục người ủng hộ đã bị giết chết một tuần trước khi cảnh sát Lahore mở cuộc tấn công vào đám đông bên ngoài nơi cư ngụ của ông Qadri.

Vụ đàn áp đã làm tăng thêm sự chỉ trích nặng nề nhắm vào chính phủ Nawaz Sharif và sự cố máy bay hôm thứ Hai còn làm tăng thêm phần gay gắt.

Ông Raza Rumi, một biên tập viên và người dẫn chương trình truyền hình, nói rằng phản ứng thái quá của chính quyền xuất phát từ lịch sử dân chủ đầy bất trắc của Pakistan, nơi quân đội đã nắm quyến thông qua nhiều cuộc đảo chánh liên tục. Ông nói:

“Lịch sử Pakistan đã như thế khi có một sự đối đầu kiểu này, mối quan hệ dân sự - quân sự đi xuống, quân đội phản ứng hoặc trở lại với một kiểu mánh khóe chính trị tấn công chính quyền đương nhiệm, làm suy yếu nó và tạo ra một môi trường công luận, nơi dân chúng, cử tri sẵn sàng đón nhận một sự thay đổi chính trị”.

Ðược mệnh danh là “nhà cách mạng tự phong”, năm ngoái ông Qadri đã chớp nhoáng trở lại Pakistan lãnh đạo một cuộc biểu tình tương tự chống chính quyền trước. Hàng ngàn người ủng hộ ông đã biểu tình ngồi 3 ngày ở trung tâm Islamabad và đã giải tán một cách êm thắm. Tuy nhiên lần này, ông đã thề quyết sẽ không rời khỏi Pakistan cho tới khi nào hoàn thành sứ mệnh.

“Nhờ Thượng Ðế”, ông nói, “đây sẽ là một phong trào cách mạng và cuộc chiến ôn hòa này sẽ được thực hiện cho tới khi nào những đau khổ của người nghèo kết thúc, sự áp bức người vô tội được trả thù và tham nhũng bị loại bỏ”.

Ngày càng có nhiều sự quan tâm của công chúng đối với cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến Taliban đang tiếp diễn ở đất nước này.

Nhưng nhà lập pháp của đảng đương quyền Daniyal Aziz liên kết sự trở về đột ngột của ông Qadri với vụ xử cựu Tổng thống quân nhân Pervez Masharraf về tội phản quốc:

“Lần đầu tiên ở Pakistan, hai việc xảy ra cùng lúc là nền dân chủ đã chuyển đổi thông qua một cuộc bầu cử hòa bình từ một đảng sang một đảng khác và bây giờ sau nhiều năm xảy ra những sự cố loại này, thì lại có một phiên tòa xét xử tội phản nghịch đang diễn ra. Chính quyền quân nhân đã nói thẳng ra những cảm nghĩ của họ về vụ xử đang diễn tiến”.

Nhà lập pháp đối lập Asad Umar không đồng ý về điều này. Ông cho rằng các thành viên của đảng cầm quyền đang làm nêu ra những quan ngại về việc quân đội can thiệp vào chính trị để công chúng khỏi chú ý đến những thất bại của họ trong những cải cách chính trị và kinh tế đã được hứa hẹn từ lâu. Ông nói:

“Nếu sự can thiệp của quân đội thực sự xảy ra, đó là một vấn đề lớn. Không có gì lớn hơn điều đó, ra trước quốc hội, ra trước tòa án, dùng các phương tiện hiến pháp có sẵn. Bạn không thể thực hiện các chiến dịch truyền thông vu khống chống lại các định chế nhà nước quan trọng. Ðó không phải là cách đúng đắn để điều hành nhà nước dân chủ”.

Bất mãn tăng cao trong những tháng gần đây với chính quyền Sharif vì tình trạng mất điện toàn quốc đã làm tê liệt các hoạt động kinh tế ở Pakistan.

Hơn nữa, các nhà chỉ trích nói rằng việc thiếu minh bạch trong cách giải quyết cuộc nổi dậy Hồi giáo chết người tại quê nhà và những bất đồng với quân đội theo như báo cáo có liên quan đến việc đối phó với nước láng giềng Afghanistan và Ấn Ðộ là những nguyên nhân chính yếu gây căng thẳng dân sự - quân sự.

Các nhà quan sát không chắc chắn liệu việc hồi hương của ông Qadri có làm tăng thêm căng thẳng và liệu các chính đảng đối lập khác có muốn tiếp tay với với một người bị cáo buộc cổ súy cho các lực lượng “phi dân chủ” để đảm nhận các vấn đề quốc sự hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG