Đường dẫn truy cập

Binh sĩ Pháp được chào đón khi đến thủ đô CH Trung Phi


Một lính tuần tra của quân đội Pháp tại thủ đô Bangui, ngày 7 tháng 12, 2013.
Một lính tuần tra của quân đội Pháp tại thủ đô Bangui, ngày 7 tháng 12, 2013.
Binh sĩ Pháp nhận được sự chào đón thắng lợi vào ngày thứ Bảy trên các đường phố của Bangui, thủ đô Cộng hòa Trung Phi, giữa lúc các máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng bay thấp trên thành phố và cư dân reo hò.

Việc đưa binh sĩ pháp đến Bangui diễn ra vào lúc Tổng thống Pháp Francois Hollande nói lực lượng tăng viện cho lực lượng của Liên Hiệp Quốc sẽ đạt mức 1600 người vào cuối ngày, hơn 400 người so với kế hoạch ban đầu.

Phát biểu tại Paris, Tổng thống Francois Hollande nói lực lượng Pháp được lệnh tước vũ khí “tất cả dân quân và những nhóm vũ trang đang khủng bố dân chúng” trong thành phố, nơi các nhân viên cứu trợ đã thu nhặt hàng trăm xác chết kể từ ngày thứ Năm vừa qua.

Cư dân được trích lời nói rằng một chỉ thị trước đây của Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Michel Djotodia, ra lệnh cho tất cả các nhóm vũ trang rút khỏi các cuộc giao tranh trên đường phố, không được tuân hành. Tổng thống Djotodia cũng kêu gọi các công chức và những người buôn bán trở lại làm việc và nói “Lực lượng châu Phi và Pháp sẽ đảm bảo việc bảo vệ cho tất cả mọi người.”

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp nghi ngờ sự hữu hiệu của chính phủ Djotodia. Ông tuyên bố với đài truyền hình France 24 là “Không thể để một Tổng thống nắm quyền không tìm cách thay đổi bất cứ việc gì hay để cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.”

Tổng thống Hollande cũng kêu gọi bầu cử tại Cộng hòa Trung Phi vào năm 2015 và nói lực lượng Pháp sẽ lưu lại cựu thuộc địa của Pháp này “trong thời gian dài nếu cần thiết.”

Nước Cộng hòa Trung Phi nghèo khó lâm vào hỗn loạn và bạo động sau khi phong trào nổi loạn Seleka chiếm quyền vào tháng Ba, lật đổ Tổng thống Francois Bozize.

Chính phủ lâm thời yếu kém của Tổng thống Djotodia không thể kiểm soát được những cựu chiến binh Hồi Giáo Seleka. Những chiến binh này bị đổ lỗi làm gia tăng những vụ giết chóc và những tội phạm khác. Tuy nhiên các nhà phân tích nói những nhóm đối lập vũ trang theo Cơ Đốc Giáo được biết dưới tên anti-Balaka (có nghĩa là chống mã tấu) cũng góp phần vào bạo động.

Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết những cơ sở y tế tại Bangui quá tải vì những bệnh nhân bị thương. Tổ chức này nói nhiều bệnh nhân bị bắn hay bị thương do những cuộc tấn công bằng mã tấu hay dao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG