Đường dẫn truy cập

Cách Malaysia nâng cấp hải quân hàm chứa nhiều rủi ro


Chiến hạm của Malaysia tuần tra gần đảo Langkawi (ảnh tư liệu ngày 16/5/2015)
Chiến hạm của Malaysia tuần tra gần đảo Langkawi (ảnh tư liệu ngày 16/5/2015)

Việc Malaysia đặt mua tàu hải quân của Trung Quốc và tăng cường tuần tra chống tàu tuần dương Bắc Kinh xâm nhập hải phận càng làm phức tạp cho quan hệ giữa hai nước và đề ra những lo ngại lớn về quốc phòng.

Các giới chức của Malaysia, quốc gia Ðông Nam Á có bờ biển trải dài từ Biển Sulu đến Ấn Ðộ dương, hồi tháng 11 cho hay họ sẽ mua bốn chiếc tàu tuần tra cao tốc lớp LMS do Trung Quốc chế tạo.

Các nhà phân tích nói các tàu LMS sẽ bắt đầu kế hoạch thay mới 50 chiếc tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia để bảo vệ lãnh hải nước này trước nhiều mối đe dọa, kể cả từ Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền với Kuala Lumpur trong Biển Đông.

Ông Ibrahim Suffian, giám đốc chương trình của Trung tâm Merdeka, nhóm chuyên thăm dò dư luận có trụ sở ở Kuala Lumpur, cho biết:

“Tàu tuần dương của Trung Quốc khi tuần tra trong đường chín đoạn đến rất gần vùng duyên hải của Malaysia."

Thủ tướng Malaysia hồi năm ngoái loan báo hợp đồng đặt mua bốn chiếc tàu tuần tra ven bờ của Trung Quốc. Trong quá khứ, các lực lượng vũ trang Malaysia ưa chuộng thiết bị quân sự của phương Tây, do Hoa Kỳ, Anh hay Pháp chế tạo. Hợp đồng với Trung Quốc đánh dấu một sự thay đổi đầu tiên trong truyền thống đó.

Năm 2015, Malaysia phát hiện một tàu tuần dương Trung Quốc neo tại Bãi cạn Luconia, một đảo nhỏ trong Biển Đông nằm cách bờ biển Borneo của Malaysia khoảng 150 kilômét về hướng bắc. Trước đó một tàu chiến của Trung Quốc bị phát hiện đến gần Malaysia, và vào tháng 3 năm 2016 Malaysia phát hiện đến 100 tàu đánh cá Trung Quốc được tàu tuần duyên Trung Quốc hộ tống.

Nhiều người ở quốc gia có 31 triệu dân này cảm thấy chính phủ của họ phản ứng quá yếu ớt trước những hành động của tàu bè Trung Quốc. Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh biển tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định rằng nhận thức đó của nhiều người Malaysia đe dọa uy tín của đảng đương quyền.

Ông Koh nói: "Nhìn lại những gì xảy ra vào tháng 9 năm 2015 khi lần đầu tiên chính phủ ở Kuala Lumpur tiết lộ vụ một tuần dương hạm của Trung Quốc neo tại Bãi cạn Luconia, công chúng đã phản ứng khá dữ dội, họ hỏi làm thế nào chính phủ Malaysia lại cho phép tàu tuần dương Trung Quốc đến đó. Chính phủ của Thủ tướng Najib Razak cảm thấy cần phải làm một cái gì đó, ít nhất là để xoa dịu công chúng và cho dư luận thấy rằng chính phủ đang thực sự chú tâm và hành động nghiêm túc về chuyện đó."

Tàu LMS là loại tàu chiến tương đối nhỏ được thiết kế để có khả năng triển khai tác chiến nhanh cận bờ, đôi lúc để chống các tàu lớn hơn của đối phương.

Các nhà phân tích nói Kuala Lumpur thường tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với nước này. Malaysia xem Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại hàng đầu và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Malaysia.

Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng kinh tế ở khắp nơi trong khu vực Ðông Nam Á, mới đây nhất là với Philippines, để đổi lại những nhượng bộ đối với các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển đang tranh chấp.

Theo thống kê của trang mạng về sức mạnh quân sự trên toàn cầu “GlobalFirePower.com,” Trung Quốc là nước có sức mạnh quân sự lớn thứ ba trên thế giới, trong khi Malaysia đứng thứ 34.

Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nanyang ở Singapore, nhận định: "Cho dù Malaysia có nâng cấp hải quân của họ đến mức nào đi nữa, họ vẫn không thể nào theo kịp sự mở rộng của hải quân Trung Quốc trong kế hoạch lâu dài."

Các chuyên gia nhận định rằng ngoài việc chuẩn bị ứng phó với các xung đột có thể xảy ra liên quan đến tranh chấp lãnh hải, Malaysia còn cần phải nâng cấp lực lượng hải quân để chống các nhóm Hồi giáo bạo động đang tìm cách cách vượt qua vùng biển rất khó canh giữ từ miền nam Philippines vào Borneo.

Giáo sư Oh Ei Sun nói hải tặc đôi lúc cũng hoành hành trong vùng biển nằm về phía bắc Borneo khiến giới hữu trách cần trang bị loại tàu tuần tra tốc độ cao hơn.

Chuyên gia Suffain nhận định thêm rằng tàu đánh cá từ các nước Indonesia, Thái Lan, và Việt Nam thỉnh thoảng cũng vào hải phận của Malaysia để đánh bắt cá.

Nhưng Malaysia cắt giảm 12,7% ngân sách quốc phòng xuống còn 3,41 tỉ đôla trong năm nay. Và theo chuyên gia Koh, nhiều tàu trong hạm đội của Malaysia đã trải qua từ 30 đến 50 năm hoạt động, khiến chi phí bảo trì gia tăng, và vì vậy các tàu này phải dược thay thế vì “không còn mang tính kinh tế nữa.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG