Đường dẫn truy cập

Gia đình Việt tị nạn trông chờ ‘lòng hảo tâm’ của TT Trump


Anh H. không biết phải làm gì tiếp theo. Căn phòng tồi tàn nơi gia đình bốn người của anh trú ngụ tại Thái Lan giờ trống trơn chẳng còn thứ gì. Anh chẳng thể đi làm được nữa. Con anh đã nghỉ học. Vợ anh mấy ngày nay “khóc rất nhiều” và “hoang mang dữ lắm.”

Thứ Sáu tuần trước, những đại diện của Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và luật sư của Ủy ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) báo tin chuyến đi sang Mỹ định cư theo diện tị nạn của gia đình anh đã bị đình chỉ theo sắc lệnh di trú mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ký trong cùng ngày, theo đó chương trình người tị nạn của Mỹ bị tạm ngưng trong 120 ngày trong khi visa cấp cho người tị nạn Syria bị đình chỉ vô thời hạn.

Anh nhận được xác nhận chính thức của Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok hôm thứ Hai khi anh đến gặp họ.

“Khi nhận được cái tin này thì làm cho tôi và vợ tôi mất tinh thần luôn,” anh nói. Anh yêu cầu VOA không xác định danh tính để bảo vệ sự an toàn của mình. “Trong lúc này vợ tôi đang mang bầu năm tháng ngoài, gần sáu tháng rồi thành ra mất tinh thần, làm cho muốn xỉu luôn.”

Gia đình anh H. nằm trong số hàng chục ngàn người khắp thế giới mà tương lai của họ bỗng chốc bị đẩy vào tình trạng bất định vì sắc lệnh hành pháp này. Kể từ khi có hiệu lực vào cuối tuần qua nó đã gây nên tình trạng hỗn loạn tại các sân bay vì nhiều người bị câu lưu, khơi lên những phản ứng giận dữ khắp thế giới và khiến nhiều chính trị gia và giới chức liên bang ở Mỹ bất bình.

Những người biểu tình phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump tại sân bay O'Hare, ngày 29/1/2017.
Những người biểu tình phản đối sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump tại sân bay O'Hare, ngày 29/1/2017.

Hôm thứ Ba, một quan chức cao cấp của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới cho hay gần 900 người tị nạn sẽ được cấp giấy miễn trừ để được vào Mỹ trong tuần này, những người mà đã sẵn sàng lên đường và việc đình chỉ chuyến đi sẽ gây nên “khó khăn quá mức” đối với họ.

Gia đình anh H. dường như không nằm trong số những người này. Họ lẽ ra sẽ lên chuyến bay rời Bangkok, Thái Lan, vào ngày 8 tháng 2 này để tới thành phố Los Angeles.

Đối với họ, nước Mỹ là nơi mà họ không phải sống chui nhủi trong một khu ổ chuột đầy những người nghiện ma túy và mất an ninh, nơi mà anh H. không phải lẩn trốn trong nỗi sợ hãi vì cảnh sát truy lùng những người cư trú bất hợp pháp, và nơi mà con cái anh sẽ được đến trường bất chấp tư cách người tị nạn.

Trước khi rời đi họ lẽ ra phải đóng khoản tiền phạt 190 đôla theo luật pháp của Thái Lan vì nhập cư bất hợp pháp và cả gia đình họ phải vào ở trong trung tâm tạm giam di trú từ năm tới bảy ngày. Nhưng vì kế hoạch di cư bị đình chỉ, họ sẽ không phải nộp phạt và bị giam giữ nữa. 190 đôla đó giờ là số tiền ít ỏi giúp họ sống qua ngày.

“Sống qua ngày không biết phải lăn lóc như thế nào đây anh ơi,” anh H. than thở. “Tại vì bây giờ phải đi khỏi chỗ cũ rồi. Đi tìm chỗ mới để thuê ở rất là khó khăn. Mình chỉ có cái thẻ của UN [Liên Hiệp Quốc]. Thẻ UN ở đất Thái này người ta cũng không mướn nhà cho nữa, phải tìm người Thái để cho họ thuê nhà cho mình ở. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là công chuyện làm ăn cũng mất hết trơn rồi. Như vậy không biết phải sống bằng cách nào nữa.”

Trở thành người tị nạn

Anh H. từng là một nhà sư Phật giáo Tiểu thừa người Khmer Krom ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Năm 2007 anh tham gia biểu tình đòi tự do tôn giáo và bị chính quyền Việt Nam đàn áp, tống giam trong bảy ngày và bắt hoàn tục, theo lời anh kể. Sau đó anh đào thoát khỏi Việt Nam sang Campuchia sống trong một thời gian. Nhưng hành trình tị nạn của anh chỉ mới bắt đầu.

“Tới năm 2009 tôi mới thấy là không thể sống ở Campuchia được…bị truy nã từ Việt Nam lên nên tôi phải chạy sang Thái Lan này, rồi mới tìm Cao ủy Tị nạn làm đơn xin tị nạn,” anh H. cho biết. Với sự giúp đỡ của những luật sư BPSOS, anh chính thức được UNHCR công nhận tư cách tị nạn vào năm 2014.

Nhưng cuộc sống không dễ dàng hơn với anh H. Vẫn là người nhập cư bất hợp pháp và do đó tìm được một công việc chính thức gần như là điều không thể, anh mưu sinh bằng nghề lượm rau bỏ đi và lặt ớt, lặt rau để sống qua ngày.

“Cuộc sống ở Thái Lan rất là vất vả,” anh nói.

Giờ anh không biết cuộc sống của mình còn vất vả tới mức nào nữa khi mà anh chẳng thể đi lặt rau mà cũng chẳng có nơi để trú ngụ, khi mà vợ anh đang mang thai không làm gì được và con anh không còn đến trường nữa.

BPSOS cho biết họ đang gây quỹ để giúp cho gia đình anh H. tìm chỗ ở tạm, mua quần áo, và sống qua ngày cho đến khi có sự thay đổi trong lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ.

Tổng thống Trump trong một thông cáo hôm Chủ nhật nói rằng “[nước Mỹ] sẽ tiếp tục thể hiện lòng trắc ẩn đối với những người chạy lánh sự áp bức, nhưng chúng ta sẽ làm như vậy trong khi bảo vệ người dân và biên giới của chính chúng ta.”

Anh H. nói anh không biết chính sách về người tị nạn của Mỹ sẽ như thế nào sau 120 ngày. Anh chỉ biết hy vọng Tổng thống Trump sẽ suy nghĩ lại.

“Xin ông hãy có lòng hảo tâm đối với những người tị nạn, yêu cầu ông nên xét lại và có nhân đạo đối với người tị nạn, không những riêng người Việt Nam mà kể cả các dân tộc khác cũng thế,” anh chia sẻ thông điệp mà anh muốn gửi tới nhà lãnh đạo của Mỹ.

Nhưng anh vẫn thấy sự bất định phủ bóng lên tương lai sắp tới của gia đình mình.

“Sau 120 ngày chắc là vợ em sanh rồi, không biết có thể là được đi định cư hay không nữa,” anh nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG