Đường dẫn truy cập

Các nghiệp đoàn Campuchia phải trả giá cao cho các thắng lợi nhỏ


Công nhân ngành may mặc Campuchia biểu tình đòi tăng lương, 17/17/14
Công nhân ngành may mặc Campuchia biểu tình đòi tăng lương, 17/17/14

Sau những vụ trấn át gây chết người nhắm vào công nhân dệt may Campuchia cách đây 1 năm, các thủ lãnh lao động cho biết họ đã buộc phải thay đổi chiến thuật sau khi phải trả giá cao cho những thắng lợi nhỏ bé.

Phong trào đã đạt được một thắng lợi nhỏ trong vụ tranh chấp về lương bổng, nâng mức lương tối thiểu từ 100 lên tới 128 đôla một tháng.

Nhưng việc tăng lương đã kém theo một cái giá phải trả.

Người mua đã tỏ ra miễn cưỡng đặt hàng, và các nhà máy tiếp tục sa thải các thành viên công đoàn mà họ thấy là những kẻ gây rối. Giới lãnh đạo nghiệp đoàn nói sự kiện này buộc họ phải thay đổi cách thức hoạt động, tránh các cuộc biểu tình và hướng tới việc hấp dẫn khách hàng một cách trực tiếp.

“Năm 2014, chúng tôi có hơn 250 nhân công bị sa thải,” theo bà Sopheaktra, chủ tịch Liên minh các Công đoàn Campuchia. Năm 2013, chỉ có khoảng 30 đến 40 người bị sa thải. Mọi người bị sa thải kể từ khi họ bắt đầu đòi 166 đôla, rồi 177 đôla một tháng.”

Thay đổi Chiến thuật

Ít nhất 5 công đoàn đã tích cực vận động đòi tăng mức lương tối thiểu trong khi mức sinh hoạt tiếp tục tăng, gây sức ép lên khoảng 600 ngàn công nhân hiện đang làm việc trong khu vực này. Nhưng nhiều công nhân trong nghiệp đoàn đã bị sa thải, nhất là tại các nhà máy ở Phnom Penh, và các tỉnh Kampong Cham, Kandal và Svay Rieng.

Ông Pao Sina, chủ tịch Nghiệp đoàn Tập thể Phong trào Công nhân, nói các cuộc biểu tình nay gây nguy cơ cho tính mạng của công nhân. Ít nhất 5 người đã chết trong một cuộc đàn áp biểu tình của chính phủ hồi tháng giêng năm ngoái. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA: “Chúng tôi không muốn biểu tình, bởi vì chúng tôi không muốn đối đầu, và chúng tôi không muốn người mua lo lắng.”

Theo ông, ngoài những mối nguy cơ đó, lãnh đạo nghiệp đoàn có khuynh hướng bị sa thải: “63 lãnh tụ đã bị sa thải trong năm 2014. Chỉ có 2 người bị sa thải trong năm 2013. Họ không viện dẫn lý do sa thải. Họ dùng ngôn ngữ là: Họ can dự vào cuộc nổi loạn.”

Trong khi đó, bất ổn lao động có nghĩa là tình trạng sút giảm đơn đặt hàng của người mua. Ông Pao Sina cho biết các lãnh tụ lao động nay tìm cách nói chuyện thẳng với họ. Lãnh đạo nghiệp đoàn nói họ đã trực diện nói chuyện hoặc thông tin bằng văn bản với các hãng chính như Puma, Adidas, vân vân.

Các cuộc biểu tình đã giảm từ 147 vụ năm 2013 xuống 108 vụ vào năm 2014, theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Hàng May Mặc ở Campuchia (GMAC).

Ông Pao Sina nói đây là một kết quả của những cuộc đàn áp, cũng như việc tòa án, với những buổi thẩm vấn và giam giữ các nhà lãnh đạo lao động, khiến công nhân sợ sệt. "Bây giờ họ kiệt sức rồi," ông nói.

Cảnh báo chính thức

Sáu lãnh đạo công đoàn đã bị tòa án cảnh cáo không được tham gia vào những cuộc tụ họp công cộng, và không có cuộc họp công đoàn nào đã diễn ra kể từ khi mức lương 128 đôla có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1.

Chea Mony, Chủ tịch Liên minh Thương mại Tự do, có người anh em trai Chea Vichea cũng là một nhà tổ chức lao động, bị sát hại vào năm 2004, cho biết các nhà lãnh đạo công đoàn tiếp tục phải đối mặt với sự ngược đãi tại các nhà máy, ngay cả khi họ chỉ đơn giản là cảnh báo giới chủ về mội trường làm việc kém. "Thí dụ họ xem nhiệt độ có cao quá không hoặc không có đủ quạt," ông nói.

Yang Sophoan, chủ tịch Liên minh các Công đoàn Campuchia, cho biết bà vẫn muốn một mức lương tốt hơn cho người lao động và sẵn sàng biểu tình, nhưng bà không thể làm điều đó mà không có sự hỗ trợ. "Tôi muốn biểu tình, nhưng tôi không thể làm điều đó một mình được ," bà nói.

Tun Sophoan, điều phối viên của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Campuchia, cho biết họ đã làm việc để giúp các công đoàn hoạt động trong hệ thống tư pháp, nhưng việc thiếu một tòa án lao động khiến việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn. "Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại thay mặt các công đoàn đến Bộ Lao động," ông nói. Đầu năm nay, ILO đã ra tuyên bố kêu gọi các thương hiệu toàn cầu giúp Campuchia chịu một phần khoản tăng lương.

"Điều quan trọng là tất cả các bên làm việc cùng nhau để bảo đảm ngành công nghiệp dệt may của Campuchia vẫn khả thi về mặt kinh tế," ông Maurzio Bussi, giám đốc quốc gia của ILO cho Thái Lan, Campuchia và Lào, cho biết trong thông cáo. "Chúng tôi kêu gọi các thương hiệu toàn cầu góp phần của mình."

Các quan chức chính phủ, gồm cả phát ngôn viên Bộ Lao động Heng Suor, không thể liên lạc được để phỏng vấn lấy ý kiến.

Khách mua hàng nước ngoài

Trong khi đó, các thương hiệu lớn nói rằng họ sẽ hỗ trợ mức lương 128 đôla tối thiểu mới và sẽ tiếp tục tìm đến Campuchia như một nguồn chính cung cấp quần áo và giày.

Những tập đoàn bán lẻ của Mỹ cho biết họ vẫn đang theo dõi tình hình, và ủng hộ những cuộc đàm phán định ra mức lương tương đối đủ sống.

Gap Inc. cho biết họ vẫn tích cực ủng hộ đối thoại thường xuyên ở Campuchia để giải quyết các điều kiện tiền lương của người lao động và để bảo đảm công nhân may mặc có thể sống cuộc sống lành mạnh và có năng suất.

"Chúng tôi quyết tâm theo đuổi việc kinh doanh tại Campuchia," bà Laura Wilkinson, phát ngôn viên của Gap, cho biết qua email. "Chúng tôi quan tâm đến những nam nữ công nhân sản xuất quần áo của chúng tôi, và vẫn quyết tâm giúp cải thiện điều kiện cho công nhân may mặc tại những nước mà chúng tôi kinh doanh."

Mức lương tối thiểu mới là một thỏa hiệp do chính phủ đặt ra, mà theo lời công nhân sẽ không có mấy ảnh hưởng đến việc cải thiện cuộc đấu tranh của họ duy trì mức sống giữa lúc giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Nhưng các xưởng may cho biết họ sợ mất khách mua hàng nếu tiền lương tăng quá nhiều.

Mỹ là nước mua nhiều quần áo, giày và hàng dệt may của Campuchia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG