Đường dẫn truy cập

Mỹ: Biện pháp cắt giảm chi tiêu tự động sẽ có hiệu lực trong vài ngày nữa


Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill
Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill
Chỉ còn vài ngày nữa biện pháp cắt giảm chi tiêu tự động các chương trình của liên bang, sẽ có hiệu lực, và nó sẽ tác động đến mọi lãnh vực từ an ninh quốc gia đến nghành nhân viên không lưu cho đến thanh tra thực phẩm. Các thành viên của đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều chỉ trích biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách tự động, nhưng lại không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tiến đến một thỏa thuận lưỡng đảng để tránh điều đó.

Trừ phi Quốc hội hành động, 85 tỉ đôla chi tiêu quân sự và các khoản chi trong nước sẽ bị cắt trong năm nay; đây là khoản tiền đầu tiên trong 1,2 ngàn tỉ đôla sẽ cắt giảm trong 10 năm.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Claire McCaskill nói, ‘Tôi nghĩ rằng nó sẽ có hiệu lực.’

Bà nói rằng đảng Dân chủ đồng ý với Tổng thống Barack Obama rằng nên ban hành một chương trình thay thế chương trình cắt giảm tự động, bao gồm các khoảng cắt giảm trong mục tiêu, đồng thời tăng thu.

Nói chuyện trong chương trình truyền hình tin tức của đài truyền hình Fox hôm Chủ nhật, Thượng nghị sĩ McCaskill nói rằng Thượng viện sẽ có biện pháp:

“Chúng tôi sẽ biểu quyết một dự thảo nào đó trong tuần này và nó sẽ là đường huớng cân bằng. Nó sẽ vừa cắt giảm các khoản chi tiêu, vừa đóng một số kẽ hở về thuế.”

Các thành viên đảng Cộng hòa, đang kiểm soát Hạ viện, phản đối bất cứ biện pháp nào tăng thu thuế. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Coburn nói rằng chìa khóa để chỉnh đốn khủng hoảng ngân sách của Mỹ là kiềm chế đà chi tiêu không kiểm soát của liên bang. Ông nói:

“Quý vị hãy xem, chính phủ liên bang hiện nay có tầm vóc gấp đôi 11 năm trước đây. Giảm chi tiêu tự động là biện pháp kinh khủng. Nó sẽ gây vất vả phần nào. Tuy nhiên không cắt giảm chi tiêu sẽ tai hại cho đất nước của chúng ta.

Mặc dù ủng hộ biện pháp giảm chi nói chung, một số đảng viên Cộng hòa không yên tâm về tác động của biện pháp này đối với các lực lượng quân đội Mỹ. Virginia là tiểu bang có nhiều cơ sở quân sự và Thống đốc của tiểu bang, ông Bob McDonnell, thuộc đảng Cộng hòa, nhận định trong chương trình Face the Nation của đài CBS:

“Quí vị phải cắt thôi, vì chúng ta đang trong tình trạng không ổn về ngân sách, khoản nợ hiện nay hầu như đã đến 17 ngàn tỉ đôla. Nhưng đừng đặt 50% khoản cắt giảm vào quốc phòng, vào các nam nữ quân nhân của chúng ta, trong khi chúng ta vẫn còn đang chiến đấu trong trận chiến ở Afghanistan. Cách đó không đúng.”

Các thành viên Dân chủ phản bác rằng trừ phi tăng thu thuế, cách duy nhất để bảo vệ cho ngân khoản chi tiêu quân sự, trong khi vẫn giữ được mục tiêu giảm thâm hụt trên tổng thể, là thậm chí còn phải cắt giảm nhiều hơn các chương trình mà nhiều người Mỹ phụ thuộc vào.

Một thí dụ về ảnh hưởng đó đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ Arne Duncan, cùng xuất hiện trong chương trình Face the Nation, trình bày:

“Phần rất lớn ngân khoản giáo dục của liên bang được dành cho trẻ em thuộc thành phần bị thiệt thòi. Cho dù đó là trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ em nghèo, nó có nghĩa là có nhiều trẻ em hơn sẽ không nhận được những dịch vụ và những cơ hội mà các em cần. Và đến 40.000 giáo viên có thể bị mất việc.”

Trong vòng mới nhất của cuộc giằng co bên miệng hố của cuộc chiến ngân sách, một bế tắc đã xuất hiện. Đó là khối Cộng hòa không thích biện pháp cắt giảm tự động, nhưng thấy rằng nó thích hợp hơn là biện pháp tăng thu thuế mà đảng Dân chủ đề nghị. Trong khi đó Các thành viên đảng Dân Chủ không thích cắt giảm tự động, nhưng lại phản đối mạnh hơn cái công thức chỉ cắt giảm chi tiêu của đảng Cộng hòa, vì những chương trình trong nước sẽ bị giảm chi nhiều hơn.

Trừ phi bế tắc được giải tỏa trong những ngày sắp tới, biện pháp cắt giảm chi tiêu tự động sẽ có hiệu lực bắt đầu vào thứ Sáu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG