Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phá vỡ một nhóm khủng bố ở Tân Cương


Trung Quốc cho hay đã phá vỡ một tổ chức khủng bố lớn âm mưu các vụ tấn công ở vùng Tân Cương miền tây bắc hẻo lánh của nước này. Thông báo hôm thứ năm được đưa ra gần 1 năm sau khi xảy ra những vụ bạo động sắc tộc tàn khốc trong vùng khiến gần 200 người thiệt mạng. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Phát ngôn viên Bộ Công an Trung Quốc Ngô Hòa Bình cho hay Bắc Kinh đã phá vỡ một tổ khủng bố hoạt động ở Tân Cương.

Ông Ngô nói chính quyền công an đã bắt giữ hơn 10 phần tử khủng bố, kể cả người được cho là cầm đầu nhóm này.

Hai vụ việc ở Tân Cương được người phát ngôn bộ Công an đề cập đến một cách cụ thể đều xảy ra trong khoảng thời gian Thế vận hội Olympic Bắc Kinh năm 2008 – đó là những vụ tấn công gây chết người vào các đồn công an ở Kashgar và Kuqa.

Tại một cuộc họp với các phóng viên ở Bắc Kinh hôm thứ năm, ông Ngô Hòa Bình đã đọc một thông cáo ngắn gọn, nhưng không nhận trả lời các câu hỏi. Một văn kiện được phân phát tại cuộc họp báo gồm có hình ảnh của hai nơi mà các phần tử khủng bố bị cáo buộc đã chế tạo và thử nghiệm chất nổ, cũng như các vũ khí khác.

Trung Quốc nói các phần tử bị cáo buộc là khủng bố thuộc Phong trào Độc lập Đông Turkestan. Cả Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc đều liệt kê phong trào này vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Mới đây, Trung Quốc loan báo sẽ thành lập một đặc khu kinh tế tại Kashgar, trong khuôn khổ các nỗ lực biến thành phố biên cương phía tây này thành một trung tâm giao thương với các lân quốc Trung Á của nước này.

Các giới chức nói các chính sách biệt đãi về thuế và đầu tư sẽ được chung quyết ngay vào cuối năm nay.

Ông Ilham Tohti, một người Uighur giảng dậy tại trường Đại học Quốc tịch ở Bắc Kinh, nói rằng ông nhìn thấy một chiều hướng chính trị trong các cuộc đầu tư của chính phủ Trung Quốc tại Tân Cương.

Ông Tohti nói ông tin rằng chính phủ Trung Quốc đã chi ra rất nhiều tiền ở Tây Cương trong nỗ lực kiểm soát khối thiểu số người Uighur. Ông nói người Uighur không được hưởng lợi ích gì bởi vì họ không được tuyển dụng vào bất cứ công việc mới nào.

Ông Tohti nói thay vì thế, cơn lốc kinh tế đã đẩy giá cả lên tại các thành phố ở Tân Cương, khiến cho người Uighur không còn đủ khả năng để mua nhà hay thậm chí mua thịt mà ăn nữa.

Giảng viên người Uighur này không tán đồng việc tách Tân Cương ra khỏi Trung Quốc, nhưng nói rằng người Uighur và người Hán cần phải học hỏi về nhau để có thể hòa đồng với nhau hơn.

Các nỗ lực của riêng ông cho đến giờ này đã vấp phải một trở ngại. Chính quyền Trung Quốc đã chận việc truy cấp trang web tiếng Hoa của ông Tohti tập trung vào Tân Cương có tên là uighurbiz-dot-net.

Tân Cương là một khu vực rộng lớn, giầu tài nguyên nằm giáp ranh với Trung Á.

Vụ bạo loạn hồi tháng 7 năm ngoái giữa 9 triệu người Hồi giáo Uighur và các thành viên thuộc khối đa số Hán tộc là cuộc bạo động quần chúng lớn nhất tại Tân Cương từ nhiều năm nay.

Bắc Kinh đổ lỗi cho các nhà hoạt động người Uighur là tìm cách tách rời Tân Cương ra khỏi Trung Quốc. Người Uighur thì cáo buộc chính phủ Trung Quốc là phân biệt đối xử và áp bức trong nhiều thập niên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG