Đường dẫn truy cập

Mỹ ấn định nghị trình giới hạn cho đàm phán về Bắc Triều Tiên


Hôm qua, chính quyền của Tổng thống Obama cho hay nghị trình cho các cuộc đàm phán sắp tới với Bắc Triều Tiên sẽ được giới hạn trong phạm vi hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại với các cuộc thương nghị hạt nhân và tái khẳng định cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và các lợi ích khác. Trước khi rời Seoul để trở về thủ đô Washington, Tổng thống Barack Obama loan báo đặc sứ Hoa Kỳ Stephen Bosworth sẽ đi thăm Bình Nhưỡng vào tháng tới. Từ Bộ Ngoại giao Mỹ, thông tín viên VOA David Gollust ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trước khi ông Bosworth thực hiện sứ mạng tại Bắc Triều Tiên, chính quyền Obama khẳng định rõ rằng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc thảo luận những vấn đề bên lề, và rằng đặc sứ Hoa Kỳ sẽ mưu tìm một cam kết của Bình Nhưỡng là quay trở lại các cuộc đàm phán 6 bên do Trung Quốc bảo trợ đã bị đình trệ hơn một năm nay.

Trước khi kết thúc chuyến công du châu Á tại Seoul hồi sớm hôm qua, Tổng thống Obama loan báo ông Bosworth sẽ thực hiện một chuyến đi Bình Nhưỡng được chờ đợi lâu nay vào ngày 8 tháng 12 để cố gắng khai thông tình trạng bế tắc trong các cuộc thương nghị giải giới để đổi lấy viện trợ.

Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ian Kelly cho biết ông Bosworth sẽ theo đuổi một sự tái khẳng định của Bình Nhưỡng đối với thỏa thuận trên nguyên tắc hồi tháng 9 năm 2005 là dẹp bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ và các quyền lợi ngoại giao. Ông nói những vấn đề khác mà Bình Nhưỡng quan tâm có thể được đưa ra trong các nhóm công tác, một khi Bắc Triều Tiên quay trở lại các cuộc thương nghị.

Ông Kelly cho biết: “Chúng tôi sẽ phải đề cao cảnh giác khi đi vào vấn đề này. Chúng ta không muốn bị lái chệch hướng bởi những vấn đề vượt ra ngoài những vấn đề quan trọng nhất mà khu vực phải đối phó về mặt an ninh, và đó là vấn đề giải giới hạt nhân toàn bộ và có thể kiểm chứng được tại bán đảo Triều Tiên. Vì thế, đó sẽ là trọng điểm của chuyến đi Bình Nhưỡng của đại sứ Bosworth.”

Là một học giả và một nhà ngoại giao cấp cao đã về hưu, ông Bosworth đã nhiều lần đến thăm Bắc Triều Tiên trong những năm qua, nhưng sứ mạng của ông tại Bình Nhưỡng vào tháng tới sẽ là sứ mạng đầu tiên trong vai trò đặc sứ mà ông đã được giao phó hồi tháng 2 năm nay.

Bình Nhưỡng đã đóng cửa cơ sở hạt nhân chính và đang ở trong tiến trình vô hiệu hóa vĩnh viễn cơ sở này, theo một thỏa thuận đạt được cách đây 2 năm, nhưng tiến trình bị sụp đổ hồi năm ngoái khi Bắc Triều Tiên từ chối không chấp nhận một kế hoạch kiểm chứng kho hạt nhân mà họ đã khai báo.

Bắc Triều Tiên rời khỏi hẳn các cuộc đàm phán 6 bên để phản đối sự chỉ trích của quốc tế về một cuộc thử nghiệm phi đạn tầm xa mà họ thực hiện hồi tháng 4 và sau đó là một vụ nổ thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhì vào tháng 5.

Trong một cuộc họp báo tại Seoul với Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak, Tổng thống Obama nói rằng các đối tác thương nghị của Bắc Triều Tiên lo ngại về tính chất dao động đã thành thông lệ trong các cuộc đàm phán trước đây và muốn Bình Nhưỡng bắt đầu thương nghị một cách nghiêm túc.

Tổng thống Obama nói: “Tổng thống Lee và tôi đều đồng ý về sự cần thiết phải phá tan cái khuôn thức đã có trước đây, theo đó Bắc Triều Tiên hành xử một cách khiêu khích, lúc thì họ sẵn sàng quay trở lại đàm phán, rồi họ lại rời khỏi các cuộc đàm phán để đòi thêm những nhượng bộ và thực tế là không bao giờ đạt được tiến bộ nào về các vấn đề cơ bản.”

Chấp nhận cái được gọi là "sự mặc cả vĩ đại của Tổng thống Lee dành cho Bình Nhưỡng", ông Obama nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng bãi bỏ các biện pháp chế tài và giúp Bình Nhưỡng hòa nhập vào cộng đồng thế giới nếu như Bắc Triều Tiên thực hiện những biện pháp nghiêm túc về vấn đề hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết đại sứ Bosworth dự trù sẽ dành hai ngày để hội họp với các giới chức cấp cao ở Bình Nhưỡng, bắt đầu từ ngày 8 tháng 12, sau đó ông sẽ đi Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, là các bên tham gia thương nghị, để tường trình với họ về kết quả sứ mạng của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG