Đường dẫn truy cập

Chính tình Indonesia: Đảng Golkar và Ứng viên Tổng Thống Wiranto. - 2004-04-27


Lời dẫn: Thưa quý thính giả, mới đây Đảng Golkar đã chọn Tướng Wiranto làm ứng viên Tổng Thống của Đảng này trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng Bảy năm nay. Quyết định này đã bị tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đả kích nặng nề bởi vì ông Wiranto đã bị một tòa án quốc tế chính thức buộc tội về các tội ác chống nhân loại diễn ra tại Đông Timor. Một số chi tiết về thành tích của Tướng Wiranto, và ý kiến của một số nhà phân tích về tình hình Indonesia sẽ được trình bày trong Tiết mục Nhìn Về Á Châu do Hoài Hương phụ trách sau đây.

Mặc dù đã trải qua 32 năm dưới một chế độ quân sự chuyên chế và tàn bạo, Indonesia dường như vẫn chưa gột bỏ được lòng tôn sùng dành cho các cựu tướng lãnh từng phục vụ cho chế độ Suharto. Trong 3 nhân vật được xem là có triển vọng nhất trong cuộc chạy đua dành chức Tổng Thống Indonesia trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng Bảy này, đã có hai tướng hồi hưu, cả hai đều đã phục vụ cho chế độ của Tổng Thống Suharto, bị lật đổ hồi năm 1998: đó là Tướng Wiranto, đại diện cho đảng Golkar, và Tướng Bambang Yudhoyono, đại diện cho Đảng Dân Chủ Indonesia.

Trong một đại hội đảng Golkar ngày 20 tháng Tư vừa qua, Tướng Wiranto đã gây ít nhiều kinh ngạc khi ông được chọn làm ứng viên đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử Tổng Thống Indonesia, đánh bại Chủ Tịch Đảng, ông Akbar Tandjung, một chính khách vốn được ủng hộ rộng rãi trong các cấp lãnh đạo Golkar.

Tướng Wiranto nắm chức Tư Lệnh Lực Lượng Quân Đội Indonesia khi Tổng Thống Suharto bị lật đổ hồi năm 1998 và trong thời gian quân đội Indonesia rút ra khỏi Đông Timor hồi năm 1999, sau khi người dân địa phương bất chấp những đe dọa từ Indonesia đã biểu quyết chọn giải pháp độc lập và tách ra khỏi Indonesia. Lúc đó, quân đội Indonesia và các toán dân quân được quân đội Indonesia giật dây, bị cáo buộc đã tàn sát ít nhất 1400 người, dùng bạo lực buộc hàng trăm ngàn người Đông Timor phải dời cư, và tàn phá hơn 3 phần tư hệ thống hạ tầng cơ sở của Đông Timor.

Trong tư cách là lãnh đạo tối cao của quân lực Indonesia, Tướng Wiranto đã bị Liên Hiệp Quốc buộc tội vì ông đã khoanh tay để yên cho những cuộc tàn sát ấy xảy ra, nhưng ông không bị đưa ra tòa xét xử. Ông Wiranto đã cực lực bác bỏ những lời cáo buộc đó và tuyên bố ông không làm điều gì sai trái.

Việc Tướng Wiranto trở thành ứng viên Tổng Thống Indonesia đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền lớn tiếng đả kích. Ông Brad Adams thuộc Tổ Chức Human Rights Watch Asia, nói:

“Đảng Golkar lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ vì đã chọn một nhân vật bị chính thức buộc tội ác chống nhân loại làm ứng viên Tổng Thống Indonesia. Nếu Đảng Golkar thật sự đã cải tổ sau những vụ vi phạm nhân quyền phổ biến dưới thời nhà cựu độc tài Suharto, thì lẽ ra Đảng Golkar phải xa lánh cái qúa khứ đen tối ấy của đảng, thay vì khư khư ôm lấy cái quá khứ đó.”

Một tổ chức bênh vực nhân quyền khác, mang tên “Mạng Lưới Hành Động Đông Timor” tuyên bố thay vì ra ứng cử, lẽ ra ông Wiranto phải được mang ra tòa xét xử. Trong khi đó Bộ Trưởng Ngoại Giao Đông Timor, ông Jose Ramos-Horta đã kêu gọi người dân Indonesia hãy xét tới những phức tạp về mặt ngoại giao và sự mất mặt của Indonesia, nếu quả thật ông Wiranto, một kẻ bị quy cho các tội ác chống nhân loại, lại đắc cử vào chức vụ Tổng Thống Indonesia.

Trước những lời chỉ trích đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Indonesia, ông Marty Natalegawa, đã lên tiếng yêu cầu các tổ chức bảo vệ nhân quyền hãy ngưng chiến dịch đả kích Tướng Wiranto. Ông Natalegawa nói:

“Giới chỉ trích phải tôn trọng sự chọn lựa của các đảng viên đảng Golkar mới phải.”

Hồi trong tuần, báo chí Indonesia cũng đề cập đến chọn lựa này của đảng Golkar. Tờ Jakarta Post nhận định:

“Kết quả của đại hội đảng Golkar là một thất bại cay đắng đối với ông Akbar Tanjung, nhân vật được coi là một trong các chính khách lỗi lạc nhất Indonesia. Cuối cùng, thì đối với ông Tanjung, việc đánh bại các ứng viên Tổng Thống khác tỏ ra khó khăn hơn là những cáo buộc về tội tham nhũng mà người ta gán cho ông trong nhiều năm qua.”

Nhưng mặt khác, tờ Jakarta Post đã ca ngợi tiến trình dân chủ trong nội bộ đảng Golkar để tuyển chọn ứng viên Tổng Thống, một điều mà tờ báo cho là chưa từng xảy ra trong lịch sử Indonesia. Tờ báo viết:

“Quang cảnh hai đối thủ tranh nhau để được chọn làm ứng viên Tổng Thống của đảng Golkar ngồi bên cạnh nhau, cùng với hai vị phu nhân, ngay sau khi các lá phiếu đã được kiểm, là một cảnh tượng chưa từng được chứng kiến trong lịch sử nước này. Chỉ cách đó vài tiếng đồng hồ, hai ông đã đối đầu nhau trong một trận chiến tâm lý kịch liệt. Dù sao đi nữa, đảng Golkar nên được ca ngợi vì đã đứng ra tổ chức một bài học chính trị có tính cách lịch sử như thế này.”

Bên ngoài đảng Golkar, thì đối thủ của Tướng Wiranto hiện nay, ngoài đương kim Tổng Thống Megawatti Sukarnoputri, còn có Tướng Susilo Bambang Yudhoyono, từng nắm chức Tham Mưu Trưởng Quân Lực Indonesia và nay là ứng viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ Indonesia.

Tướng Yudhoyono chỉ mới từ chức Bộ Trưởng An Ninh hồi đầu năm nay, lúc ông phát động một chiến dịch để tìm cách dành chức Tổng Thống với bà Megawatti Sukarnoputri.

Các cuộc thăm dò công luận cho thấy là sự ủng hộ dành cho ông Yudhoyono đã vượt quá mức ủng hộ dành cho các đối thủ của ông. Với mức ủng hộ lên tới 40%, theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây, một số nhà phân tích cho rằng ông Yudhoyono có thể thắng ngay trong vòng đầu cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 5 tháng Bảy sắp tới.

So với mức ủng hộ đó, cho tới nay mức ủng hộ dành cho Tướng Wiranto không lên quá 10%, mặc dù giới phân tích tiên đoán rằng, bây giờ ông đã trở thành ứng viên chính thức của đảng Golkar, mức ủng hộ dành cho ông Wiranto có nhiều triển vọng gia tăng nhờ những vận động của đảng Golkar.

Việc Đảng Golkar lại xuất hiện trên chính trường Indonesia với thắng lợi đạt được trong các cuộc bầu cử Quốc Hội diễn ra vào ngày 5 tháng 4 vừa rồi, và việc đảng này chọn Tướng Wiranto làm ứng viên, được coi là những dấu hiệu của một xã hội Indonesia đã mệt mỏi với những xáo trộn hồi gần đây, và nay muốn tìm về với quá khứ, một quá khứ mà họ cho là có trật tự và ổn định hơn. Trước các diễn tiến đó, các nước như Hoa Kỳ và Australia đã tỏ thái độ thận trọng, khi tuyên bố sẽ tôn trọng tiến trình dân chủ của Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Xét tầm quan trọng của Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, giới phân tích cũng cảnh giác các nước ngoài chớ nên đưa ra những lời bình luận nào có thể được coi như có tính cách can thiệp vào chuyện nội bộ của Indonesia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG