Đường dẫn truy cập

An úy phụ và những vết thương chưa lành


Frances Alonzo

Ở khắp châu Á và một số khu vực khác trên thế giới, tình trạng phủ nhận những vụ cưỡng hiếp trong thời chiến vẫn tồn tại. Rõ ràng và đơn giản, đây là tội ác chiến tranh. Nhưng hiện nay đây vẫn là điều bị phớt lờ hoặc coi nhẹ.

Hiệp ước quốc tế đầu tiên, gọi là Điều lệ Rome, xác định tội ác nhắm vào phụ nữ là tội ác chống nhân loại và do đó được coi là tội ác chiến tranh. Vậy tại sao vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi đến vậy? Từ Indonesia, đến Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, phụ nữ và gia đình của họ giờ đây vẫn phải gắng gượng sống, cố hàn gắn vết thương, và tiến về phía trước. Nhưng một điều hết sức đơn giản có thể giúp những nạn nhân, một lời xin lỗi, vẫn bị thoái thác.

Bà Peipei Qiu là giáo sư ngành Trung Quốc và Nhật Bản tại trường đại học Vassar College. Bà là đồng tác giả của cuốn sách Chinese Comfort Women: Testimonies from Imperial Japan’s Sex Slaves; tạm dịch: Những lời khai chứng của những nô lệ tình dục của Đế quốc Nhật; với hai học giả ở Trung Quốc khác. Bà cho biết:

“Sau chiến tranh, những gì mà các an uý phụ đã phải trải qua gần như bị làm ngơ và những nạn nhân còn sống sót thì buộc phải im lặng. Nhưng từ năm 1990, các nhà nghiên cứu Triều Tiên và Nhật Bản và các nữ học giả bắt đầu đưa vấn đề này ra trước sự chú ý của thế giới. Sau đó, mọi người bắt đầu biết rằng đây là một trong những thảm kịch và tội ác chiến tranh ít được công nhận nhất. Trong những thập kỷ trước, một vài chính trị gia và nhà hoạt động Nhật vẫn khăng khăng rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ sự dính líu trực tiếp của quân đội và chính phủ trong việc bắt ép những người phụ nữ này phải phục vụ ở những nơi gọi là 'trạm an uý.' Họ nói rằng những phụ nữ làm chứng thực chất là những gái mại dâm kiếm tiền từ những binh sĩ ở tiền tuyến. Họ còn nói rằng kể lại câu chuyện về những an uý phụ này là để làm nhục danh dự của người Nhật.”

Những phụ nữTrung Quốc nói họ bị binh lính Nhật ép trở thành những an úy phụ trong thế chiến II
Những phụ nữTrung Quốc nói họ bị binh lính Nhật ép trở thành những an úy phụ trong thế chiến II

Cũng giống như những nô lệ tình dục người Trung Quốc, đối với những phụ nữ Nhật Bản bị bắt làm nô lệ tình dục nhiều thập kỷ trước đây, một lời xin lỗi công khai là tất cả những gì họ cần, theo lời nhà điều trị tâm lý và cũng là một nạn nhân sống sót sau khi bị cưỡng hiếp, bà Marcia Jacobs:

“Nó là tất cả đối với họ không phải bởi vì nó có thể khiến quá khứ biến mất và cũng không phải nó có thể thực sự đền bù cho họ. Số lượng những người phụ nữ bị bắt làm an uý phụ chết trong những trại lính, không gì có thể xua tan những điều đó. Nhưng một sự thừa nhận có thể đưa một một sự ô nhục cá nhân thành một nhân phẩm được công nhận. Có những bức tượng về những phụ nữ này được dựng lên ở một số thành phố trên khắp thế giới. Họ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, của sự bất công trên thế giới. Bạn có thể tưởng tượng được điều đó có nghĩa là gì khi chúng ta cảm thấy nhơ nhuốc, bẩn thỉu, bị hủy hoại, tồi tệ, bị lãng quên, mất phương hướng, cho đến một người có thể đứng thẳng ngẩng cao đầu."

Bà Jacobs tiếp tục nhấn mạnh rằng cho dù lời xin lỗi có thể không xuất phát từ chính phủ thì lời xin lỗi đến từ người dân cũng rất quan trọng:

“Tôi luôn luôn thực sự băn khoăn rằng tại sao xin lỗi lại khó khăn đến vậy? Bạn biết đấy, lý do có thể là chính trị, là bệnh ngờ vực, sợ phụ nữ, hay rất nhiều điều khác nữa. Nhưng quả thực nó có thể tạo ra một sự khác biệt to lớn và nếu các chính phủ hay các cơ quan đứng đằng sau vụ lạm dụng này không xin lỗi thì các nhóm người và cộng đồng thuộc văn hóa đó có thể xin lỗi và cũng có thể tạo ra được sự khác biệt. Bạn biết đấy, một trong những vấn đề quan trọng mà một lời xin lỗi đem lại là nó có thể xóa bỏ sự phủ nhận và đặt trách nhiệm vào đúng chỗ. Khi người ta bị buộc phải câm lặng, họ bị tách biệt khỏi cộng đồng và không có khả năng hàn gắn được vết thương. Bởi lẽ nếu muốn vết thương được chữa lành, nó cần tới sự kết nối hoặc tái kết nối với cộng đồng, với tương lai, với việc bước tiếp về phía trước, và mỗi người trong cộng đồng khi cất tiếng nói đều quan trọng. Hãy đòi lời xin lỗi từ chính phủ, từ các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng như chúng ta thường thấy thì những người như bạn, như tôi, và những người dân bình thường khác có thể là những tiếng nói tuy nhỏ bé nhưng có thể đem lại một sự thay đổi thực sự đối với nạn cưỡng hiếp có hệ thống, một vũ khí chiến tranh.”

Trong số những nô lệ tình dục chiến tranh có không ít những nạn nhân còn nhỏ tuổi. Đối với những em gái này, theo bà Jacobs, cha mẹ chính là người có thể giúp các em đứng dậy:

“Thực sự chỉ có cha mẹ là những người có thể tạo ra một sự khác biệt lớn cho một đứa trẻ bởi lẽ cha mẹ là thế giới của những em nhỏ này. Các em còn chưa đi học và cũng chưa có một cộng đồng xung quanh. Để thực sự giúp các gia đình, điều quan trọng là nhận thức được xu hướng đó và không cho phép nó được bộc lộ ra, gạt nó sang một bên, dang rộng tay ôm đứa trẻ vào lòng, che chở cho chúng, và thực sự bảo đảm với đứa trẻ rằng 'đây là một điều rất kinh khủng, nó đã xảy ra rồi, nhưng con sẽ không sao cả.'

Tôi đã từng làm việc ở Indonesia vào năm 1998 sau một cuộc nổi dậy ở Jakarta nhắm vào người dân tộc Trung Quốc. Tôi tới đó để tập huấn cho một số nhóm làm việc với các gia đình có trẻ em và người lớn bị cưỡng hiếp. Họ đã có một chương trình tuyệt vời gọi là chương trình đồng hành và tất cả những gì họ làm là ngồi cạnh nạn nhân để những nạn nhân không cảm thấy đơn độc và an ủi họ.”

Theo lời bà Qiu, giáo sư ngành Trung Quốc và Nhật Bản tại trường Vassar College, những sự đau khổ mà con người phải chịu đựng như nạn nô lệ tình dục không nên và không thể bỏ qua. Điều chúng ta chọn để công nhận và ghi nhớ từ quá khứ không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn định hình tương lai, và chỉ khi đó chúng ta mới có hy vọng có được một tương lại đầy yên bình. Đó là nơi để sự hàn gắn vết thương bắt đầu.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG