Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ góp phần vào quỹ tài trợ về khí hậu dành cho nước nghèo


<!-- IMAGE -->

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các quốc gia khác để thành lập một ngân quỹ 100 tỷ đôla mỗi năm dùng vào việc tài trợ về khí hậu dành cho các nước nghèo. Bà Clinton đưa ra thông báo tại Hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen. Từ thủ đô Đan Mạch, thông tín viên VOA Sonja Pace gửi về bài tường thuật sau.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết Hoa Kỳ muốn hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu đi đến được một thỏa thuận mới có tính toàn bộ và có thể vận hành.

Bà nói rằng một thỏa thuận phải bao gồm sự cam kết của tất cả các nền kinh tế lớn đối với hành động quyết liệt nhằm cắt giảm việc thải khí có hiệu ứng nhà kính và các tiêu chuẩn vững chắc về sự minh bạch đầy đủ của các nỗ lực đó.

Nếu có thể hoàn tất được một thỏa thuận như vậy, thì bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện những đóng góp đáng kể.

Bà cho biết: "Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các nước khác hướng tới một mục tiêu là cùng huy động 100 tỷ đôla mỗi năm cho đến năm 2020 để giải quyết các nhu cầu về biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển."

Lời loan báo này có thể đẩy mạnh các cuộc đàm phán đang bị bế tắc tại Copenhagen, và bị trì hoãn vì vấn đề cắt giảm khí thải và tài chính.

Nhưng bà Clinton nói rằng vấn đề minh bạch đầy đủ là một điểm then chốt đối với Hoa Kỳ, là nước đã bất đồng với Trung Quốc, nhất là về việc kiểm chứng sự thực thi các biện pháp hạn chế việc thải khí.

Bà Clinton nói: "Sẽ khó mà có thể tưởng tượng được, khi nói về Hoa Kỳ, là sẽ có mức độ cam kết tài chính mà tôi vừa loan báo, nếu không có sự minh bạch của nước thải khí đứng hàng thứ nhì, và nay tôi đoán có thể là nước thải khí lớn nhất, đồng thời cũng gần như nếu không nói là đã là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới."

Trung Quốc đã chùn lại trước việc để cho bên ngoài theo dõi việc thực thi cắt giảm khí thải.

Nhóm hoạt động cho môi trường World Wildlife Fund hay Quỹ Dã Sinh Thế Giới, lập tức hoan nghênh lời loan báo của bà Clinton và nêu ra rằng cam kết 100 tỷ đôla thổi một làn sinh khí mới vào những cuộc thương nghị đang bị lung lay. Quỹ này đề nghị Hoa Kỳ và Trung Quốc hãy san bằng những điểm dị biệt.

Hoa Kỳ đã bị chỉ trích tại hội nghị về đề nghị cắt giảm khí quá ít. Washington đề nghị đến năm 2012 sẽ cắt giảm 17 phần trăm mức của năm 2005, so với các đề nghị của các nước Âu Châu cắt giảm 20 phần trăm mức của năm 1990. Các nước này cho biết họ sẽ cắt giảm 30 phần trăm nếu các nước đã phát triển khác cũng làm như thế.

Bà Clinton nói rằng sự cắt giảm của Hoa Kỳ là bước đầu tăng lên tới mức cắt giảm 30 phần trăm vào năm 2025 và 80 phần trăm vào năm 2050.

Bà Clinton nói thời gian quý báu đã bị lãng phí trong mấy ngày thương nghị vừa qua và bà cho rằng các cuộc đàm phán không nên tập trung vào thái độ "ta đối với họ", mà nên tập trung vào các nỗ lực chung.

Các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục đến Copenhagen dự hai ngày chót của hội nghị. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ phát biểu trước hội nghị vào ngày mai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG