Đường dẫn truy cập

Bí mật nơi cây dầu đôi


Bí mật nơi cây dầu đôi
Bí mật nơi cây dầu đôi

Đoàn Nhã Văn sinh tại Nha Trang.
Đến Mỹ tháng 6 năm 1986. Hiện sống và làm việc tại Nam California.
Có thơ, truyện, tiểu luận và phê bình đăng trên các tạp chí: Văn, Văn học, Văn Uyển, Phố Văn, Hợp Lưu; và các diễn đàn trên net như: gio-o, damau v.v.
Đã in: "Bình Minh Đến" (thơ; nhà xuất bản Ngàn Lau, Hoa Kỳ) và "Phác Thảo 15 Chân Dung Văn Học" (tiểu luận - phê bình; nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ)

Kỳ 1

Ông nội tôi là người cuối cùng trong dòng họ còn biết chữ nho. Ông có chín người con, 2 trai 7 gái. Ba tôi là con trai trưởng. Cái thời của ông còn nặng nề "trọng nam khinh nữ". Trước khi mất, ông ngã bịnh một thời gian. Biết mình không sống được lâu, ông cho gọi tất cả những người con từ khắp nơi trở về. Sau khi dặn dò nhiều điều cho các con, ông đem hết số tiền dành dụm, trừ đi số tiền chuẩn bị hậu sự cho mình, rồi chia đều cho các con. Phần đất hương hỏa, ông giao cho hai người con trai: Ba và chú tôi. Sau đó, ông nói với tất cả các người con rằng: ông có một ít giấy tờ muốn giao lại cho Ba tôi giữ. Trong số giấy tờ đó, ba tôi kể lại, có tập gia phả, phần đầu viết bằng chữ nho, do tiền nhân để lại cho đến đời ông Cố của tôi, phần sau viết bằng chữ quốc ngữ. Rồi ông bảo các người con đi ra, chỉ giữ lại ba tôi để dặn dò mấy điều mà ông Cố tôi truyền lại. Và tôi là cháu đích tôn trong họ, nên trước khi mất, ba tôi gọi tôi về, truyền lại những điều này.

***

Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người Pháp phát triển đường xá từ Phan Rang ra Thành, rồi xuống Nha Trang, ra Ninh Hòa. Ông Cố tôi nằm trong số những người mà Pháp tuyển mộ để mở đường này. Và vì thông thạo chữ nho cũng như hiểu biết chút ít tiếng Pháp, sau một thời gian cần mẫn làm việc, ông đã tạo nên sự tin tưởng, và trở thành một người giúp việc gần gũi với vị kỹ sư đứng đầu công trình này. Trong những ngày tháng ấy, ông Cố tôi đã biết được nhiều việc, ông cho là hệ trọng, nên đã ghi lại và truyền lại cho ông Nội tôi. Trong số đó, có ba điều chính. Thứ nhất, là Lời nguyền của người Chăm được phát hiện ở đèo Rù Rì và sau đó được chôn lại trên đỉnh đèo. Thứ hai, bí mật được giấu trong cây dầu đôi tại Diên Khánh. Thứ ba, kho tàng của nghĩa quân trên vùng núi Hòn Hèo, nơi có liên hệ đến phong trào Cần Vương chống Pháp, cuối thế kỷ 19. Trong ba điều ấy, Lời nguyền của người Chăm, tôi đã kể lại trong truyện "Lời Nguyền Trên Đỉnh đèo Rù Rì".

***

Khởi đi từ ngã ba Thành chạy về hướng Nha Trang, nhìn bên tay phải, du khách sẽ nhìn thấy cây dầu đôi. Cây cao, nhưng tàn lá không nhiều. Đứng xa xa, có thể thấy cả ngọn. Đến gần, sẽ thấy rễ cuồn cuộn như những con trăn lớn uốn lượn trên mặt đất. Trên thân cây, cách mặt đất khoảng một đầu người, có một cái bướu lớn. Ông Cố tôi ghi lại rằng, khi đường xá từ Phan Rang mở ra đến Thành, ông có nghe các vị bô lão trong vùng kể lại rằng: vào đầu thế kỷ 19, cây dầu đôi chỉ có một thân cao nghệu nghễ. Sau một đêm mưa to, sấm chớp đầy trời, sáng ra mọi người thấy cây mất ngọn, thân cây tét làm hai sau khi bị sét đánh. Người dân dọn dẹp khúc bị sét đánh ngã, và nghĩ rằng cây sẽ chết. Vậy mà không. Cây dầu đôi lại vươn lên từ chỗ bị sét đánh, hai nhánh chọc thẳng lên trời như thách thức ông Thiên. Không biết có phải từ đó được gọi là cây dầu đôi?

Cũng có người cho rằng, cây dầu đôi có 2 gốc, và lâu ngày, hai thân cây dính vào nhau nên gọi là cây dầu đôi. Không biết truyền thuyết nào đúng, nhưng hơn trăm năm nay, cây dầu đôi vẫn sừng sững giữa trời, mặc bao lịch sử đổi thay. Giờ đây, dưới gốc phải khoảng 7-8 người ôm mới hết, còn hai thân chọc thẳng lên trời thì mỗi thân ấy phải ba, bốn người cùng nắm tay, ôm không giáp vòng. Nhiều người kể rằng, bác sĩ Yersin, người khám phá ra Đà lạt, lúc sinh thời, mỗi lần từ Nha Trang qua trại chăn nuôi Suối Dầu làm việc, khi đi ngang qua cây dầu đôi, bác sĩ Yersin thường xuống xe, để ngã mũ như chào một bậc cao niên!

Vậy cây dầu đôi có niên đại bao nhiêu? Chưa có một câu trả lời chính xác. Chuyện kể rằng, năm Quý Sửu, 1793, thành Diên Khánh bắt đầu được xây dựng, sau khi Nguyễn Ánh rút quân từ Qui Nhơn về. Cả khu vực còn là những dãy rừng ngút ngàn. Quan đã cho lính và dân phu mở mang khu vực, tạo dựng xóm làng. Nhiều người từ miền ngoài được đưa vào lập nghiệp ở đây. Người ta cho rằng, ngay từ thời này, giữa những dãy rừng già đó, cây dầu đôi này đứng vượt trội hơn hết.

Đến nửa cuối thế kỷ 19, thành Diên Khánh đã trở thành một địa danh quen thuộc, như các địa danh khác, chợ Thanh Minh, Ninh Hòa, Vĩnh Điềm, Ngọc Hội, Lư Cấm, Vĩnh Hội.v.v… của Khánh Hòa. Lúc bấy giờ, Nha Trang còn là một bãi cát trắng mênh mông, hoang sơ với vài dãy nhà tranh lụp xụp, của ngư dân người Việt sống bên nhau bằng nghề đánh cá ở xóm Cồn. Con đường từ Nha Trang đi lên Diên Khánh lúc này chỉ mới là con đường rải đá sơ sài. Giao thông chủ yếu vẫn là con đường thủy qua sông Cái. Trung tâm buôn bán, sinh hoạt kinh tế, văn hóa tập trung tại Vĩnh Điềm Hạ. Đường liên lạc duy nhất với Huế và Sài Gòn chỉ là con đường biển.

Năm 1885, quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang, phong trào Cần Vương lan tới Khánh Hòa. Do lực lượng địch quá mạnh, nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của các vị Trịnh Phong, Trần Đường và Nguyễn Khanh, được người dân ca tụng là Khánh Hòa tam kiệt, đã phải chịu thất bại vào năm 1886.

Nền đô hộ của người Pháp tại Nha Trang chính thức bắt đầu từ đây. Cũng như các tỉnh khác ở Trung Kỳ, Khánh Hòa nằm dưới ách cai trị của hai thế lực: Chính phủ Bảo hộ (Pháp) và Chính phủ Nam triều (triều Nguyễn). Cấp chỉ huy tỉnh thuộc Nam triều đóng tại Diên Khánh (còn gọi là cơ quan tỉnh). Cơ quan lãnh đạo của Chính phủ Pháp đóng ở Nha Trang (gọi là Tòa Sứ). Từ đó Nha Trang trở thành tỉnh lỵ của Khánh Hòa. Nhằm phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa, Pháp không ngừng từng bước xây dựng và mở rộng khu vực Nha Trang, làm cho nơi đây trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

*

Cơn gió nhè nhẹ của buổi chiều, tạo nên những gợn sóng nhỏ lăn tăn trên mặt con sông Cái. Mặt trời đã ngã về tây, làm hực lên những áng mây hồng, phản chiếu trên sông, tạo nên một hình ảnh rất đẹp. Viên kỹ sư Pháp và ông Cố tôi đang đi dọc bờ sông. Y nói rằng, y nhớ nước Pháp. Nhớ những buổi chiều đi dọc bờ sông Sein thơ mộng. Đó là lý do dường như mỗi buổi chiều, sau khi công việc xong xuôi, Cố tôi hay thấy y hay đi dạo một mình. Hôm ấy, như có gì muốn chia sẻ, y đã gọi ông Cố tôi đi cùng. Cả hai sóng bước dọc theo bờ sông Cái. Sau khi hỏi han vài thứ, y nói với Cố tôi rằng: con đường mở rộng từ Thành xuống Nha Trang có vài trở ngại. Tuy nhiên, có một điều làm y áy náy mãi, đó là không biết có nên không, nếu phải chặt đi cây dầu đôi cao ngút để mở rộng con đường. Y im lặng thật lâu. Thả dòng suy nghĩ theo từng bước chân. Rồi đột nhiên, quay sang Cố tôi, y hỏi, ông nghĩ thế nào. Ông Cố tôi không biết trả lời sao cho tiện, đang phân vân suy nghĩ. Bởi vì, trong lòng ông, sự hiện diện của cây dầu đôi như một nhân chứng qua bao sóng gió lịch sử. Giờ đây, nơi chân cây, còn cái miếu nhỏ thờ người anh hùng Trịnh Phong. Làm sao mà phá đi được! Nhưng làm sao góp ý với Y mà không để bị nghi ngờ?

Cái áy náy của viên kỹ sư Pháp không phải không có lý do. Bởi nơi cái miếu nhỏ, lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Người ta bảo rằng: miếu này rất linh thiêng. Chính ở cái khoảng tâm linh ấy, đã cắn rứt thâm tâm của viên kỹ sư này. Y không phải là mẫu người của tâm linh. Y trưởng thành trong cái nôi của công nghệ, được học tập kiến thức từ trường kỹ thuật. Tuy nhiên, có nhiều việc, mà y đã từng thấy tại Phi châu, trong công việc của một kiến trúc sư, đã làm y thay đổi.

Ngày ấy, khi còn là một kỹ sư cầu đường, mới ra trường, với lòng ham mê đi đó đi đây, y đã hăng hái đi nhận nhiệm vụ tận Phi Châu. Công việc của y là chỉ huy những công trình hạ tầng, xây dựng đường xá, cầu cống cho công việc đi lại được dễ dàng, và cũng để phục vụ cho mẫu quốc trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản và chuyên chở về những hải cảng một cách thuận lợi.

Trong một công trình, dựng một con đường lớn, băng qua nơi chôn cất của một bộ lạc thổ dân. Nếu làm con đường vòng, nó sẽ phải băng qua một khu đầm lầy rộng lớn, sẽ tốn nhiều vật liệu. Và dĩ nhiên, thời gian thực hiện sẽ lâu hơn nhiều. Sếp của y quyết định bằng mọi cách phải thực hiện con đường thẳng. Trong quyết định này, thổ dân đã chống trả kịch liệt, vì con đường phải băng qua nơi thờ phượng, chôn cất của những người đã khuất của thổ dân. Bằng sức mạnh của nòng súng, người Pháp dễ dàng dẹp tan sự chống trả kịch liệt của họ. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để họ khuất phục. Những công đoạn làm xong ban ngày, ban đêm thổ dân phá đi. Chuyện cứ tái diễn nhiều lần, người Pháp quyết định áp dụng bàn tay sắt và canh giữ nghiêm ngặt hơn vào ban đêm. Và dĩ nhiên, máu đã đổ xuống, của cả hai phía, và hận thù ngày càng dâng cao. Trong lúc công trình đang xây dựng, nhiều việc kỳ bí đã xảy ra. Chiếc cầu không lớn lắm, bắt ngang dòng sông nhỏ trên con đường ấy phải xây đến lần thứ ba mới hoàn tất. – Còn tiếp một kỳ

XS
SM
MD
LG