Đường dẫn truy cập

Tránh vùng biên giới chưa phân định Việt - Miên


Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phạm Bình Minh.

Các quan chức Campuchia mới đây cho biết trong những cuộc thảo luận giữa bộ trưởng ngoại giao của hai nước, Việt Nam đã đồng ý không xây dựng hoặc canh tác ở những khu vực biên giới mà hai nước còn đang tranh chấp, báo The Cambodian Daily đưa tin.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Campuchia Prak Sokhonn, và gặp riêng với Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng tại Hội nghị Hợp tác và Phát triển Các Tỉnh Biên giới Việt Nam - Campuchia Lần thứ 9 tại thủ đô Phnom Penh hôm 15/3.

Báo The Cambodian Daily dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Campuchia, Prum Sokha, cho biết sau cuộc gặp của ông Minh với ông Kheng rằng hai bên đã đồng ý hợp tác để ngăn chặn dân chúng mỗi bên thuê đất dọc theo biên giới và tránh xa khu vực hợp thành 16 phần trăm đường biên giới chung mà chưa được phân định.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục sự hợp tác mà chúng tôi đã nhất trí ở những nơi mà chúng tôi vẫn chưa hoàn thành cắm mốc," ông nói. Ông nói thêm rằng hai bên sẽ "không làm gì cả" trong những khu vực đó.

Ông Sokha nói rằng Việt Nam cũng sẽ giúp thi hành một lệnh của chính phủ Campuchia ban hành vào năm 2015 cấm cho công dân Việt Nam hoặc doanh nghiệp thuê đất dọc biên giới.

"Đã chấm dứt tình trạng người bên nước này cho người bên nước kia thuê đất. Và nhà chức trách của cả hai bên đang tiếp tục hợp tác để làm việc này một cách rõ ràng hơn," ông được báo The Cambodian Daily dẫn lời nói.

Thông cáo chung của hội nghị được Thông tấn xã Việt Nam loan tải không nêu cụ thể chi tiết này mà thay vào đó kêu gọi hai bên thúc đẩy các tỉnh giáp biên giới “phối hợp gìn giữ và bảo vệ cột mốc biên giới và cột dấu biên giới đã cắm, không để bị phá hoại và nỗ lực duy trì quản lý biên giới theo đúng các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận về biên giới mà hai nước đã ký kết.”

Thông cáo này cho biết nỗ lực phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước, đến nay đã hoàn thành khoảng 84%.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về lịch sử Đông Á tại Đại học Maine, nhận định đây là một diễn biến “tích cực” mà sẽ giúp tránh được “khó khăn dọc biên giới.”

Ông nói thêm:

“Khó khăn dọc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có lịch sử rất lâu dài. Và trong hai, ba năm gần đây có một số chính trị gia Campuchia khiêu khích dọc biên giới, nhiều khi đánh công dân Việt Nam. Mặc dù chưa phân định rõ ràng nhưng đồng ý như vậy là có lợi cho hai bên. Vì thế cho nên không có một nước thứ ba dùng vấn đề [tranh chấp] của hai nước về vấn đề biên giới để gây sự.”

Phe đối lập, Đảng Cứu quốc Campuchia, vào năm 2015 đã phát động một chiến dịch nhắm mục đích nêu bật điều mà họ cáo buộc là Việt Nam xâm lấn đất của Campuchia. Điều này đã gây sức ép buộc chính phủ Campuchia phải có hành động, đầu tiên là gửi những công hàm ngoại giao yêu cầu Việt Nam chấm dứt những vụ bị cho là lấn chiếm và sau đó thực hiện hành động pháp lý nhắm vào những người trong nước chỉ trích công tác biên giới của chính phủ.

Nhà lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha đã đề xuất đưa các tranh chấp này lên tòa án hình sự quốc tế nếu Việt Nam không tôn trọng biên giới, mặc dù Đảng Cứu quốc Campuchia phần lớn đã im tiếng về vấn đề này trong bối cảnh một cuộc tấn công chính trị và pháp lý đang nhắm vào họ trước cuộc bầu cử.

(The Cambodian Daily, TTXVN)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG