Đường dẫn truy cập

ASEAN đóng vai trò then chốt để giảm căng thẳng ở biển Đông


Khi một tàu Trung quốc cắt dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí của Việt nam trong vùng biển Đông, những vụ biểu tình phản đối đã bột phát tại Việt Nam
Khi một tàu Trung quốc cắt dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí của Việt nam trong vùng biển Đông, những vụ biểu tình phản đối đã bột phát tại Việt Nam

Những nền kinh tế đang trỗi dậy tại châu Á rất cần đến những tài nguyên thiên nhiên, và điều đó đã thu hút sự chú ý đến những trữ lượng còn nằm sâu dưới lòng biển phía nam Trung Quốc. Những quốc gia quanh nơi này từ lâu vẫn bất đồng về quyền kiểm soát vùng biển này, nhưng những nỗ lực thăm dò dầu hỏa và khí đốt đang làm cho tình hình càng căng thẳng thêm. Từ Hồng Kông, thông tín viên Heda Bayron tường trình rằng một số quốc gia sẽ đưa vụ tranh chấp ra trước cuộc họp sắp tới của Hiệp Hội các Quốc gia Đông nam Á ASEAN.

Khi một tàu Trung quốc cắt dây cáp của một tàu thăm dò dầu khí của Việt nam trong vùng biển Đông hồi tháng Năm thì tình hình căng thẳng đã nhanh chóng gia tăng.

Việt Nam đáp lại bằng cách thực hiện những cuộc thao dượt quân sự trong vùng biển này bằng đạn thật và những vụ biểu tình phản đối đã bột phát tại Việt Nam và Philippines chống lại điều mà chính phủ hai nước này gọi là sự võ đoán của Trung Quốc.

Đó không phải là lần đầu tiên mà những tranh chấp trong khu vực đã làm dấy lên những vụ lời qua tiếng lại. Trung quốc coi toàn thể vùng biển ở phía nam là lãnh thổ "không thể tranh cãi" của họ.

Nhưng Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng nhận tất cả hoặc một phần vùng biển ở phía nam Trung quốc.

Vùng này là một trong những hải lộ bận rộn nhất thế giới, nhưng trữ lượng dầu hỏa và khí đốt khiến cho vùng biển này càng quan trọng hơn cho những quốc gia có ý định giữ an toàn cho nguồn năng lượng của họ.

Ông Yang Fang là một nhà nghiên cứu về an ninh hải dương tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore.

Ông nói: “ Một mặt, Trung Quốc ngày càng cần đến năng lượng, và mặt khác, Việt Nam, Philippines và Malaysia đều đã khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển này. Hệ quả là Trung Quốc ngày càng sử dụng đến các cơ quan thực thi công lực của họ để bảo vệ quyền lợi biển."

Nhưng trong lúc xảy ra đụng chạm quyền lợi kinh tế, mối nguy của xung đột vũ trang cũng gia tăng; Việt Nam và Malaysia đang gia tăng khả năng của họ bằng những tàu ngầm mới.

Trong những năm gần đây, các giới chức Trung Quốc cứ lập đi lập lại rằng họ muốn cộng tác với các nước láng giềng để giải quyết những dị biệt.

Bà Carolina Hernandez, một nhà phân tích quốc phòng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Phát Triển và Chiến Lược Philippines, nói rằng cần phải củng cố lực lượng quân sự để phòng hờ trường hợp không thể hợp tác được.

Bà nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ hòa khí với Trung Quốc, nhưng hầu hết chúng tôi đều muốn giữ các chính sách bảo đảm nào đó. Không thể cứ tin tưởng mỗi một chuyện là sự hợp tác sẽ tốt đẹp vì chính trị thế giới không phải như thế.”

Trong chuyến đi Bắc Kinh trong tháng này, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Đô đốc Mike Mullen cảnh báo rằng chỉ một tính toán sai lầm trong vùng này cũng có thể đưa đến bạo động.

Nhưng một số các nhà phân tích cho rằng nguy cơ đó thấp, vì nó sẽ gây gián đoạn cho việc khai thác dầu hỏa. Ông James Nolt là Khoa Trưởng tại Học Viện Công Nghệ New York tại Nam Kinh.

Ông Nolt nói: “Không ai có thể sản xuất dầu mỏ tại Đông Nam Á nếu đây là một vùng có tranh chấp và chiến tranh vì các công ty dầu hỏa không liều lĩnh mang những tài sản đắt tiền của họ đến vùng có chiến tranh để khai thác dầu khí. Do đó phương cách duy nhất để những quốc gia trong vùng có thể được lợi là họ khai thác những nguồn nguyên liệu bằng hợp tác và hòa bình.”

Hoa Kỳ cho biết họ vẫn quyết tâm duy trì quyền tự do thông thương trong vùng và kêu gọi một giải pháp đa phương cho vấn đề này - một ý kiến mà Trung Quốc bác bỏ.

Bắc Kinh than phiền về điều mà họ gọi là sự can thiệp của những quốc gia không liên hệ đến cuộc tranh chấp này.

Từ ngày 15 đến 23 tháng 7 tới đây, các giới chức quốc phòng và những nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên và những quốc gia đối tác khác của ASEAN sẽ gặp nhau tại Indonesia. Theo dự kiến Biển Đông sẽ là đề tài đứng đầu nghị trình các phiên họp.

Một số chính phủ trong vùng đã chỉ rõ là họ xem ASEAN như là cơ sở chính để giải quyết tranh chấp. ASEAN làm việc với Trung Quốc năm 2002 và đi đến một Công bố về cách Ứng xử của các bên liên quan tại biển Đông - được xem như làm nền tảng để tránh các cuộc xung đột trong khu vực.

Tuy nhiên bà Hernandez tỏ ý hoài nghi.

Bà nói: “ASEAN không thể giải quyết cuộc tranh chấp. Không phải tất cả 10 quốc gia liên hệ đều là thành viên của ASEAN. Có 4 quốc gia ASEAN đưa ra những tuyên bố nhận chủ quyền và những tuyên bố này trùng lắp với nhau. Bản Tuyên bố Ứng xử của các bên liên hệ có thể là một tuyên bố có tính cách chính trị. Tuyên bố này đưa ra những chuẩn mực nhưng không thể buộc phải thực thi.”

Các nhà phân tích trong vùng nói bước kế tiếp của ASEAN là đạt tới một luật lệ về ứng xử có tính cách cưỡng hành. Nhưng có phần chắc không thể thực hiện được trong năm nay.

Ông Yang Fang tại Singapore nói quyền lợi của Hoa Kỳ làm cho vai trò của ASEAN thêm phức tạp.

Ông Yang nói: “Các nước ASEAN nên nỗ lực dàn xếp mối liên hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề biển Đông. Một mặt các quốc gia này cần công nhận quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng này, mặt khác, các quốc gia này không nên dồn Trung Quốc vào chân tường, vì làm như thế có thể đẩy Trung Quốc ra khỏi tiến trình này."

Ông John Ciorciari, một thành viên của Hiệp hội châu Á tại New York nói trong khi Trung Quốc gia tăng khả năng hải quân của họ, Trung Quốc không thể nào đảm bảo an ninh và chiếm giữ các phần lãnh thổ trong một thời gian dài, nhất là khi Hoa Kỳ giúp các nước tranh chấp khác.

Ông Ciorciari nói: “Chiến lược của Trung Quốc là ngăn ngừa các nước tranh chấp khác tiến vào vùng tranh chấp và cắm cờ của họ tại đây, để Trung Quốc đợi thời cơ khi họ kỳ vọng là trong tương họ có những khả năng to lớn hơn và có thể có khả năng thu được nhiều nhượng bộ hơn nữa.”

Xét đến những mối quan tâm về quân sự và kinh tế , các chuyên gia về vùng này nói chọn lựa hữu lý duy nhất là tiếp tục những cuộc thảo luận, trong đó có cuộc thảo luận trong tháng này của ASEAN.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG