Đường dẫn truy cập

TQ ‘sẽ không cung cấp thông tin thường xuyên’ về thủy điện trên sông Mekong


Các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong nhóm họp ở Thái Lan đã đồng ý cải thiện quan hệ hợp tác trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên của dòng sông này. Thỏa thuận đạt được sau khi xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng làm mực nước của dòng sông chảy qua nhiều nước ở Đông Nam Á xuống tới mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua đồng thời khiến Trung Quốc chịu sức ép phải cung cấp các thông tin thường xuyên về các con đập ở thượng nguồn. Thông tín viên đài VOA Daniel Shearf gửi về bài tường trình từ Hua Hin.

Các nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong nhóm họp ở Thái Lan đã đồng ý cải thiện quan hệ hợp tác trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên của dòng sông này. Thỏa thuận đạt được sau khi xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng làm mực nước của dòng sông chảy qua nhiều nước ở Đông Nam Á xuống tới mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua đồng thời khiến Trung Quốc chịu sức ép phải cung cấp các thông tin thường xuyên về các con đập ở thượng nguồn. Thông tín viên đài VOA Daniel Shearf gửi về bài tường trình từ Hua Hin.

Hôm thứ Hai, Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã đồng ý rằng hợp tác chặt chẽ hơn nữa là điều cần thiết nhằm cân bằng các lợi ích kinh tế từ sông Mekong cũng như bảo vệ nguồn
sống của hàng chục triệu người.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nhấn mạnh tới tầm quan trọng của trách nhiệm chung trong việc quản lý các nguồn tài nguyên của dòng sông.

Ông Abhisit nói: “Sự hợp tác ở cấp cao như vậy không thể đạt được vào một thời điểm tốt hơn, bởi vì hiện nay sông Mekong đang bị đe dọa bởi một loạt các vấn đề nghiêm trọng phát sinh từ cả việc sử dụng nguồn nước một cách bừa bãi cũng như tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Chính bởi thế, điều chúng ta chứng kiến hôm nay là mực nước xuống thấp cũng như thiếu nguồn cung cấp nước; ô nhiễm môi trường, và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên của chính dòng sông Mekong”.

Một đợt hạn hán năm vừa qua ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á đã làm mực nước sông Mekong xuống tới mức thấp kỷ lục trong vòng 50 năm qua. Các nhà hoạt động cũng như các nông dân đổ lỗi cho các đập nước trên thượng nguồn của Trung Quốc đã gây ra tình trạng này. Mối nghi ngờ còn tăng lên khi thiếu thông tin từ Trung Quốc về các đập nước trên sông Mekong.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Trung Quốc đã cung cấp một số dữ liệu về dòng chảy từ các đập của nước này trong vòng vài tháng qua, nhưng không cam kết sẽ cung cấp thông tin thường xuyên về các hoạt động cũng như kế hoạch xây dựng các đập trong tương lai.

Đại diện của Trung Quốc tham gia hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Tống Đào, đã lên tiếng bảo vệ quyết định hợp tác ở cấp độ như vậy.

Ông Tống nói rằng chính phủ Trung Quốc đã phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên của sông Mekong một cách hợp lý và bền vững, với thái độ có trách nhiệm, cũng như đảm bảo toàn bộ quyền lợi của các nước ở hạ lưu dòng sông này.

Ủy ban Sông Mekong (MRC), cơ quan tổ chức hội nghị, nói rằng nếu Trung Quốc cung cấp các thông tin thường xuyên về hoạt động của các con đập của nước này, thì những người dân phụ thuộc vào dòng sông ở dưới hạ lưu có thể sẵn sàng chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ sự thay đổi nào.

Bốn nước thành viên của ủy ban, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, đã đồng ý thúc đẩy các dự án thủy điện bền vững trên sông Mekong.

Họ cũng đi tới thỏa thuận sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về dòng sông này bốn năm một lần.

Cũng gửi phái đoàn tới hội nghị nhưng Trung Quốc và Miến Điện không gia nhập MRC mặc dù cả hai nước này đều vẫn nhận được lời mời.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG