Đường dẫn truy cập

Vấn nạn của nền giáo dục cao đẳng Mỹ: Sinh viên nhà giàu chiếm chỗ của những sinh viên thuộc những gia đình trung lưu. - 2004-04-27


Tại các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, từ những trường công hạng nhất của các tiểu bang cho tới các trường tư lâu đời thuộc Ivy League, càng lúc càng nhiều sinh viên nhà giàu chiếm chỗ của những sinh viên thuộc những gia đình trung lưu, và vấn đề này đang nhanh chóng trở thành một trong những vấn nạn lớn nhất của nền giáo dục cao đẳng ở Mỹ.

Theo các cuộc nghiên cứu mới được thực hiện hồi gần đây, trong số các sinh viên năm thứ nhất ở Đại học Michigan, số sinh viên thuộc những gia đình có mức thu nhập hơn 200 ngàn đô la mỗi năm đã vượt quá số sinh viên của những gia đình có mức thu nhập dưới mức trung bình của cả nước là 53 ngàn đô la mỗi năm. Tại phần lớn các trường đại học tư thục nổi tiếng, số sinh viên có cha mẹ là công nhân, giáo viên, nông dân, quân nhân gộp chung lại cũng chưa bằng số sinh viên có cha mẹ làm bác sĩ.

Tường thuật của nhật báo New York Times, số ra ngày thứ Năm vừa qua, trích lời các chuyên gia cho biết: sự thay đổi vừa kể là kết quả của việc học phí gia tăng quá nhanh cộng với những cố gắng đặc biệt của các bậc phụ huynh nhà giàu trong việc chuẩn bị cho con em của họ để xin vào học ở các trường nổi tiếng. Nhiều sinh viên thuộc các gia đình trung lưu không muốn phải vay nợ hàng chục ngàn, có khi hàng trăm ngàn đô la, để trang trải cho số tiền học từ 30 đến 50 ngàn đô la ở các trường lớn hoặc nổi tiếng. Và trong mấy năm gần đây, thu nhập của sinh viên tốt nghiệp đại học lại gia tăng nhanh hơn rất nhiều so với những người có trình độ giáo dục thấp hơn. Điều này đã trở thành một trong những nguyên do khiến cho học sinh thuộc các gia đình khá giả ra sức nhiều hơn để được thu nhận vào các trường đại học danh tiếng.

Theo cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục Cao đẳng của Đại học UCLA: năm nay, có 40% số sinh viên năm đầu của 42 trường danh tiếng nhất xuất thân từ những gia đình có mức thu nhập hàng năm cao hơn 100 ngàn đô la, tăng khoảng 8% so với năm 1999. Trên cả nước Mỹ, chưa đến 20% gia đình có mức thu nhập vừa kể.

Trong năm 2000, có khoảng 55% sinh viên năm thứ nhất của 250 trường hàng đầu, cả trường tư lẫn trường công, thuộc những gia đình nằm trong khối 25% gia đình có số thu nhập cao nhất. Tỉ lệ vừa kể của năm 1985 chỉ nằm ở mức 46%. Trong cùng thời gian đó, số sinh viên thuộc những gia đình trong khối 25% gia đình có số thu nhập thấp nhất chỉ giảm thiểu chút đỉnh, nhưng số sinh viên trung lưu bị sụt giảm khá nhiều. Theo lời giáo sư Alexander Astin của đại học UCLA, mặc dù đã có nhiều nỗ lực được thực hiện trong vài thập niên qua, nhưng tỉ lệ sinh viên nghèo ở các trường nổi tiếng đã không hề được cải thiện và số sinh viên thuộc giai tầng trung lưu đã bị sút giảm.

Tường thuật của tạp chí Flint ở tiểu bang Michigan, số ra ngày thứ Tư vừa qua, cho biết: vị nữ giáo sư thực thụ người Da Đen đầu tiên của đại học Harvard, bà Lani Guiner, đã lên tiếng chỉ trích tình trạng vừa kể và nói rằng: chính sách tuyển sinh hiện nay của các đại học danh tiếng là dựa trên số của cải của sinh viên, mặc dù các giới chức đại học vẫn nói rằng họ luôn luôn dựa trên khả năng học tập của sinh viên.

Ông Lawrence Summers, Viện trưởng Viện đại học Harvard, cũng nói rằng: “Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến tính chất công bằng”, và cần phải được giải quyết vì “một mục tiêu quan trọng của những đại học như đại học Harvard là dành cho tất cả mọi người một cơ hội bình đẳng để đạt giấc mơ Mỹ quốc”. Giám đốc phòng tuyển sinh bậc cử nhân của Harvard, ông William Fitzsimmons, cho biết: ông cảm thấy rất lo ngại trước tình trạng có rất nhiều thanh niên có tài nhưng vì nghèo mà không vào được đại học, và như thế là phí phạm tài năng xã hội.

Theo ghi nhận của tờ New York Times, một số đại học đã bắt đầu áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề vừa kể. Tuy vẫn quen với những biện pháp nhằm đa dạng hóa số sinh viên dựa theo tiêu chuẩn chủng tộc, nhưng các giới chức đại học cũng bắt đầu đề xuất một số phương cách để cải thiện sự đa dạng về mặt kinh tế.

Mới đây, Đại học Maryland cho biết họ sẽ không yêu cầu các sinh viên thuộc những gia đình có thu nhập dưới 21 ngàn đô la phải vay tiền như trước nữa, mà thay vào đó, họ sẽ cấp học bổng để những sinh viên đó trang trải học phí. Trong thời gian vừa qua, các đại học nổi tiếng khác; như Harvard, Đại học North Carolina, và Đại học Virginia; cũng đã loan báo những chính sách tương tự. Trong khi đó đại học Yale và Stanford cũng đã sửa đổi các chương trình tuyển sinh sớm, một phần vì e rằng những chương trình này có thể mang lại ư thế cho những sinh viên nhà giàu, là những người không cần phải so sánh những đề nghị trợ giúp tài chánh trước khi quyết định theo học ở trường nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG