Đường dẫn truy cập

Các đại sứ nước ngoài ở Việt Nam chỉ trích tường thuật của Hà Nội về chuyến viếng thăm của họ đến vùng Tây Nguyên. - 2004-05-14


Tin của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Hà Nội hôm thứ Sáu cho biết 4 vị đại sứ nước ngoài ở Việt Nam, từng đến thăm vùng Tây Nguyên sau khi xảy ra những vụ biểu tình của người Thượng hồi tháng 4, đã lên tiếng bác bỏ những lời bình luận mà cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam cho là họ đã nói để ca ngợi tình hình phát triển ở khu vực này.

Trong lời phản bác công khai hiếm khi xảy ra này, các vị đại sứ của Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy sĩ cũng bày tỏ sự bực bội trước sự kiện là chi tiết của chuyến viếng thăm dài 3 ngày của họ đến Tây Nguyên đã bị tiết lộ ra ngoài.

Trong bản thông cáo phổ biến hôm thứ Sáu, các vị đại sứ vừa kể đã bày tỏ sự bất mãn đối với việc "Giới truyền thông Việt Nam đã trình bày sai lạc một phần của những cuộc thảo luận giữa họ với người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Daklak".

Hôm thứ Năm, nhật báo Vietnam News loan tin rằng đại sứ Malcolm McGoun của New Zealand đã ca ngợi tình hình phát triển kinh tế và sự cải thiện mức sống của dân chúng ở tỉnh Daklak.

Theo lời các vị đại sứ, họ không hề muốn đưa ra kết luận nào về sự tiến bộ trong lãnh vực phát triển kinh tế và xã hội ở tỉnh Daklak, nhưng họ đã lưu ý đến những thách đố to lớn của giới hữu trách trong việc đáp ứng những nhu cầu của những cư dân thuộc các sắc dân thiểu số trong vùng này.

Phần chót của thông cáo của 4 vị đại sứ có ghi thêm một lời than phiền là chuyến viếng thăm của họ vốn đã được thỏa thuận là sẽ được giữ kín, và kết thúc với tuyên bố là họ sẽ không bình luận công khai về chuyến đi này nữa.

Giới hữu trách Việt Nam đã hạn chế sự đi lại của các nhà ngoại giao và báo chí quốc tế đến vùng Tây Nguyên sau khi hàng ngàn người Thượng ở đây tổ chức những cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo và quyền sở hữu đất đai trong năm 2001 và trong hai ngày 10 và 11 của tháng tư vừa qua.

Trong những vụ biểu tình mới nhất này, giới hữu trách Việt Nam nói là có 2 người biểu tình bị thiệt mạng và khoảng 70 người bị thương.

Sau vụ này, chính phủ Việt Nam đã cho phép một số ít các nhà báo và nhân viên ngoại giao cùng với vài tổ chức của Liên Hiệp Quốc đến thăm vùng Tây Nguyên, nhưng tất cả những sự di chuyển của những người đó đều có người đi kèm và bị giám sát.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG