Đường dẫn truy cập

Nhà văn Mỹ hé mở thêm sự thật về chiến dịch Babylift


Bà Dana Sachs, một nhà văn rất đam mê viết các đề tài về Việt Nam
Bà Dana Sachs, một nhà văn rất đam mê viết các đề tài về Việt Nam

Bà Dana Sachs, một nhà văn, nhà báo tự do, nhà biên tập và nghiên cứu lịch sử, là một người rất đam mê viết các đề tài về Việt Nam. Mới đây, nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, bà đã cho xuất bản cuốn sách mới nhất có tựa đề “The Life We Were Given”, xin tạm dịch là “Cuộc đời được trao tặng”, một cuốn sách hé mở nhiều sự thật về chiến dịch sơ tán trẻ mồ côi khỏi Việt Nam, mang tên ‘Operation Babylift’, vào giao đoạn kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975.

VOA: Có lẽ rất nhiều người đã hỏi bà câu hỏi này, nhưng cũng có nhiều người khác muốn biết câu trả lời của bà, câu hỏi đó là ‘tại sao lại là Việt Nam?’ Tại sao bà lại thích viết về Việt Nam vậy?

Bà Dana Sachs: Đúng vậy, rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi đó. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi sinh vào năm 1962, và những gì mà tôi biết về Việt Nam chỉ là về cuộc chiến. Tôi biết rất ít về Việt Nam, nhưng tôi biết rằng có những người lính Mỹ đã chiến đấu và hy sinh tại đó. Khi tôi lớn lên, tôi bắt đầu thích đi du lịch và đặc biệt là châu Á, và tôi đã dành 9 tháng để đi du lịch tới đó. Khi đó là vào những năm đầu của thập niên 1990, khi mà hai chính phủ Mỹ và Việt Nam mới bắt đầu hiểu nhau hơn đôi chút và cũng là lần đầu tiên người Mỹ được phép đến Việt Nam kể từ sau cuộc chiến.

Thật sự lúc đó tôi muốn đi một phần là vì cái cảm giác tội lỗi về cuộc chiến. Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt đã chết trong chiến tranh và là một người Mỹ tôi phải có trách nhiệm đến tận nơi và tận mắt tìm hiểu sự thực về cuộc chiến đó. Nhưng khi chính mình đặt chân tới nơi thì tôi nhận ra rằng đó không phải là mảnh đất chỉ có chiến tranh. Việt Nam có một lịch sử lâu đời và một nền văn hóa phong phú. Tôi rất thích thú về điều đó và đã quyết định quay trở lại sống ở đó một thời gian để tìm hiểu về văn hóa với cái nhìn tách biệt khỏi cuộc chiến và tìm cách viết làm sao để độc giả Mỹ có thể hiểu về đất nước này một cách sâu sắc hơn, chứ không chỉ nghĩ đến cuộc chiến khi nghe nhắc tới cái tên Việt Nam.

Cuốn sách đầu tiên của tôi là dựa trên những trải nghiệm đó. Càng viết về Việt Nam, càng sống ở Việt Nam thì tình bạn của tôi với những người Việt càng sâu sắc hơn và ý tưởng viết về Việt Nam càng tuôn trào trong tôi, và tôi lại càng quan tâm và muốn tìm hiểu nhiều hơn về đất nước này.

VOA: Thế còn về cuốn ‘The Life We Were Given’? Thưa bà điều gì đã gợi cảm hứng để bà viết cuốn sách này vậy?

Bà Dana Sachs: Khi tôi nghiên cứu để viết cuốn “If You Lived Here”, tôi tìm thấy những bức ảnh trên Internet về chiến dịch sơ tán trẻ em khỏi Việt Nam có tên gọi là ‘Operation Babylift’. Những bức ảnh ấy đã cuốn hút tôi, bởi như tôi đã nói, tôi thích tìm hiểu về lịch sử và văn hóa chứ không phải cuộc chiến, nhưng tôi cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn những bức ảnh về những đứa trẻ được đưa ra khỏi Việt Nam ngay trước khi cuộc chiến kết thúc vào tháng 4 năm 1975. Tôi tự hỏi tại sao trẻ em lại bị đưa khỏi Việt Nam ngay trước khi chiến tranh kết thúc và đất nước sẽ trở lại hòa bình? Vì vậy tôi đã quyết định tự mình tìm hiểu về sự kiện đó để xem điều gì đã thực sự xảy ra.

VOA: Bà đã tìm hiểu về sự kiện đó, vậy theo ý kiến riêng của bà, bà nhận xét thế nào về cách thức chiến dịch này được triển khai?

Bà Dana Sachs: Tôi cố gắng kể câu chuyện từ quan điểm của rất nhiều người khác nhau, những người mà cuộc đời của họ có liên quan đến sự kiện ấy. Có câu chuyện về chính những đứa trẻ ấy và về những người đã tổ chức những chuyến sơ tán để cố gắng để đưa những đứa trẻ ra khỏi Việt Nam, về những người cha, người mẹ đã phải từ bỏ con cái mình vì lo sợ con họ sẽ bị giết hại nếu ở lại Việt Nam và về cả về những gia đình đã nhận những đứa trẻ đó làm con nuôi.

Tôi nghĩ động cơ về việc thực hiện chiến dịch đưa trẻ em ra khỏi nơi nguy hiểm là rất nhân bản và tự nhiên, khi chúng ta nhìn những bức hình trẻ em trong những hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta đều muốn giúp các em. Nhưng vấn đề ở đây là chiến dịch babylift được thực hiện trong một giai đoạn vô cùng hỗn loạn. Cùng với những sự hoang mang, sợ hãi, đã có nhiều sai sót xảy ra mà sau này không thể sửa chữa được khi mà trẻ em đã được đưa khỏi Việt Nam và trao cho các gia đình nhận nuôi. Không hề có nỗ lực nào để tìm hiểu xem những đứa trẻ đó có còn cha, mẹ ở Việt Nam hay không, những người có thể muốn nhận lại con họ sau này, và vấn đề trở nên rất phức tạp.

VOA: Như thế có nghĩa là một số trẻ em trong danh sách các em bé này không phải là trẻ em mồ côi đúng không, thưa bà?

Nhà văn Mỹ hé mở thêm sự thật về chiến dịch Babylift
Nhà văn Mỹ hé mở thêm sự thật về chiến dịch Babylift

Bà Dana Sachs: Đúng vậy, hầu hết các em trong số đó, có thể vào khoảng 80%, là các em bé sống trong các trại trẻ mồ côi ở Việt Nam lúc đó, tuy nhiên có một số đáng kể các em vẫn sống với cha, mẹ trước đó, nhưng vì cha, mẹ các em hoảng sợ rằng các em có thể sẽ bị giết hại sau khi kết thúc chiến tranh. Vì vậy họ đã để con cái họ được đưa đi sơ tán với ý nghĩ để cứu mạng sống cho con mình. Tuy nhiên, khi con họ đã được đưa lên máy bay và đưa đi rồi thì họ không còn có thể thay đổi được quyết định của mình nữa và không thể đưa được con cái họ quay trở về.

VOA: Vậy có phải chính những lời đồn thổi và chiến dịch tuyên truyền đã càng làm tăng thêm sự hoảng loạn vào thời điểm đó không thưa bà?

Bà Dana Sachs: Chính xác là vậy. Vào những tuần lễ cuối cùng của cuộc chiến, có rất nhiều lời đồn ở miền nam Việt Nam, đặc biệt là về những đứa con lai Mỹ. Có những lời đồn như là ‘cộng sản sẽ vào miền nam, họ sẽ đi tìm những đứa con lai của những người lính Mỹ, và họ sẽ moi gan, mổ bụng những đứa trẻ đó’. Những lời đồn về những điều vô cùng dã man như vậy đã khiến những gia đình, đặc biệt là những bà mẹ có con với những binh sĩ Mỹ, thực sự sợ hãi rằng con cái họ sẽ bị giết hại, vì vậy mà họ đã để con mình được đi sơ tán. Sau khi cuộc chiến kết thúc thì rõ ràng là cộng sản đã không giết hại những đứa trẻ đó. Mặc dù những bà mẹ này nhận ra rằng có thể cuộc sống của con cái họ sẽ gặp khó khăn nếu ở lại Việt Nam nhưng chắc chắn là con họ sẽ không bị giết hại, họ muốn nhận lại con mình, nhưng lúc đó thì đã quá trễ rồi.

VOA: Bà có thể kể đôi chút cho thính giả đài VOA nghe về cô bé có mái tóc vàng và người phụ nữ tóc đen trên bìa cuốn sách, được không thưa bà?

Bà Dana Sachs: Vâng, chắc chắn rồi. Người mẹ đó tên là Hân, bà có 7 người con, gia đình bà sống ở Đà Nẵng. Khi đó, bà làm công việc giặt là ở đại sứ quán Mỹ và bà đã quen biết một binh sĩ Mỹ. Bà đã có một đứa con với người này, đó chính là đứa bé trong bức hình. Cũng như những người khác bà cũng nghe những lời đồn về việc cộng sản sẽ giết trẻ em là con lai Mỹ, vì vậy bà đã bán tất cả mọi của cải và dẫn theo những đứa con đi tàu biển vào Sài Gòn để đứa con út của mình được đưa tới cơ quan nhận con nuôi và được đưa ra khỏi Việt Nam. Đứa trẻ sau đó được đưa sang Hoa Kỳ và được một gia đình Mỹ nuôi nấng.

Nhiều năm sau, khi người mẹ đó thấy có nhiều người nước ngoài tới Việt Nam, bà đã mang theo giấy tờ về đứa con mình đi khắp phố phường Đà Nẵng, và khi gặp bất cứ người nước ngoài nào bà cũng nhờ họ tìm kiếm giúp con gái của mình. Cuối cùng sau nhiều năm, bà đã gặp một nhân viên Hội Chữ thập Đỏ, ông ấy đã giữ những thứ giấy tờ đó và hứa sẽ tìm cách giúp bà. Vài tháng sau đó, Hội Chữ thập Đỏ đã tìm thấy người con bà và đã giúp hai mẹ con họ liên lạc với nhau.

VOA: Thật là một câu chuyện cảm động. Xin cảm ơn bà. Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, bà có muốn nói điều gì đó bằng tiếng Việt với thính giả và độc giả người Việt Nam không thưa bà?

Bà Dana Sachs: Khi tôi viết sách, tôi viết bằng tiếng Anh vì tiếng Việt của tôi rất là kém. Tôi rất muốn người Việt Nam có dịp đọc sách của tôi vì truyện này về trẻ em mồ côi Việt Nam, đó là lịch sử của người Việt Nam và nước Việt Nam, vì vậy tôi nghĩ là người Việt Nam sẽ nghĩ truyện này hay.

VOA: Xin cảm ơn bà rất nhiều.

Quí vị có thể tìm hiểu thêm về bà Dana Sachs cùng các tác phẩm khác của bà ở địa chỉ: http://www.danasachs.com/index.htm

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG