Đường dẫn truy cập

Nepal: Biểu tình do phe Mao-ít cầm đầu gia tăng mạnh


Nepal: Biểu tình do phe Mao-ít cầm đầu gia tăng mạnh
Nepal: Biểu tình do phe Mao-ít cầm đầu gia tăng mạnh
<!-- IMAGE -->

Tại Nepal, phe Mao-ít đã gia tăng cường độ của các vụ biểu tình trong khi vụ đối đầu với chính phủ kéo dài đã 6 tháng nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Tình trạng bế tắc chính trị đe dọa đến bản hòa ước đã giúp chấm dứt cuộc nổi dậy bạo động do phe Mao-ít cầm đầu, và đưa phe này hội nhập vào các sinh hoạt chính trị dòng chính 3 năm trước đây. Từ New Delhi, thông tín viên Anjana Pasricha gửi về bài tường trình sau đây.

Vụ tổng đình công kéo dài 3 ngày do phe Mao-ít kêu gọi trong tuần này không phải là điều hầu hết dân chúng Nepal trông chờ diễn ra ngay vào lúc bắt đầu của một năm.

Ba năm trước đây thủ lãnh phe Mao-ít Pushpa Kamal Dahal, còn được biết dưới tên Prachanda, đã lãnh đạo 1 chính phủ lên cầm quyền sau khi đảng của ông đã đoạt thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử năm 2008.

Nhưng niềm hy vọng về hòa bình đã gặp một trở ngại nghiêm trọng vào tháng 5 khi ông Prachanda từ chức, và đảng của ông rời bỏ chính phủ sau khi Tổng thống Nepal sử dụng quyền hạn để ngăn chặn ý định của ông Prachanda muốn cách chức Tư lệnh quân đội.

Kể từ đó quốc gia này lại rơi vào tình trạng quen thuộc của những vụ đình công và biểu tình do phe cựu du kích quân cầm đầu. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi những nhân vật tranh đấu của phe Mao-ít muốn chiếm đất ở vùng quê trước đây trong tháng đã đưa đến một vụ đụng độ khiến 4 người thiệt mạng.

Tổng biên tập của tờ Nepali Times, ông Kunda Dixit, nói rằng phe Mao-ít đang sử dụng đến những chiến thuật này để trở lại nắm quyền trong chính phủ.

Ông cho biết: "Mục tiêu tối hậu của họ là để cho các cuộc biểu tình leo thang, làm công chúng bất mãn, khuấy động tình hình và rồi họ có thể cướp chính quyền bằng các cuộc biểu tình ngoài đường phố hay một vụ nổi dậy trong các khu vực thị tứ. Dường như đó là kế hoạch, ít ra là từ phe cứng rắn của họ.

Chính phủ liên hiệp tại Nepal đang quy lỗi cho phe Mao-ít đã không thực tâm trong việc thực thi bản hòa ước. Theo quy định của văn kiện này thì phe Mao-ít phải từ bỏ cuộc chiến tranh du kích kéo dài cả một thập niên để hội nhập vào chính trị dòng chính.

Tuy nhiên giới phân tích thời cuộc nêu lên rằng hai đảng lớn trong chính phủ liên hiệp, tức là đảng Nghị hội Nepal và đảng Cộng sản UML, cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc hiện nay vì họ từ chối không chịu thương thuyết với phe Mao-ít. Phe Mao-ít muốn Tổng thống phải xin lỗi vì đã không chịu tuân theo mệnh lệnh của họ khi họ còn nắm quyền, một đòi hỏi mà chính phủ từ chối không nhượng bộ.

Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đương Đại của Nepal, ông Lok Raj Baral, nói rằng các chính đảng rất cảnh giác sự kiện phe Mao-ít đã nổi lên thành một đảng duy nhất chiếm được nhiều phiếu trong cuộc bầu cử trước đây, và họ không muốn thỏa hiệp với phe Mao-ít.

Ông nói: "Những đảng phái khác rất cứng nhắc, và nói cho cùng, phe Mao-ít thì lại đòi hỏi quá đáng. Những phe phái khác rất sợ phe Mao-ít, đó là lý do chính. Tình hình như vậy không tốt cho tiến trình hòa bình của chúng ta chút nào."

Hố ngăn cách ngày càng sâu giữa các chính đảng lớn và phe Mao-ít đã thực sự đưa tiến trình hòa bình đến chỗ bế tắc. Tại Quốc hội, phe Mao-ít đã cầm đầu một chiến dịch phản kháng ngăn chặn thông qua bất cứ một dự luật nào. Và trong lúc tất cả mọi đảng phái chính trị kể cả phe Mao-ít nói rằng họ vẫn cam kết với việc thảo một tân hiến pháp cho quốc gia, rất ít người trông chờ là văn kiện này sẽ được hoàn tất trước hạn chót là tháng 5 năm 2010 nếu như tình trạng bế tắc hiện nay cứ kéo dài.

Một vấn đề khác cũng là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng bế tắc hiện nay là số phận của chừng 20 ngàn cựu chiến binh của phe Mao-ít vẫn sống trong những trại do Liên Hiệp Quốc giám sát kể từ khi cuộc nổi dậy kết thúc ba năm trước đây. Kể từ đó quân đội Nepal vẫn từ chối không hội nhập nhóm này vào hàng ngũ như đòi hỏi của phe Mao-ít, vì lý do là những cựu chiến binh Mao-ít này đã bị nhồi sọ về chính trị.

Ông Kunda Dixit nói rằng ảnh hưởng ngày càng lớn của phe cứng rắn trong các chính đảng và phe Mao-ít cũng lại đưa ra một mối đe dọa cho tiến trình hòa bình.

Ông nói: "Cũng lại có một khuynh hướng thiên hữu rất nguy hiểm, giờ đây hiện diện trong hai chính đảng không theo phe Mao-ít cũng như về phần quân đội đều cho rằng toàn thể tiến trình hòa bình là một sai lầm, vì các phe khác đã nhượng bộ quá nhiều phe Mao-ít, rồi trong nội bộ phe Mao-ít, cánh cực đoan lại rất đông. Những tay chỉ huy chiến trường trước đây của phe này đã 3 năm nay bị cầm chân trong các trại do Liên Hiệp Quốc giám soát đang mất kiên nhẫn, và cả đôi bên đều bị áp lực từ phe cứng rắn.

Trong lúc cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn, người dân thường tại Nepal ngày càng vỡ mộng khi nhận ra rằng kết thúc cuộc nội chiến không có nghĩa là hòa bình sẽ trở lại trên đất nước. Và người ta ngày càng lo sợ rằng quốc gia này có thể lại lâm vào vòng chinh chiến nếu tình trạng bế tắc chính trị hiện nay không được sớm giải quyết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG