Đường dẫn truy cập

Toán học: Nam hay nữ ai giỏi hơn ai?


Toán học: Nam hay nữ ai giỏi hơn ai?
Toán học: Nam hay nữ ai giỏi hơn ai?

<!-- IMAGE -->

Vào năm 1992, công ty sản xuất đồ chơi Mattel của Mỹ gặp rắc rối sau khi tung ra thị trường một loại búp bê biết nói. Các bé gái có búp bê Barbie này chỉ cần kéo một sợi giây sẽ được nghe một đoạn băng nói đủ thứ chuyện, trong đó có nói toán học là một môn khó.

Công ty Mattel sau đó phải thu hồi các búp bê Barbie có nói câu này vì bị các nhóm bệnh vực nữ quyền phản đối. Dù vậy, đâu đó vẫn còn thành kiến cho rằng con gái không giỏi toán bằng con trai.

Thế nhưng các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy thành kiến đó không đúng.

Nhiều người vẫn tin rằng phụ nữ sinh ra không phải để học toán. Bà Nicole Else-Quest, nhà nghiên cứu của trường Đại học Villanova nói:

“Khi tôi ở tuổi teen, tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi cứ nghĩ tôi không cần đến toán. Bây giờ nghị lại mới thấy đó là lầm lẫn lớn nhất của đời tôi.”

Bà Else-Quest đang dùng toán học cao cấp để khảo sát về những khác biệt giới tính của nhiều thành phần trong xã hội. Mới đây, bà phân tích điểm học bạ của khoảng nửa triệu học sinh tuổi teen thuộc 69 quốc gia.

Kết quả cho thấy nhìn chung, nam sinh và nữ sinh có số điểm ngang nhau trong phần trắc nghiệm có liên quan đến toán học, như đại số hoặc hình học. Tuy nhiên, tại một số nước có sự khác biệt lớn trong số điểm của nam và nữ.

Bà giải thích: “Chúng tôi nhận thấy tại những quốc gia mà phụ nữ không được bình đẳng thực sự, ví dụ không được đại diện đầy đủ về mặt chính trị, không có cùng các cơ hội về giáo dục, hoặc không có bình đẳng về thu nhập cho cùng một công việc; thì ở những nước đó có khoảng cách về toán cao hơn. Ngược lại những quốc gia nào mà phụ nữ được bình đẳng về các mặt đó thì không có khác biệt về giới tính, thậm chí nữ sinh còn giỏi toán hơn nam sinh.”

Bà Else-Quest nói rằng muốn biết tình hình của phụ nữ trong một quốc gia, ta chỉ cần xem quốc gia có có bao nhiêu phụ nữ trong chính quyền, bao nhiêu người đang theo học đại học. Chính các nữ sinh nhìn vào các dữ liệu này để quyết định tương lai cho mình.

Bà giải thích: “Các nữ sinh trung học rất thông minh, nhưng ở đây ta thấy có những ảnh hưởng giây chuyền. Các em sẽ nhìn xung quanh để xem xã hội mà các em đang sống vai trò phụ nữ được đánh giá như thế nào. Nếu các em thấy phụ nữ không có bao nhiêu cơ hội tiến thân thì các em sẽ nghĩ ta không cần cố gắng học toán làm gì, mai mốt có giúp ích gì được cho ta đâu.”

Kết luận của bà Else-Quest là qua nghiên cứu bà thấy nam và nữ có cùng năng lực về toán, nhưng nếu xã hội cho phái nữ thấy nếu họ có giỏi toán cũng chẳng đi đến đâu, thì phụ nữ sẽ không hăng hái đi theo môn toán.

Kết quả nghiên cứu của bà Else-Quest có đăng trong tập san của các Nhà Tâm Lý Học Hoa Kỳ trong trường hợp quý vị muốn tìm hiểu thêm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG