Đường dẫn truy cập

Chị Nga


Chị tên Nga, gốc người Huế nên ăn nói chậm rãi, nhỏ nhẹ. Mà hình như người nào gốc Huế cũng vậy. Họ ăn cũng chậm, nói cũng chậm. Y như nơi mà họ sinh ra: yên lặng, trầm tĩnh. Có khác chăng là chị định cư ở Úc đã lâu nên có phần nào bị ảnh hưởng bởi dân tộc tính của xứ Kangaroos thấy tốt là làm, ít e dè, câu nệ.

Tuy chỉ mới quen đây thôi nhưng tôi đã thích cái tính này của chị. Thứ nhất vì nó hợp với tính tôi, không thích nói vòng vo tam quốc, bàn ra tán vào rồi sau đâu lại hoàn đó. Thứ hai vì tôi phục chị sang Úc lúc đã trưởng thành nhưng vẫn cố gắng đi học lại để có thể trở thành y tá là nghề mà chị yêu mến.

Đối với tôi, việc học này không hẳn chỉ để tìm cho mình một cái nghề mà nó còn giúp cho những người di dân mới hiểu rõ hơn về bản chất cũng như văn hóa của quê hương thứ hai của mình. Để từ đó họ có một cái nhìn thoáng hơn, thực tế hơn, và khoa học hơn về nguồn cội, hiện tại và cả tương lai.

Hình như chị đã tìm được sự cân bằng ấy và đấy là điều làm cho tôi rất thích và phục chị. Không phải phụ nữ nào cũng làm được những điều chị đã làm. Và không phải ai cũng có thể vượt qua sự mất mát lớn lao mà chị vừa trải qua để tiếp tục theo đuổi con đường mà chị đã chọn.

Bởi lẽ người con trai út của chị vừa bị giết khi đang được điều trị trong một bệnh viện tâm thần ở Melbourne. Và chị đang muốn làm tất cả những gì chị có thể để không một người mẹ nào, không một gia đình nào trong tương lai phải trải qua những gì chị đã, phải, và đang cố vượt qua. Như trong lá thư chị viết cách đây 2 tuần gửi cho Bà Bộ Trưởng Mary Wooldridge đặc trách về y tế và bệnh tâm thần (Minister for Mental Health) của tiểu bang Victoria, Australia:
“My desire, and that of my family, is to understand how this could happen when we all believed that Thien was in good hands, and to make sure that changes are made to prevent this from happening again. Nothing will bring my son back, but I am asking you, as a mother, to take a personal interest and make a commitment to see that changes are made to ensure that no other family is put through this horror, again”.
Mong muốn của tôi, và của gia đình tôi, là hiểu được làm sao điều đó lại có thể xảy ra khi mà tất cả chúng tôi đều đã tin rằng Thiện được chăm sóc tận tình, và bảo đảm rằng những thay đổi sẽ được thực hiện để ngăn ngừa điều ấy xảy ra một lần nữa. Không điều gì sẽ làm cho con tôi sống lại, nhưng tôi xin bà, với tư cách là một người mẹ, hãy trực tiếp quan tâm đến vấn đề này và bảo đảm thực hiện những thay đổi để chắc chắn rằng không một gia đình nào khác phải gánh chịu thêm nỗi kinh hoàng này.

Rất ít khi tôi thấy một phụ nữ Việt Nam tự viết thư gửi đến các dân biểu, chính trị gia để tranh đấu cho điều mà họ mong muốn. Và chị Nga là người mẹ Việt Nam đầu tiên và duy nhất mà tôi được biết có quyết tâm thay đổi hệ thống y tế chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần để trong tương lai không một bà mẹ nào sẽ phải mất con như chị.

Trong khuôn khổ bài blog này, tôi không muốn lạm bàn về vấn đề kiến thức và sự tự tin mà ai cũng cần phải có nếu muốn thay đổi bất kỳ điều gì đó trong xã hội. Ở Úc, ở Mỹ, hay ở Việt Nam. Điều mà hôm nay tôi muốn chú trọng đến liên quan đến bản chất của sự việc và sự quyết tâm theo đuổi mà chắc chắn, không ít thì nhiều, nó sẽ khơi lại vết thương lòng. Đó là điều mà không phải ai cũng muốn bị thử thách, cũng muốn chia sẻ với mọi người trước khi cùng nhau đi tìm một giải pháp tốt đẹp hơn.

Không như ở các nước Tây Phương, tôi nhận thấy sức khỏe tâm thần (mental health) hay nói một cách khác, bệnh tâm thần (mental illness), thường không được người Việt chúng ta quan tâm đúng mức và đầy đủ. Chúng ta chỉ để ý đến tứ chi, ngũ tạng và tìm cách chữa trị mỗi khi nó có vấn đề. Còn nếu như não bộ có vấn đề thì, nếu nặng quá, chúng ta chỉ gọi chung là “bị điên”. Chấm hết!

Mặc dù trong tất cả các bộ phận trên cơ thể, cái não mới là bộ phận quan trọng nhất.

Tôi cho là chúng ta không thích và không muốn biết rõ các trạng thái khác nhau về sức khỏe tâm thần vì ít có người Việt nào chịu bỏ tiền để đi gặp psychiatrist. Họ có thể bỏ vài trăm đô thậm chí vài ngàn đô để uống một thứ thuốc nào đó được cho là bổ thận, bổ gan, bổ phổi, v.v... nhưng chuyện đi gặp psychiatrist để giải bày, để tìm hiểu, để mình có thể cảm thấy bớt lạc lõng, hạnh phúc thường được cho là chuyện tầm phào, không cần thiết.

Đó cũng là lý do tại sao ít có gia đình Việt nam nào sẵn sàng chấp nhận và cho người quen biết là nhà mình có người bị bệnh tâm thần. Mặc dù điều đó đã, đang và sẽ làm cho nhiều gia đình, nhiều bậc cha mẹ Việt Nam đau đầu hơn tất cả các bệnh khác. Nó đau đầu không phải vì không có cách chữa trị làm thuyên giảm bệnh tình mà là vì chúng ta không chịu tìm hiểu vấn đề một cách khoa học và xác định bệnh tâm thần chỉ là một trong hàng trăm ngàn thứ bệnh mà con người mắc phải.

Nó không phải và không thể chỉ là một thứ bệnh “tưởng”. Càng không phải là một thứ bệnh mà chúng ta cần phải e ngại, dấu diếm. Nếu có bệnh chúng ta cần phải chạy chữa. Nếu gặp vấn đề chúng ta cần phải mạnh dạn lên tiếng.

Và đó cũng là điều làm cho tôi cảm phục chị nhất. Ngoài việc chị có khả năng và sự quyết tâm cần thiết, chị còn có một cái nhìn rất khoa học về bệnh của con chị và chị sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với cộng đồng, với những gia đình cùng cảnh ngộ.

Và đặc biệt hơn hết là chị đang cố công thay đổi những chính sách y tế công cộng hiện hữu. Để nó có thể ngày càng hoàn thiện hơn. Để cái chết của con chị có một giá trị nhất định cho đồng loại. Từ chính nỗi đau mất con của chị.

Tôi thường nghĩ thật ra chúng ta không phải lúc nào cũng cần phải học những lời hay, ý đẹp của các vĩ nhân, của những người đi trước. Mà những hành động vị tha, những nghĩa cử ân tình, những tấm lòng nhân ái luôn ở quanh ta và nó mới chính là những bài học quý giá, thiết thực nhất trong cuộc sống.

Cảm ơn chị đã đến với tôi và gia đình trong thời gian vừa qua. Em cũng xin thành thật cảm ơn chị đã sẵn lòng chia sẻ với em những mất mát lớn lao của gia đình. Đã xắp sếp công việc để em có thể cùng chị thăm viếng mộ phần. Để mong rằng từ đó chúng ta sẽ tìm được một giá trị nhất định trong cuộc sống. Cho con chị và cho cả chúng ta.
  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG