Đường dẫn truy cập

Hiện tượng cá đực đổi giống


<!-- IMAGE -->

Thưa quý vị, gần đây các nhà khoa học đã lên tiếng báo động về một hiện tượng lạ và ngày càng phổ biến trên khắp thế giới, đó là ngày càng có nhiều con cá đực phát triển những đặc tính của cá cái. Hiện tượng này được gọi là “hiện tượng cá đực đổi giống”. Tại Hoa Kỳ từ năm 2002 tới nay, còn có hiện tượng cá chết hàng loạt trong hệ thống sông ngòi khắp nước, nhất là ở khu vực đông-nam Hoa Kỳ. Nguyên do của hai hiện tượng vừa kể đều được quy cho môi trường nước bị ô nhiễm vì các hoạt động của con người. Trong tiết mục Khoa Học và Đời Sống tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý vị ý kiến của một số nhà khoa học dựa trên các cuộc nghiên cứu để tìm hiểu hiện tượng này.

Sông Potomac là một dòng sông chảy qua trung tâm thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Tại đây, cá thường được câu để thực hiện các cuộc phân tích khoa học phức tạp, như một phần nằm trong một cuộc nghiên cứu chung do các tiểu bang và chính phủ liên bang Hoa Kỳ hợp tác thực hiện.

Công trình nghiên cứu này khởi sự cách đây 7 năm, khi người ta phát hiện ra hàng ngàn con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước tại các dòng sông quanh khu vực Shenandoah ở vùng duyên hải phía đông Hoa Kỳ.

Hiện tượng cá chết hàng loạt đặt ra nhiều nghi vấn cần được giải đáp.

Bà Vicki Blazer là một nhà nghiên cứu về các loại bệnh nơi cá làm việc cho Viện Nghiên cứu Địa chất học Hoa Kỳ. Bà đã bỏ ra nhiều thời giờ và công sức để nghiên cứu các bệnh nơi cá, và hiện tượng cá chết hàng loạt. Bà nói cho tới nay, giới khoa học đã phát hiện ra hai điểm chủ yếu: những vết ngoài da có nguy cơ gây tử vong cho cá, và thứ hai là cá đực phát triển đặc tính của các con cái. Các nhà khoa học nói cả hai phát hiện vừa kể đều có liên quan tới những hóa chất hiện diện trong môi trường nước, là môi trường nuôi dưỡng cá.

Bà Blazer cho biết: "Hiện tượng cá đực đổi giống đã được tìm thấy nơi cá pecca miệng nhỏ, với sự phát hiện ra thai trứng cá trong tinh hoàn của cá đực. Cho tới nay các con cá cái về mặt bề ngoài vẫn bình thường, mặc dù hiện tượng cá chết hàng loạt không chỉ tác động đến cá đực."

Nhà khoa học Vicki Blazer và các đồng nghiệp trong toán của bà đang nghiên cứu cá pecca miệng nhỏ tại khu vực sông Potomac.

Bà nói tiếp: "Đây là mẫu máu cá sẽ được dùng để tạo ra huyết tương trong phòng thí nghiệm."

Huyết tương sẽ được phân tích để quyết định xem thành tố nào có thể là nguyên nhân gây tử vong nơi các đàn cá. Bà Blazer còn xét nghiệm xác cá để tìm ra những dấu vết bên ngoài hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác có thể là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

Bà đang quan sát hai con cá, một con có một mắt bất thường, và một con khác có dấu vết không bình thường ở vây.

Bà nói: "Con cá có những vết màu nhạt hơn ở mang, đây là một dấu hiệu bất bình thường."

Nhà nghiên cứu sinh vật học Luke Iwanowicz thì đang mổ để lấy ra một số bộ phận thiết yếu của cá để dùng trong các cuộc nghiên cứu chi tiết hơn.

Ông Iwanowicz nói: "Đây là một con cá đực. Và đây là tinh hoàn của nó. Có những thay đổi trong tinh hoàn của cá mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng tôi phải trích lấy mô ra và quan sát các tế bào qua ống kính hiển vi."

Bà Vicki Blazer đề cập đến một cuộc nghiên cứu khác cũng đang được thực hiện trên khắp Hoa Kỳ. Trong cuộc nghiên cứu này, người ta cũng phát hiện ra những đặc điểm của hiện tượng cá đực đổi giống, và những vết bất thường ngoài da của cá.

Bà Blazer và các nhà khoa học khác đồng ý rằng nguyên nhân của những thay đổi đó có liên quan tới chất lượng của nước trong hệ thống sông rạch.

Các nhà khoa học đã tìm thấy trong nước sông nhiều chất gây ô nhiễm như thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, và các kích thích tố estrogen cũng như các hóa chất của thuốc ngừa thai.

Những chất gây ô nhiễm tập trung nhiều nhất chung quanh những vùng có nhiều nông trại nuôi gia súc, và các khu vực nơi mật độ dân số cao.

Nói chung, các nhà máy xử lý chất thải không lọc ra được hoàn toàn các hóa chất trước khi đổ nước xuống hệ thống sông ngòi trở lại.

Các hóa chất còn lại đặc biệt đáng lo ngại bởi vì chúng có tác động làm thay đổi các tập tính của giới tính. Một trong các hóa chất ấy có tác động cản trở chức năng của kích thích tố nam tức androgen, và có thể là nguyên nhân đưa đến hiện tượng cá đực đổi giống.

Bà Vicki Blazer giải thích: "Một trong các quan tâm là đối với các con đực không mấy hung hãn, khả năng bảo vệ ổ của chúng bị suy giảm và chúng không tích cực thi hành phận sự đó nữa. Chúng tôi đã thực hiện một số cuộc nghiên cứu để quan sát chất lượng cũng như số lượng tinh trùng của các con cá đực. Nơi các con cá pecca đổi giống thì lượng tinh trùng thường thấp, số tinh trùng di động cũng ít hơn so với các con cá bình thường khác."

Ông Fred Pinkney là một nhà sinh vật môi trường làm việc cho Dịch vụ Bảo vệ Nguồn cá và Động vật Hoang Dã Hoa Kỳ. Ông đang thực hiện một số cuộc nghiên cứu tại một khu vực khác, vùng Vịnh Chesaspeake.

Ông nhận định: "Tôi nghĩ rằng những con cá này được bơi trong một môi trường nước có ít thuốc trừ sâu, ít kích thích tố thải ra từ các nhà máy xử lý chất thải hoặc từ các hầm phân tự hoại không hoạt động hữu hiệu."

Nhà khoa học này tin rằng hiện tượng cá đực đổi giống có liên quan tới các hormon, hoặc kích thích tố, nguồn gốc là các loại thuốc men được sử dụng để trị bệnh cho người, hoặc xuất phát từ các nông trại nuôi nhiều gia súc.

Ông nói: "Con người thải ra nhiều kích thích tố, kể cả những chất có trong các thuốc ngừa thai. Tiến trình xử lý chất thải tại các nhà máy không lọc được phần lớn các hóa chất này trước khi nước được đổ lại xuống sông."

Nhà khoa học này bày tỏ quan tâm về chất lượng nước uống. Ông nói tất cả các loài cá trên hành tinh này có thể phát triển những đặc tính của giống cái vì nạn ô nhiễm môi trường.

Ông Charles Tyler, một chuyên gia về chất độc môi trường thuộc Đại học Exeter bên Anh Quốc đang nghiên cứu những hóa chất trong 51 dòng sông chảy qua vương quốc Anh. Ông nói hàm lượng hóa chất trong hệ thống sông ngòi cao hơn người ta tưởng rất nhiều.

Cuộc nghiên cứu do ông Tyler và các đồng nghiệp ở Anh thực hiện cũng đi đến những phát hiện tương tự như các cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ. Kết quả xác nhận sự hiện diện của các hóa chất chống hormon nam, xuất phát từ các loại thuốc trừ sâu và thuốc trị bệnh thất thoát vào hệ thống nước thải.

Trước đó, hàng chục cuộc nghiên cứu khác nhau đã liên kết các hóa chất này với sức khỏe nơi các động vật có vú. Nhưng đây là lần đầu các nhà khoa học phát hiện ra liên kết với loài cá.

Giới khoa học sẽ phải tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn mới có thể xác định rõ các hóa chất nào gây ra hiện tượng cá đổi giống, trong bối cảnh hiện tượng này đã khiến người ta đặt ra một số nghi vấn về những tác động có thể có đối với sức khỏe con người.

(Ngày phát thanh: 22/10/2009)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG