Đường dẫn truy cập

Diễn tiến mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. - 2004-06-21


Các mối quan hệ giữa Trung quốc và Hoa kỳ, vốn đã được cải thiện đáng kể sau những vụ tấn công khủng bố ở Mỹ năm 2001, lại bắt đầu gặp căng thẳng trong thời gian gần đây với những lời chỉ trích qua lại về nhiều vấn đề, với cao điểm là một bản phúc trình của một ủy ban lưỡng đảng nộp cho quốc hội Mỹ hôm 15 tháng 5.

Theo phúc trình vừa kể, các xu hướng hiện nay trong mối quan hệ với Trung quốc sẽ đưa tới những mối đe dọa dài hạn đối với những quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc kinh và Washington còn tranh cãi với nhau về những vấn đề liên quan tới Đài Loan mặc dù Tổng thống George W Bush đã tỏ ý thiên về lập trường của Trung quốc khi thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm Washington hồi đầu năm nay.

Hôm thứ 3 vừa qua, sau khi tổ chức 11 phiên điều trần và nghe lời chứng của 130 chuyên gia trong và ngoài chính phủ, Ủy ban Thẩm Tra Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung đã công bố bản phúc trình hàng năm, trong đó có gần 40 đề nghị về việc điều chỉnh chính sách đối với Trung quốc. Theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban, ông Roger Robinson, vấn đề cần giải quyết gấp nhất là vấn đề thâm thủng mậu dịch:

"Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung hiện nay rất đỗi mất cân bằng và điều này gây thương tổn cho tình trạng tốt đẹp của nền kinh tế Mỹ về lâu về dài. Mức thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Trung quốc đã lên tới 124 tỉ đô la trong năm 2003, với trị giá hàng nhập khẩu từ Trung quốc cao gấp 5 lần so với số hàng của Mỹ xuất khẩu sang Trung quốc."

Ông Robinson cũng tỏ ý lo ngại là sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung quốc sẽ giúp cho quốc gia đông dân nhất thế giới này tăng cường sức mạnh quân sự và trở thành một mối quan tâm trực tiếp đối với nền an ninh của Hoa kỳ; đặc biệt là trong lúc Trung quốc vẫn tiếp tục bố trí hàng trăm phi đạn đạn đạo nhắm vào Đài Loan, một đảo quốc mà về mặt pháp lý Hoa kỳ có bổn phận phải giúp bảo vệ trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung quốc. Ông Robinson cũng đả kích điều mà ông gọi là những mưu toan của Trung quốc nhằm hạn chế sinh hoạt dân chủ ở Hồng kông.

Những nhận định vừa kể đã có sự tán đồng của ông Richard DõAmato, phó Chủ tịch Ủy ban Thẩm Tra Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung. Ông DõAmato nói rằng chính phủ Mỹ đã không xử lý đúng đắn mối quan hệ với Trung quốc trong cả hai lãnh vực kinh tế và an ninh:

"Dường như chúng ta không biết rõ là mối quan hệ với Trung quốc nên đi về đâu. Chúng ta không có một nhận thức rõ rệt về những gì mà Trung quốc cần phải làm trong nhiều vấn đề, và những vấn đề nào cần phải gấp rút giải quyết."

Nữ dân biểu Nancy Pelosy, lãnh tụ đảng Dân chủ thuộc phe thiểu số ở Hạ viện Hoa kỳ, cũng tỏ ý thất vọng đối với hiện trạng của mối quan hệ Mỹ-Trung. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Đài Tiếng Nói Hoa kỳ, bà Pelosy nói rằng: 15 năm trôi qua kể từ ngày quân đội Trung quốc đàn áp cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn, nhưng chẳng những vấn đề nhân quyền ở Trung quốc đã không được cải thiện, mà giới hữu trách ở Bắc kinh còn không giải quyết được những vấn đề quan trọng khác như thâm hụt mậu dịch và ngăn chận nạn khuyếch tán các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bà cũng lên tiếng hối thúc chính phủ của Tổng thống Bush nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối với Trung quốc.

Những diễn tiến vừa kể ở quốc hội Hoa kỳ đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ Bắc kinh. Hôm thứ 5 vừa qua, phát ngôn viên Chương Khải Nguyệt của bộ Ngoại giao Trung quốc nói rằng phúc trình của Ủy ban Thẩm Tra Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung ỏchứa đựng toàn những tư duy của thời chiến tranh Lạnh, và nhìn về Trung quốc từ một góc độ thù nghịch. Bà Chương Khải Nguyệt nói thêm rằng những nhận định cá biệt của phúc trình vừa kể đối với các vấn đề mậu dịch cộng với vấn đề Đài Loan và Hồng kông là một mưu toan can thiệp và công việc nội bộ của Trung quốc.

Trong khi đó, giới hữu trách ở Trung quốc cũng đã bày tỏ sự bất bình đối với việc các chuyên gia của bộ Quốc phòng Hoa kỳ đề nghị Đài Loan suy tính đến việc tấn công các mục tiêu quan trọng ở Trung quốc, như đập thủy điện Tam Hiệp, để chống lại mối đe dọa quân sự của Bắc kinh. Bản phúc trình thường niên về sức mạnh quân sự của Trung quốc mà Ngũ Giác Đài nộp cho quốc hội Mỹ hồi tháng 5 vừa qua nói rằng Đài Loan cần tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị cao ở Trung quốc để giới lãnh đạo Bắc kinh cảm thấy e ngại mà không phát động chiến tranh. Tại cuộc họp báo ở Bắc kinh hôm thứ 6, phát ngôn viên phòng Đài Loan Sự vụ, ông Lý Duy Nhất nói rằng cả thế giới cần phải lên án đề nghị của Ngũ Giác Đài liên quan đến đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới với tổng kinh phí lên tới gần 25 tỉ đô la. Trong một bài bình luận mới đây trên tờ Thanh Niên Trung Quốc ở Bắc kinh, Thượng tướng Lưu Viễn của Quân đội Nhân dân Trung quốc cũng nói rằng chiến tranh toàn diện chắc chắn sẽ xảy ra nếu đập Tam Hiệp bị tấn công. Ngoài ra, các giới chức lãnh đạo chính phủ Trung quốc cũng không mấy hài lòng khi Tổng thống Bush của Mỹ ký ban hành một đạo luật nhằm thúc đẩy cho việc Đài Loan được dành qui chế quan sát viên tại Tổ chức Y tế Thế giới. Đạo luật vừa kể ủy quyền cho Bộ trưởng Ngoại giao tiến hành một kế hoạch nhằm hậu thuẫn và tranh thủ cho Đài Loan có được tư cách quan sát viên tại hội nghị cấp cao thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới. Tháng 5 vừa qua, Trung quốc đã đánh bại cuộc vận động lần thứ 8 của Đài Loan nhằm tham gia các hoạt động của tổ chức y tế thuộc Liên Hiệp Quốc này. Đài Loan đã bị loại ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 1972, một năm sau khi ghế đại biểu của chính phủ Trung hoa Dân quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị lọt vào tay chính phủ Cộng sản ở Bắc kinh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG