Đường dẫn truy cập

Buổi sáng tháng Tư - Âm thanh không cuồng nộ


Buổi sáng tháng Tư - Âm thanh không cuồng nộ
Buổi sáng tháng Tư - Âm thanh không cuồng nộ

Gửi một người bạn

Trời bỗng ấm lại một cách đột ngột như vội vã thích ứng với mùa xuân đang tới. Năm nay lạnh dai dẳng, và mưa gió ướt át lai rai, làm cho mùa xuân lúng túng thập thò mãi chưa chịu bước vào trình diện với trời đất nơi này. Buổi sáng lúc nắng vừa lên, tôi bưng tách cà phê ra ngồi ở cái bàn ngoài hiên nhà, đốt một điếu thuốc, và đưa mắt nhìn bao quát chung quanh. Sáng nào tôi cũng làm việc này trừ những ngày gió lạnh quá vào mùa đông, nhưng hôm nay tôi có cảm tưởng như vừa bắt gặp một cái gì quen thuộc. Một thái độ khác của thiên nhiên, để tránh dùng tiếng mùa xuân đã dùng mãi. Thiên nhiên trước mặt tôi không có gì nhiều, chỉ vài cây hoa và cây ăn trái trong mảnh sân be bé trước mặt, và một bầu trời trơn không có cận cảnh viễn cảnh cây cối núi non, chỉ là một khoảng trống xanh nhạt, xa vời. Nhưng lũ cây lại có vẻ rạo rực xôn xao, và khoảng trời thì lại như đang cười cười. À, hôm nay mới mẻ. Vẫn vị cà phê và khói thuốc như mọi ngày, bản thân tôi thì mỗi ngày thấy rõ lại cũ đi một tí, có vẻ muốn không theo kịp nữa với sự mới mẻ thông lệ hàng năm ngay trước cửa nhà.

Cái bàn trước hiên nhà tôi có năm chiếc ghế để vòng tròn, sáng nào tôi cũng ngồi vào cái ghế của tôi, nhìn ra vườn, đối diện với bốn cái ghế trống còn lại. Hơn hai năm trước mỗi sáng Lộc ghé uống cà phê với tôi trên đường tới tòa soạn, như sự gần gũi giữa hai người từ thời đi học trung học đến giờ là việc cố định, đường đời tất nhiên là thế. Nhưng đột ngột Lộc phát giác ra bạo bệnh và qua đời, tôi chỉ kịp hiểu thì ra đường đời không tất nhiên là thế, và thấy buổi sáng mình phải đối diện với bốn cái ghế, thay vì ba. Chỉ thêm một cái ghế trống mà khoảng trống như mênh mông ra, nhiều lúc tôi bị cái khoảng trống vô tình ấy dẫn đi rất xa, tận tới biên giới của vô cực, vĩnh viễn. Nhưng rồi đều trở về, nhìn lại hiên nhà, vườn cây, và cả bản thân, toàn là những thứ hữu hạn. Nhưng khoảng trống ấy không chỉ là không gian, khoảng không gian mà con người của Lộc chiếm trước kia, mà còn khoảng không của yên lặng. Người hiện diện là hiện diện với tiếng nói, người không còn thì tiếng nói cũng vĩnh viễn vắng bặt.

Lộc đã đi đến cùng biên giới hữu hạn của đời mình, đã đến một chỗ chấm dứt. Nhưng cái chết, biểu hiện gay gắt nhất của sự hữu hạn thì lại thường gợi nên những ý nghĩ về vô hạn. Tôi thường nghĩ về Lộc như thế sau khi Lộc chết: bước đường sau đó hẳn là thênh thang hơn cuộc đời gọi là trần thế này chứ? Biên giới của các cảnh giới có chặt chẽ đến độ người ta phải “vượt biên” khi muốn qua lại không? Có cái gì giống như ý niệm vô cực, vĩnh viễn ở đó không? Hay ý niệm đó chỉ là sản phẩm của đầu óc con người trong cuộc sống hữu hạn này?

Hữu hạn và vô hạn, như bao nhiêu thứ khác, là sản phẩm của ý thức con người nơi trần gian. Càng thấy những chuyện ngắn ngủi, hạn chế thì càng tưởng ra cái không cùng. Sống là cứ căng thẳng hoài hoài giữa hai cái đó. Hái lượm, săn bắn, trồng trọt, chăn nuôi hay làm công kỹ nghệ, thương mại để bảo đảm cơm áo nhà cửa mà sống, nhưng đồng thời cũng dựng lên một tảng đá, chọn một gốc cây, làm một bàn thờ, dựng lên giáo đường, đền miếu, chùa chiền nhằm tập trung tinh thần mình vào đó, tưởng đến một cái gì bên ngoài sự hữu hạn sờ sờ trong cuộc sống hàng ngày. Ở hang hay ở nhà, ăn sống hay ăn chín, hái lượm hay trồng trọt... đều là những hình thái sinh hoạt vật chất của con người từ thô sơ đến tiến bộ; bên cạnh đó tưởng ra một ông thần cư ngụ trong một tảng đá, một cái cây, hay một ngài thượng đế ở tít nơi một cõi thiên đường nào đó cũng chỉ là những hình thái sinh hoạt tinh thần hay tâm linh cũng từ trạng thái đầu óc và tâm hồn còn thô sơ đến chỗ tinh tế hơn mà thôi. Về bản chất, chỉ là sự giằng kéo vĩnh viễn giữa hữu hạn và nhu cầu tìm đến chỗ vô hạn của con người. Còn thô sơ thì một ông thần và một tảng đá, tiến hóa phong phú hơn thì một vì chúa tể muôn loài với đền đài, giáo đường thờ phụng hẳn hoi.

Một con chim đứng trên nóc nhà hàng xóm tự nhiên cất lên một tràng tiếng hót lạ rất hay, tiếng véo von hơi đỏng đảnh cố tình uốn éo lên xuống của nó như để bổ túc cho khung cảnh tươi vui buổi sáng hôm nay. Hình như nó biết nhiệm vụ của nó là phải hót thật hay để phô diễn và tạo một sự hòa hợp cho mùa xuân đang tới được thập phần hoàn hảo. Nó hót hay thực, như một diễn viên ý thức được tài năng và nhiệm vụ của mình để lột tả bằng âm thanh cái lung linh của ánh nắng, sự ấm áp trong hơi gió, và nỗi rạo rực nói chung của cây lá bốn bên. Và chính nó nữa, và có lẽ đây là điều chủ yếu, nó hót lên sự rạo rực của nó, và chuỗi âm thanh yểu điệu hay ho của nó như tiếng nhạc khai mở cho sự bừng nở của cảnh vật chung quanh. Mùa xuân huy hoàng đang tới mà không có tiếng hót của nó thì là Lễ mà không có Nhạc. Cứ lừng lững đi vào, áo xiêm sặc sỡ, sắc hương ngào ngạt, ánh sáng tưng bừng, nhưng nếu tất cả xảy ra không có khúc nhạc tấu đón chào thì chắc chắn màn diễn Mùa Xuân của thiên nhiên sẽ là một tấn kịch câm. Tạo hóa hoàn hảo thật, dạy cho con người đến từng chi tiết nhỏ để mô phỏng theo đó mà làm nên cuộc sống.

Trong các thứ tiếng của thiên nhiên, có lẽ tiếng chim hót đối với lỗ tai con người là du dương nhất. Tiếng chim có nhiều âm độ, âm sắc khác nhau, và đặc biệt hình như có “bài bản” với những ngắt quãng hoặc ngân dài rất điệu nghệ, mà không thứ tiếng nào trong thiên nhiên có được. Các loại thú khác có tiếng kêu ngô nghê, con khỉ thì khọt khẹc, con bò thì kêu bò bò, con cọp thì gầm dữ tợn, ngay tiếng ếch nhái ễnh ương và mèo tuy có chút ngân nga nhưng rõ ràng là thiếu nhạc tính. Ðó là những thứ tiếng quê mùa, quá đơn giản, đơn điệu chỉ khiến người ta nhàm chán. Chỉ có tiếng chim là phong phú, có lẽ đó là mẫu mực cho cái gọi là âm nhạc trong thế gian này. Tiếng nói bình thường của con người từ khởi thủy cho đến nay cũng không có nhạc tính, nhưng con người là giống có khả năng bày ra nhiều trò để càng ngày đời sống càng phong phú tiến bộ hơn, trong đó có trò hát hỏng. Khi cố tình làm cho âm thanh mình phát ra từ cổ họng trở thành lên bổng xuống trầm và ngân dài hơn khi nói chuyện bình thường, con người bắt đầu làm âm nhạc. Từ cuộc sống chỉ biết đói ăn khát uống đến lúc cảm thấy có nhu cầu văn nghệ mà hình thức đầu tiên là uốn éo trong giọng nói hoặc vẽ nguệch ngoạc trên vách hang động, sự chuyển biến ấy đã diễn ra thế nào, kéo dài trong bao nhiêu lâu?

Dù đã tìm ra các quy luật về âm thanh và mỗi nền văn hóa đều xây dựng nên một nền âm nhạc cho mình với biết bao nhạc khí máy móc tân kỳ hỗ trợ như ngày nay, tiếng chim trong một buổi sáng mùa xuân đối với chúng ta vẫn là một điều kỳ thú mà không một phương tiện nào dù hiện đại đến đâu có thể tạo nên một cảm giác tương tự. Ðó là sự khác nhau giữa bản gốc và phiên bản. Con chim nhỏ xíu đang đứng hót say sưa trên nóc nhà hàng xóm kia là kẻ phát ngôn cho cả trạng thái buổi sáng nay, có bầu trời, ánh nắng, cây cỏ hoa lá, làn gió hiu hiu, tất cả, kể cả tiếng chim, là một tổng hợp không thể tách rời. Một khoảnh khắc của lễ nhạc, một ý đồ đang thành hình để nói lên một ý nghĩa nào đấy. Từ hàng ngàn năm trước người ta đã biết mô phỏng những khoảnh khắc như thế này để tạo nên những ý đồ trần thế, trong triều đình, trong đền miếu, thánh đường. Ông vua xuất hiện cùng với nhã nhạc trỗi lên mới tạo vẻ uy nghi, vị linh mục giơ hai tay lên cao như đang gắng tạo sự hiệp thông với Thượng Ðế thì phải có tiếng hát thánh ca âm vang trong vòm nhà thờ cao vút phụ giúp, con đồng không thể nào đạt đến trạng thái lảo đảo xuất thần nếu không có tiếng nhạc khích động mê hồn của cung văn...Con người đã mô phỏng thiên nhiên rất thành công để tạo nên những giây phút ngất ngây kèm với sự sùng kính tuân phục cho bộ thần kinh vừa yếu đuối vừa nhạy cảm với văn nghệ của mình. Nhưng đó toàn là những bản sao, dù đầy sự cầu kỳ quyến rũ và uy lực thì cũng chỉ là bản sao. Ðối diện với bầu trời cây cỏ và tiếng chim hót mới là thưởng thức bản chính của một thứ văn nghệ chưa hề bị sao chép. Thích lắm. Nhẹ nhõm, thuần khiết, và lúc nào cũng có sẵn quanh ta.

Nhưng những khoảnh khắc huy hoàng của mùa xuân không phải là tất cả cuộc đời. Rồi phút huy hoàng sẽ qua, sự vật tiếp tục phát triển để hoa sẽ tàn đi mà thành quả, khí ấm áp sẽ thành nóng nực hay lạnh buốt, ánh sáng rực rỡ thay bằng sắc màu ảm đạm. Ngay cả bài bản véo von của loài chim có khi cũng trở thành khắc khoải, như tiếng con quốc hay con ve kêu vào mùa hè, tiếng líu ríu đầy vẻ lo âu của đàn sếu rủ nhau đi trốn lạnh vào cuối thu, hay những tiếng kêu dài trầm thống không biết của loài nào nơi những đầm nước đang trở thành băng giá. Lạ thay, âm thanh nào hợp với khung cảnh nấy. Tiếng kêu của thiên nhiên luôn luôn là phát biểu của tình cảnh đang có. Rộn rã mừng vui với ánh nắng đầu xuân, khắc khoải mỏi mệt trong cái nóng nung của mùa hè, tất bật âu lo trong mùa thu hay tiêu sái buồn bã trong mùa đông đều nói lên thực trạng khí hậu và điều kiện sống của từng mùa. Con người nghe và cảm nhận được hết, và lấy làm vốn cho mình. Chỗ nào mà chẳng có âm thanh, ngoài tiếng kêu của động vật còn tiếng suối róc rách hay thác ghềnh dũng mãnh, tiếng mưa rơi ào ạt hay tí tách, tiếng gió thì thào hay gào thét...Trong rừng thẳm, trên núi cao, nơi xa sinh hoạt của con người luôn luôn có vô vàn âm thanh phát ra liên tục chứ chẳng phải hoàn toàn tĩnh mịch như chúng ta tưởng. Sa mạc có lẽ là nơi im lặng nhất trên bề mặt trái đất, đến nỗi “tiếng kêu trong sa mạc” là một cái gì lạ lùng, khác thường, và sẽ bị cái im lặng gần như tuyệt đối ở đó nhận chìm ngay tức khắc. Nhưng cũng chưa chắc sa mạc không có tiếng, dưới lớp cát mênh mông có thể vẫn là trường hoạt động nhộn nhịp của nhiều sinh vật, chắc chúng cũng phát ra tín hiệu âm thanh của chúng, nhưng tai của chúng ta không nghe được mà thôi.

Xã hội của loài người chỉ ồn khi có nền văn minh cơ khí. Trong nền văn minh nông nghiệp, trái đất tĩnh mịch biết bao. Cày cấy, gieo mạ là những công việc lặng lẽ. Thỉnh thoảng có lễ hội, vui chơi nhiều lắm thì chỉ tiếng pháo nổ, tiếng trống chiêng và tiếng reo hò của đám đông. Sức người tạo nên âm thanh chỉ có thế, tiếng vang xa không quá một quãng đồng. Suốt đời tai con người tiếp nhận âm thanh với một cường độ vừa phải, họa hoằng lắm mới bị “sét đánh ngang tai” thì mới phải một phen hoảng vía vì đinh tai nhức óc, nhưng đó là tiếng của trời. Chỉ có máy móc mới có khả năng tạo ra tiếng ồn cường độ cao mà con người phải phát sợ và tìm cách hãm bớt. Người ta tìm mọi cách để giảm âm thanh của máy xe, máy tàu, và vô số các loại máy khác nhưng không tìm cách giảm âm của tiếng súng, tiếng bom ngoài chiến trường. Khi gửi một trái đạn đại bác hay một quả bom đến một nơi nào thì người ta mong người nhận sẽ không còn nghe tiếng nổ của nó, mục tiêu của nó là cái chết, và trước cái chết thì không còn vấn đề gì cần đặt ra nữa. Cũng có khi người ta chế tạo bộ phận giảm thanh cho một khẩu súng, nhưng mục tiêu không phải để giảm ô nhiễm tiếng ồn, mà để tạo ra một cái chết êm thắm không ai phát giác ra kẻ bắn. Nói chung với súng đạn, nổ lớn hay nổ nhỏ đều là để gây ra cái chết, và cái chết là hình thức hủy diệt cao nhất rồi, chuyện còn lại là cho người còn sống thôi.

Bản giao hưởng mùa xuân trước hiên nhà tôi vẫn lặp lại mỗi buổi sáng trong mùa này. Tôi mừng vì mình vẫn còn nghe được nó, nghĩa là nó vẫn còn đấy và tôi vẫn còn khả năng cảm nhận, cả hai bên vẫn còn sẵn sàng cho nhau. Từng bước một, tuổi già sẽ làm bớt đi sự sẵn sàng ấy, ít nhất là cho một bên. Từ lúc là một thành phần của bản hợp xướng ấy, một sinh vật già sẽ mòn hơi, sẽ vơi sức, sẽ không thể cùng đồng hành với mọi sự vật, lúc ấy tiếng chim sẽ không còn nghe rõ nữa, hoa nở sẽ không còn nhìn tinh tường nữa, bước xuân phơi phới bước lên phía trước sẽ bỏ lại đàng sau một sinh vật không còn đủ sức đồng hành. Nhưng cuộc đời đâu phải chỉ có mùa xuân? Là một bản giao hưởng bốn mùa. Giây phút tàn sức, mỏn hơi vẫn là thành phần của bản nhạc chung, ở hành âm chót. Nốt nhạc cuối cùng sẽ ngân một cách êm ái đưa người đi khỏi bốn mùa trần thế này, mà suốt cuộc sống đã qua biết bao nỗi xuân hạ thu đông...

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG