Đường dẫn truy cập

Bình Định: 80 tỷ đồng chống lũ, 118 tỷ đồng xây tượng đài


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 21/12 đã đến Bình Định và hứa cấp cho địa phương này 80 tỷ đồng cùng với 2.000 tấn gạo để cứu trợ lũ lụt.

Truyền thông trong nước đưa tin, trong lúc ngân sách của tỉnh chỉ còn 2 tỷ đồng để đối phó với thiên tai, Hà Nội hứa sẽ hỗ trợ cho Bình Định 80 tỷ đồng để cứu trợ, nhưng trước đó đã phê duyệt một dự án xây tượng đài Hồ Chí Minh và thân phụ của ông có kinh phí lên đến 118 tỷ đồng.

Nói chuyện với báo chí, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết trong tháng 11 và đầu tháng 12 đã xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn trên địa bàn tỉnh khiến 34 người chết, 5 người mất tích, 10 người bị thương. Về mặt thiệt hại vật chất, 551 căn nhà đã bị sập, 398 nhà tốc mái, 2.300 ha lúa đang trổ chín bị ngập, và 17.300 ha lúa mới gieo bị ngập.

Hòa thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã thực hiện hai đợt cứu trợ tại tỉnh Bình Định trong tháng này. Ống nói với VOA–Việt ngữ:

“Ở Tuy Phước, tuy đã chuẩn bị sẵn nhưng không cứu trợ được, nên sau đó đi cứu trợ ở Phù Mỹ. Ở đó cứu trợ được 3 thôn. 3 thôn ngập lụt nặng đó. Trước đó cũng định cứu trợ nhưng con nước còn cao, nên không cứu trợ được. Đến ngày hôm sau, cứu trợ với hơn 1.000 phần quà. Chúng tôi cũng lên An Nhơn, nơi này ngày hôm trước cũng ngập cao nên đoàn không thể nào vào được. Hôm sau nước xuống, chúng tôi mới tới được và thăm hỏi bà con.”

Trước đó, ông Hồ Quốc Dũng đã ký một quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành (tên thật của lãnh tụ Hồ Chí Minh, với kinh phí lên đến 118 tỷ đồng. Tượng đài này được coi là một “công trình văn hoá-mỹ thuật”, có chiều cao 10,8m làm bằng chất liệu đồng tấm ngoại nhập. Công trình còn bao gồm sân tượng đài, một hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng, thoát nước, chống sét, sẽ được xây trên một khu đất rộng lớn tại quảng trường trung tâm trên đường Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Thời gian thực hiện dự án kéo dài hai năm từ năm 2016-2018.

Hòa thượng Thích Không Tánh bày tỏ bức xúc về mức kinh phí của tượng đài này, trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn:

“Phần chúng tôi cảm thấy nó tổn phí, trong khi dân tình bị nhà nước chiếm đoạt giải tỏa. Gặp hàng ngàn khó khăn, khiếu kiện lên xuống, rồi ô nhiễm môi trường. Bao nhiêu là thiệt hại cho đất nước, cho dân, cho dân tộc, cho đồng bào mà họ không để ý. Trong khi đó họ làm chuyện gì đó khác thì chúng tôi buồn.”

Cùng ý kiến với Hòa thượng Thích Không Tánh, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động dân chủ hàng đầu ở Việt Nam, nhận định với VOA-Việt ngữ:

“Nhiều anh em chúng tôi rất nhiều lần nói rằng chuyện con người mới là quan trọng, chứ không phải mấy cái tượng đài, mấy cái xác chết. Cái đó là rõ ràng, dứt khoát. Phía nhà cầm quyền chỉ muốn để tuyên truyền thôi. Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn chuyện mang tiền của dân đi làm những chuyện không chính đáng. Trong khi chuyện cứu trợ, chuyện người dân bị lũ cuốn, từ đầu năm tới giờ hơn 230 người.”

Trong lúc ngân sách địa phương chỉ còn có 2 tỷ đồng để cứu trợ cư dân, hôm 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ra công văn xin Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ. Hà Nội chỉ hứa cấp 80 tỷ và 2.000 tấn gạo. Theo các nhà hoạt động trong nước, công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới giữa lúc cả địa phương và trung ương đều thiếu hụt ngân sách.

VOA Express

XS
SM
MD
LG