Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp đối lập Campuchia bị người biểu tình hành hung


Dân biểu Nhay Chmreoun bị thương nặng sau khi bị người biểu tình hành hung, ngày 26/10/2015.
Dân biểu Nhay Chmreoun bị thương nặng sau khi bị người biểu tình hành hung, ngày 26/10/2015.

Hai nhà lập pháp thuộc Đảng Cứu Quốc đối lập ở Campuchia bị thương nặng sau khi bị những người biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội hành hung hôm thứ Hai. Từ Phnom Penh, các thông tín viên đài VOA gởi về bài tường thuật.

Hơn 1.000 người biểu tình chống phe đối lập đã tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội hôm thứ Hai để đòi bãi chức ông Kem Sokha, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP). Mặc dù phần lớn những người biểu tình đã giải tán sau khi trao thư thỉnh nguyện cho Quốc hội, một nhóm nhỏ những người biểu tình vẫn ở lại để chờ các nhà lập pháp rời khỏi trụ sở sau phiên họp buổi sáng.

Những người biểu tình đã xông tới chặn xe của hai dân biểu Nhay Chmreoun và Kong Sakphea và hành hung hai nhà lập pháp này. Cả hai đã bị đá và đánh vào đầu, khiến họ bị chảy máu và xây xẩm.

Phát ngôn viên Đảng Cứu quốc, ông Yim Sovann, cho biết hai dân biểu này bị thương ở đầu và mặt sau khi người biểu tình lôi họ ra khỏi xe. Ông nói rằng Đảng Cứu quốc lên án vụ bạo động và yêu cầu giới hữu trách truy tìm thủ phạm.

Ông Sovann nói: "Họ bị thương nặng ở đầu, vì những người biểu tình đã đánh và đá vào đầu và mặt của họ. Họ đang được chữa trị. Không thể bỏ qua một vụ việc nghiêm trọng như vậy. Không thể để cho vụ việc xảy ra trước một cơ quan hàng đầu như vậy. Tôi tin là phải thực hiện những hành động nghiêm túc."

Dân biểu Nhay Chamroeun (trái) và Kong Saphea tại sân bay ở Bangkok, ngày 27/10/2015.
Dân biểu Nhay Chamroeun (trái) và Kong Saphea tại sân bay ở Bangkok, ngày 27/10/2015.

Ông Sovann cho biết nhiều người tin rằng những kẻ hành hung là một phần của nhóm người biểu tình, nhưng Đảng Cứu quốc đang chờ cảnh sát và Bộ Nội vụ cung cấp thêm chi tiết.

Ông Sok Eysan, một người phát ngôn của Đảng nhân dân Campuchia đương quyền, nói rằng đảng ông không dính líu gì tới vụ bạo động. Ông cho biết cuộc biểu tình có sự tham dự của "những nhóm khác nhau."

Ông Eysan cho biết: "Tôi không biết. Nhưng nếu bị truy ra, các hung thủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sáng nay, khi tôi đi ra, những người biểu tình nói rằng họ thuộc nhiều thành phần khác nhau và không thuộc đảng nào. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi các nhà báo gọi điện thoại hỏi tôi về vụ việc này."

Ông Hun Manith, một dân biểu thuộc Đảng Nhân dân Campuchia và là con trai của Thủ tướng Hun Sen, viết trên Facebook rằng ông không ủng hộ các vụ bạo động.

Các giới chức chính quyền thành phố cho biết trong một thông cáo rằng cuộc biểu tình không hợp pháp và những người tổ chức đã được khuyến cáo phải ngưng biểu tình trước 10 giờ rưỡi sáng. Thông cáo nói thêm rằng những kẻ tấn công sẽ bị điều tra và mang ra trước ánh sáng công lý.

Đại sứ quán Hoa Kỳ lên án vụ tấn công. "Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra cặn kẽ và minh bạch về vụ tấn công, duy trì trật tự ở trụ sở Quốc hội và bảo đảm an toàn cho những nhà hoạt động chính trị thuộc mọi đảng phái," phát ngôn viên sứ quán, ông Jay Raman, phát biểu như vậy trong email gởi cho ban Khmer của đài VOA.

Ông Am Sam Ath, điều hợp viên kỹ thuật của tổ chức nhân quyền Licadho, gọi vụ tấn công là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền đặc miễn của các nhà lập pháp.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang thực hiện chuyến thăm chính thức đến Pháp, nơi nhiều người biểu tình đòi ông từ chức.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang thực hiện chuyến thăm chính thức đến Pháp, nơi nhiều người biểu tình đòi ông từ chức.

Ông Ath nói: "Thậm chí chúng tôi còn chứng kiến các nhà lập pháp bị hành hung trong lúc làm việc. Nếu nhà chức trách không hành động, thì điều đó chứng tỏ có sự kỳ thị chính trị."

Ông Phil Roberston, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, kêu gọi những người ủng hộ đảng nhân dân Campuchia và những người ủng hộ phe đối lập tự kiềm chế và không bạo động.

Vụ hành hung ở Phnom Penh xảy ra trong lúc Thủ tướng Hun Sen thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến nước Pháp. Tại đây, nhiều người đã biểu tình đòi ông từ chức.

Trong những năm qua, một số chính khách đối lập đã bị bắt trong những vụ trấn áp của chính phủ nhắm vào người biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm các thành viên quốc hội bị hành hung.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG