Đường dẫn truy cập

BP xin lỗi dân Mỹ, đồng ý lập quỹ bồi thường 20 tỷ đôla


Tổng thống Obama, phó Tổng thống Biden gặp Chủ tịch ban quản trị BP Carl-Henric Svanberg, Tổng giám đốc Tony Hayward và các giới chức khác của công ty tại Tòa Bạch Ốc, ngày 16/6/2010
Tổng thống Obama, phó Tổng thống Biden gặp Chủ tịch ban quản trị BP Carl-Henric Svanberg, Tổng giám đốc Tony Hayward và các giới chức khác của công ty tại Tòa Bạch Ốc, ngày 16/6/2010

Trong một cuộc họp vào ngày thứ tư với Tổng thống Barack Obama, các cấp quản trị BP đồng ý thiết lập một ngân quỹ 20 tỷ đôla để bồi thường cho những cá nhân và cơ sở kinh doanh bị thiệt hại vì vì dầu tràn trong Vịnh Mexico. Theo tường thuật từ Tòa Bạch Ốc của thông tín viên VOA Dan Robinson, chủ tịch công ty đã xin lỗi về tai họa môi trường tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và nói rằng BP hứa sẽ ngăn chặn vụ dầu loang và bồi thường thiệt hại.

Sau nhiều tuần bị chỉ trách là tránh né một cuộc gặp trực diện với các giới chức BP, Tổng thống Obama đã ngồi xuống với chủ tịch ban quản trị BP Carl-Henric Svanberg, Tổng giám đốc Tony Hayward và các giới chức khác cùng các luật sư của công ty.

Khi cuối cùng ông xuất hiện trước giới truyền thông gần 4 tiếng đồng hồ sau cuộc họp, Tổng thống Obama đã đề cập đến kết quả chính.

Ông Obama nói: “Ngân khoản 20 tỷ đôla này sẽ cung cấp sự bảo đảm cụ thể rằng đơn khiếu nại của những người và cơ sở kinh doanh phải được giải quyết. Điều cũng quan trọng cần phải nhấn mạnh là đây không phải là mức trần. Tôi xin cam kết với dân chúng trong vùng Vịnh rằng BP sẽ chu toàn nghĩa vụ đối với họ.”

Gọi cuộc họp ngày thứ tư là “một khởi điểm tốt,” tổng thống nói công ty cũng đồng ý với một đề nghị của Tòa Bạch Ốc về ngân quỹ 100 triệu đôla bồi thường cho công nhân dầu khí bị thất nghiệp vì lệnh ngưng khoan dầu ở độ sâu mà chính phủ đã áp đặt.

Phát biểu với các phóng viên bên ngoài Tòa Bạch Ốc sau tổng thống, Chủ tịch BP Svanberg loan báo rằng hội đồng quản trị công ty đã quyết định công ty sẽ không trả tiền thưởng cho phần còn lại của năm nay.

Ông Svanberg đã đưa ra một lời tạ lỗi và nói rằng BP quyết tâm thu phục lại lòng tin của công chúng.

Ông Svanberg nói: “Tôi muốn nhân cơ hội này xin lỗi dân chúng Mỹ, thay mặt cho tất cả nhân viên của BP, nhiều người đang sống trong vùng Vịnh. Và tôi xin cảm ơn về lòng kiên nhẫn của quý vị trong thời gian khó khăn này.”

Ông Svanberg đã từ chối không đưa ra câu trả lời cụ thể khi được hỏi liệu có phải những cắt giảm chi phí để tiết kiệm của BP đã góp phần gây ra vụ dầu tràn này hay không. Ông nói rằng công ty đang tiến hành một loạt các cuộc điều tra và ban giám đốc sẽ thực hiện cuộc điều tra độc lập về nguyên do gây ra tai họa.

Khi phát biểu với quốc dân tối thứ ba, Tổng thống Obama nói vụ dầu tràn ở vùng Vịnh chứng tỏ sự cần thiết phải cải tiến luật lệ trong công nghiệp dầu khí. Ông cũng xác định rõ rằng ông muốn huy động toàn dân và Quốc hội Hoa Kỳ cam kết với một chính sách mới về năng lượng.

Ông Obama nói: “Từ nhiều thập niên, chúng ta đã bàn tới bàn lui về sự cần thiết phải chấm dứt việc nước Mỹ lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đã kéo dài cả thế kỷ. Và từ nhiều thập niên, chúng ta đã không có hành động với tinh thần cấp thiết mà thách thức này đòi hỏi. Đã nhiều lần, con đường tiến tới bị trở ngại – không những chỉ bởi những người vận động hành lang cho công nghiệp dầu khí, mà còn vì thiếu sự dũng cảm và ngay thẳng về chính trị.”

Trong khi tổng thống cố gắng tạo động năng chính trị để thông qua dự luậtvề năng lượng, mà một phiên bản đã được Hạ viện thông qua, bài phát biểu của ông đã châm ngòi cho một vòng chỉ trích mới từ phía các đảng viên Cộng hòa đối lập như trưởng khối thiểu số tại Thượng viện, nghị sĩ Mitch McConnell.

Ông McConnell nói: “Tôi ước gì tổng thống hãy nhân cơ hội này mà tập trung toàn bộ vào việc ngăn chặn vụ dầu loang và dọn sạch nói thay vì dùng cuộc khủng hoảng này như một cơ hội để thúc đẩy một sắc thuế mới về năng lượng.”

Các thượng nghị sĩ Dân chủ Charles Schumer và Ron Wyden đã có các phản ứng như sau trước kết quả cuộc họp của Tổng thống Obama với các giới chức công ty.

Thượng nghị sĩ Schumer thì cho rằng BP cuối cùng đã ghi nhận thông điệp, tuy phải mất một thời gian, nhưng cuối cùng dường như họ đã lắng nghe những vì nước Mỹ đòi hỏi.

Thượng nghị sĩ Wyden thì nói rằng nhận định mà BP đưa ra hôm nay phản ánh một sự hiểu biết rằng lợi nhuận trong tương lai của họ có liên hệ trực tiếp với việc xử lý cuộc khủng hoảng này.

Tòa Bạch Ốc loan báo một cuộc họp sẽ được tổ chức vào tuần tới giữa tổng thống và một nhóm các thượng nghị sĩ chủ chốt của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, với trọng điểm là dự luật về năng lượng.

Cuộc họp trực diện của Tổng thống với các giới chức BP diễn ra vào lúc công ty loan báo đã thiết lập một hệ thống chận thứ hai để thu hồi dầu tràn ra từ giếng bị vỡ ở dưới nước trong vùng Vịnh Mexico.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG