Đường dẫn truy cập

Triển khai THAAD, bất chấp căng thẳng Trung - Hàn


Theo tin của quân đội Hàn Quốc, hệ thống THAAD có thể sẽ đi vào hoạt động ngay vào tháng 4 này.
Theo tin của quân đội Hàn Quốc, hệ thống THAAD có thể sẽ đi vào hoạt động ngay vào tháng 4 này.

Mỹ bắt đầu lắp đặt các bộ phận đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Nam Triều Tiên hôm thứ Ba 07/3, một ngày sau khi Bắc Triều Tiên phóng ít nhất bốn phi đạn đạn đạo, mà ba trong số đó rơi cách bờ biển của Nhật Bản khoảng 350 kilômét.

Năm ngoái Washington và Seoul đồng ý sẽ triển khai hệ thống lá chắn phòng phủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc trước việc Bắc Triều Tiên tăng nhanh chương trình phát triển phi đạn đạn đạo và thử hạt nhân.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói trong một thông báo: “Bắc Triều Tiên tiếp tục những hành động gây hấn, trong đó có vụ phóng nhiều tên lửa ngày hôm qua (06/3), chỉ khẳng định thêm rằng quyết định hồi năm ngoái của đồng minh Nam Triều Tiên của chúng tôi sẽ thiết đặt lá chắn phòng thủ phi đạn THAAD là khôn ngoan.”

Đô đốc Harris nói rằng các bộ phận của THAAD được lắp đặt trên tinh thần tôn trọng cam kết với Hàn Quốc và để bảo vệ cho quân đội Mỹ trong khu vực, bảo vệ các đồng minh của Mỹ và nước Mỹ.

Theo tin của quân đội Hàn Quốc, hệ thống THAAD có thể sẽ đi vào hoạt động ngay vào tháng 4 này.

Cũng giống như hệ thống Patriot, THAAD dùng các tên lửa bắn hạ phi đạn từ nơi khác bắn đến. Một khẩu đội THAAD có 48 tên lửa đặt trên bệ phóng phương thẳng đứng di động sử dụng hệ thống ra đa cực mạnh và tia hồng ngoại để đánh chặn phi đạn trong khu vực có bán kính 200 kilômét, khi các phi đạn tấn công vào giai đoạn đáp xuống mục tiêu.


Lãnh tụ Kim Jong Un

Thông báo triển khai hệ thống THAAD được đưa ra khi hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA loan tin lãnh tụ Kim Jong Un đích thân giám sát vụ phóng bốn phi đạn đạn đạo tầm trung hôm thứ Hai. Ba phi đạn trong số đó bay xa khoảng 1.000 kilômét và rơi xuống biển cách bán đảo Oga thuộc tỉnh Akita của Nhật Bản khoảng từ 300 đến 350 kilômét.

KCNA loan tin rằng các vụ phóng tên lửa hôm thứ Hai thuộc khuôn khổ một cuộc thao dượt quân sự để kiểm tra khả năng của pháo binh nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.

Bình Nhưỡng trước đó lập lại những đe dọa thường xuyên của họ là sẽ “có biện pháp đáp trả mạnh” sau khi Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc thao dược quân sự chung hồi tuần trước để kiểm tra khả năng sẵn sàng phòng vệ chống các cuộc tấn công có thể có từ miền Bắc.


Tổng thống Trump ủng hộ

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong cuộc điện thoại với quyền Tổng thống Nam Triều Tiên Hwang Kyo-ahn sau khi Bắc Triều Tiên phóng phi đạn, đã tái khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ các đồng minh, và có tin nói rằng ông nhấn mạnh đến nhu cần cần phải có những biện pháp mạnh để đối phó với việc Bắc Triều Tiên liên tục vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Năm 2006, Hội đồng Bảo an ra lệnh cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo, và kể từ đó đã ra các lệnh chế tài kinh tế ngày càng nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng vì nước này liên tục vi phạm các lệnh cấm.

Hội đồng Bảo an sẽ họp vào thứ Tư theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản để thảo luận về việc Bắc Triều Tiên liên tục vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã ra thông cáo lên án Bắc Triều Tiên phóng phi đạn. Ông nói hành động đó “ảnh hưởng nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực.”

Tổng thống Trump trước đó đã điện thoại cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để tái khẳng định quan hệ đồng minh của Hoa Kỳ với Nhật Bản và lên án việc Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa là một mối đe dọa cho an ninh khu vực.

Thủ tướng Abe nói: “Tổng thống Trump cam đoan với tôi rằng Hoa Kỳ sát cánh 100% với Nhật Bản, và rằng ông muốn phát biểu của ông được thông tin đến cho tất cả người dân Nhật Bản. Tổng thống Trump muốn chúng ta tin tưởng ông và tin tưởng Hoa Kỳ 100%.”

Người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc mít tinh phản đối kế hoạch triển khai hệ thống THAAD trước Bộ Quốc phòng ở Seoul, ngày 7/3/2017.
Người biểu tình hô khẩu hiệu trong một cuộc mít tinh phản đối kế hoạch triển khai hệ thống THAAD trước Bộ Quốc phòng ở Seoul, ngày 7/3/2017.


Phản đối THAAD

Trung Quốc cực lực chống đối việc triển khai THAAD và gây ra những lo ngại cho Nam Triều Tiên.

Hôm thứ Ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói Bắc Kinh giữ vững lập trường kiên quyết phản đối việc triển khai phi đạn THAAD ở Hàn Quốc.

Bắc Kinh nói việc triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ sẽ gây ra tình trạng khiêu khích quân sự tăng cao và không cần thiết. Bắc Kinh cũng lo ngại hệ thống ra đa cực mạnh của THAAD sẽ đề ra một mối đe dọa đối với Trung Quốc.

Chính phủ Nam Triều Tiên đang cân nhắc việc kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Bắc Kinh theo cáo buộc đã có những hành động nhắm vào các doanh nghiệp của Hàn Quốc và đã hủy các buổi trình diễn của các nghệ sĩ Hàn Quốc nhằm trả đũa quyết định của chính phủ Seoul triển khai phi đạn THAAD.

Tin nói hồi tháng trước Trung Quốc liên tục bác đơn của các hãng hàng không Hàn Quốc xin tăng chuyến bay thuê bao giữa hai nước, và ra lệnh cho các công ty du lịch ở Trung Quốc ngưng bán các chuyến du lịch sang Hàn Quốc cho khách hàng, và ra lệnh đóng cửa gần hai mươi cửa hàng thuộc tập đoàn Lotte của Hàn Quốc.

Ông Lee Hyun-jae, chủ tịch ủy ban chính sách của Đảng Tự do Triều Tiên đang cầm quyền tại Hàn Quốc nói:

"Chúng tôi sẽ tích cực cân nhắc liệu hành động của Trung Quốc có vi phạm thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước Trung-Hàn, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực giảm thiệt hại tối đa đối với các ngành công nghiệp của Nam Triều Tiên."

Trong lúc đảng đương quyền ở Nam Hàn mạnh mẽ ủng hộ việc triển khai phi đạn THAAD như là một biện pháp thiết yếu để bảo vệ an ninh quốc gia, công chúng Hàn Quốc vẫn chia rẽ về vấn đề này, và một số thủ lãnh đối lập lên tiếng chống đối THAAD.

Phe đối lập chỉ ra những hạn chế của phi đạn THAAD. Họ nói hệ thống này không chặn được tên lửa tầm ngắn bắn vào khu vực thủ đô Seoul, nơi có gần một nửa dân số Hàn Quốc cư ngụ, và trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công lớn, thì hệ thống THAAD với 48 tên lửa đánh chặn sẽ trở nên quá nhỏ so với hơn 1.000 tên lửa mà Bắc Triều Tiên có thể phóng.

Và họ cũng tranh luận rằng việc nâng cấp khả năng quân sự hạn chế đó không đáng giá để làm tổn hại các mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Lee Jae-myung, thị trưởng thành phố Seongnam và là ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ đối lập ở Nam Triều Tiên, nói:

"Nói một cách trung thực, triển khai THAAD sẽ gây phương hại cho cả chúng ta lẫn Trung Quốc. Chẳng ai hưởng lợi gì từ việc đó cả. Việc triển khai THAAD ngay từ đầu đã bộc lộ những khuyết điểm, do đó chúng ta cần phải cân nhắc lại toàn bộ, nếu không tương lai của chúng ta sẽ rất mờ mịt, hỗn độn và không an toàn."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG