Đường dẫn truy cập

Nhật Bản & Hoa Kỳ Kỷ Niệm 150 Năm Hiệp Ước Hòa Bình và Hữu Nghị. - 2004-04-07


Lời dẫn: Khác với hồi năm ngoái, mùa Xuân năm nay, những cây hoa anh đào tại thủ đô Washington đã nở rộ theo đúng mùa. Hàng năm, những cây anh đào rực rỡ với những cánh hoa màu hồng, màu trắng… vẫn thu hút một số lượng đông đảo du khách kéo về thành phố Washington, từ trong nước và trên khắp thế giới. Lễ hội Hoa Anh Đào đã trở thành một truyền thống đón Xuân tại thủ đô của Hoa Kỳ, và là biểu tượng sống của tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản. Tiết mục Nhìn về Á Châu kỳ này nhìn lại những thăng trầm trong mối bang giao Mỹ-Nhật, 92 năm sau khi Lễ Hội Hoa Anh Đào khởi sự, và 150 năm sau khi Hiệp Ước Hòa Bình và Hữu Nghị được ký kết.

Hiệp Ước Hòa Bình và Hữu Nghị Mỹ-Nhật là hiệp ước đầu tiên mà Nhật Bản ký kết với một quốc gia Tây Phương, khởi sự quan hệ bang giao chính thức với Hoa Kỳ. Qua những thăng trầm trong quan hệ giữa chính phủ hai nước, người dân Nhật đã chấp nhận một số phương diện của nền văn hóa Mỹ, nhất là trong giới trẻ, một thành phần đông đảo đã hấp thụ lối sống Mỹ cùng với những khái niệm về dân quyền. Ngược lại, người Mỹ đã học hỏi và tìm hiểu những khía cạnh sâu sắc hơn trong nền văn hóa và xã hội Nhật Bản, trong khi trước đây họ chỉ có những khái niệm về nước Nhật vô cùng hời hợt.

“Đây là một thời điểm lịch sử cho cả hai nước chúng ta. Hết cuộc thăm dò này tới cuộc thăm dò khác đã chứng tỏ quan hệ giữa nhân dân Nhật và nhân dân Mỹ chưa bao giờ lại tốt đẹp đến như hiện nay.”

Đó là một trích đoạn trong một bài viết mới đây của Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Howard Baker, đăng trên trang web của Nội Các Thủ Tướng Nhật, ông Junichiro Koizumi.

Vẫn theo Đại Sứ Hoa Kỳ, thì người dân Nhật và người dân Mỹ hiện nay còn gần gũi nhau về nhiều khía cạnh khác, như ăn cùng loại thực phẩm, nghe cùng loại nhạc, và ăn mặc y phục giống như nhau.

Tại Washington, để đánh dấu quan hệ bang giao tốt đẹp và thiết thực giữa hai nước, Đại sứ Nhật Bản đã cho công bố một danh sách chi tiết về những hỗ trợ của Tokyo, tiếp tay với Washington tái thiết nước Iraq.

(Nhật Bản đã cam kết 1 tỉ 500 triệu đôla cho Iraq. Hiện Tokyo đã cung cấp 198 triệu tiền viện trợ trực tiếp cho nước này. Số tiền vừa nêu được dành riêng cho các dự án cung cấp điện và nước, xây dựng lại các bệnh viện, và mua 70 xe cứu hỏa. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã đóng góp thêm 645 triệu 400 ngàn đôla, cho một ngân khoản viện trợ quốc tế dành cho Iraq.)

Trên một phương diện khác, một số nhà khoa bảng và nghiên cứu người Nhật nhận định rằng, từ khi Nhật Bản và Hoa Kỳ thiết lập bang giao chính thức theo tinh thần Hiệp Ước Hòa Bình và Hữu Nghị ký kết vào ngày 31 tháng Ba năm 1854, mối quan hệ bang giao cuối cùng đã trưởng thành, sau những giai đoạn có xung đột kế tiếp với những giai đoạn hợp tác.

Những cuộc tranh chấp mậu dịch đã khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng trong thập niên 1980, hầu như đã chìm đi, khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu tuột dốc.

Hồi gần đây, kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, và vào lúc Hoa Kỳ đang gặp khó khăn tại Iraq, Tokyo đã đáp ứng lời kêu gọi của Washington, nhận hợp tác với đồng minh Hoa Kỳ trong nỗ lực tái thiết và giúp ổn định Iraq.

Thế nhưng không phải lúc nào quan hệ hai bên cũng xuông xẻ. Một giáo sư môn Lịch Sử tại Đại Học Kobe, ông Jakoto Iokibe, nhận định về mối bang giao giữa hai nước như sau:

“Nhiều người Nhật dường như bị dị ứng bởi những chính sách kẻ cả ảnh hưởng bởi cái tính thẳng thừng của người Mỹ, đôi khi những chính sách đó đã châm ngòi cho tư tưởng bài Mỹ và sự thù ghét người Mỹ trong một thành phần dân chúng Nhật. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã tỏ ra mềm dẻo, đủ để đưa ra những giải pháp thực tiễn để giải quyết những khác biệt quan điểm giữa hai nước theo từng giai đoạn, chẳng hạn như những khiếu nại liên quan tới trao đổi mậu dịch, và đòi hỏi của phía Nhật Bản muốn thiết lập một quan hệ đối tác ngang hàng hơn.”

Hai nước cũng đã đạt được những bước tiến bộ dài trong nỗ lực tìm hiểu lẫn nhau về mặt văn hóa, xét hai nước dùng hai ngôn ngữ khác biệt, và có hai lối sống cùng những tập quán mà theo truyền thống hoàn toàn lạ lẫm với nhau. Giờ đây, hai lối sống khác biệt đó đã hòa đồng với nhau về một số khía cạnh. Người Nhật bây giờ cũng mê môn bóng chày, môn thể thao được ưa chuộng nhất tại Hoa Kỳ, giới trẻ Nhật cũng mê xem các bộ phim của Hollywood, và hâm mộ các ngôi sao điện ảnh và âm nhạc Mỹ, chẳng khác gì giới trẻ tại Hoa Kỳ.

Cho mãi tới hồi gần đây, nói tới Nhật Bản, người dân Mỹ trung bình không biết gì khác hơn là một số hình ảnh hời hợt về nước Nhật, chẳng hạn như Phú Sĩ Sơn, như hoa anh đào, các cô geishas, và các món ăn đã đi vào ngôn ngữ hàng ngày của người Mỹ, như sushi và tempura. Trong những năm gần đây, người Mỹ đã đạt đến một mức độ nhận thức cao hơn về nền văn hóa Nhật.

Giáo sư Toshihiro Nakayama, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Nhật Bản nhận định:

“Người dân thường ở Hoa Kỳ bây giờ biết rằng nền văn hóa Nhật có nội dung, có những khía cạnh sâu sắc hơn, và nước Nhật có thể cống hiến nhiều hơn là chỉ những sản phẩm made in Japan.”

Như ở nhiều nơi khác trên thế giới, tại Hoa Kỳ các sản phẩm văn hóa của Nhật, các trò chơi điện tư,û các phim hoạt họa, các truyện khôi hài và những bộ phim của các đạo diễn nổi tiếng Nhật Bản rất được hâm mộ.

Cuộc chiếm đóng Nhật Bản của Hoa Kỳ đã thành công phần lớn bởi vì công chúng Nhật Bản sẵn sàng đón nhận nền văn hóa Mỹ, ngay cả trong Thế Chiến thứ Hai, và trước đó khi thành phần ưu tú trong xã hội Nhật Bản kêu gọi người Nhật tẩy chay các sản phẩm và văn hóa Mỹ.

Phong trào hippie của thập niên 1960, nhạc rock và nhạc jazz du nhập từ Hoa Kỳ đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong xã hội Nhật.

Theo các sử gia, thì việc người Nhật nhanh chóng hấp thụ các giá trị văn hóa và dân chủ do người Mỹ mang đến, đã tạo nền móng cho quan hệ song phương vững bền và tốt đẹp giữa hai nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG