Đường dẫn truy cập

Mỹ tìm chiến thuật mới chống Trung Quốc giảm giá tiền tệ


Một nhân viên ngân hàng đang đếm những tờ Nhân dân tệ và Đô la Mỹ tại một chi nhánh của ngân hàng Bank of China.
Một nhân viên ngân hàng đang đếm những tờ Nhân dân tệ và Đô la Mỹ tại một chi nhánh của ngân hàng Bank of China.

Chính phủ của Tổng thống Trump đang cân nhắc một chiến thuật mới để khích lệ Trung Quốc không hạ giá đồng nhân dân tệ, nhưng theo cách làm thế nào để hai bên không trực diện đối đầu nhau, theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời các nhà hoạch định chính sách cho hay.

Tờ báo này nói theo kế hoạch mới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ coi việc giảm giá hay thao túng đơn vị tiền tệ của bất kỳ nước nào- không cần nêu đích danh Trung Quốc- như một trợ cấp không được công bằng đối với Hoa Kỳ. Các công ty Mỹ trong trường hợp đó, có thể nộp hồ sơ lên Bộ Thương mại để phản đối các trợ cấp bất công ấy, dù là của Trung Quốc hay của bất kỳ nước nào khác toan tính thao túng đơn vị tiền tệ của họ theo chiều hướng bất lợi cho phía Mỹ.

Các cuộc thảo luận này là một phần trong chiến lược mới của tân Hội đồng Thương mại Quốc gia của chính phủ Trump nhằm cân bằng mục tiêu vừa thách thức Trung Quốc về một số chính sách của họ, trong khi cùng lúc, duy trì các quan hệ ổn định rộng lớn hơn với Bắc Kinh.

Làm như thế sẽ giúp chính quyền Tổng thống Trump né tránh - ít nhất là trong lúc này, tranh cãi với Trung Quốc về liệu Bắc Kinh có thực sự thao túng đồng nhân dân tệ hay không.

Nếu đề nghị này được thi hành thì có nghĩa là ông Trump đã xoa dịu phần nào những lời lẽ cường điệu và cứng rắn trong thời gian vận động tranh cử, đe doạ tăng thuế quan để trừng phạt Trung Quốc thao túng đồng nguyên, để giờ đây, chọn một hướng tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Bắc Kinh.

Thái độ hoà hoãn hơn sẽ giúp lót đường cho các hành động chống những nước khác mà ông Trump và ê-kíp của ông đã tố cáo là thao túng đơn vị tiền tệ của mình, trong số các nước này có một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và nước Đức. Tuy nhiên đây là một động thái có thể đẩy các nước đồng minh này vào chỗ muốn tiếp tay với Trung Quốc, chống lại chính sách của chính phủ Trump.

Cục Dự trữ liên bang

Chính phủ tiền nhiệm của Tổng Thống Obama đã quyết định không coi vấn đề liên quan tới đơn vị tiền tệ như một trợ cấp vì e rằng làm như thế có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương Mại Thế giới, và khởi động các biện pháp tương tự chống hàng xuất khẩu của Mỹ. Các nước khác có thể lập luận rằng các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang làm cho đôla Mỹ suy yếu hơn cũng được coi như một sự trợ cấp.

Trong một cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 10/2, ông Trump hứa rằng trong nay mai sẽ san bằng “sân chơi” cho các đơn vị tiền tệ Mỹ, Trung Quốc và Nhật. Nhưng ông không giải thích ông ngụ ý gì khi nói như vậy. Ông Abe đã phản bác lại rằng nói Nhật Bản hạ giá đồng yên là sai sự thực.

Thủ Tướng Đức Angela Merkel tháng trước cũng bác bỏ lời cáo buộc của ông Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia, cho rằng thặng dư mậu dịch của nước này là một dấu hiệu cho thấy giá trị đơn vị tiền tệ của Đức thấp hơn giá trị thực tế của nó. Bà Merkel lưu ý rằng tỷ giá hối đoái là thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương Âu Châu, và chính phủ Đức từ lâu vẫn tôn trọng tính độc lập của ngân hàng này.

Phúc trình về chính sách tiền tệ Trung Quốc được đưa ra sau khi ông Trump gọi điện thoại cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước và đồng ý tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, là chính sách đã là nền tảng của các quan hệ Mỹ-Trung từ những năm của thập niên 1970.

VOA Express

XS
SM
MD
LG