Đường dẫn truy cập

Somalia tuyên bố sẽ dẹp nạn cướp biển


Tin cho biết, một cặp vợ chồng người Anh bị cướp biển bắt cóc ngoài khơi vùng duyên hải tại Seychelles đang bị giữ tại một nơi cách thủ đô Mogadishu 320 cây số về phía Bắc. Ngỏ lời tại Luân Đôn, Thủ Tướng Somalie nói chính phủ của ông sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để chấm dứt nạn hải tặc ngoài khơi Somalie. Nhưng, theo phái viên Selah Hennessy của VOA tường trình từ London, các nhà phân tích nói rằng cần phải thay đổi nhiều việc tại Somalia trước khi có thể ngăn chặn được nạn hải tặc.

Lên tiếng tại London, ông Omar Sharmarke, Thủ tướng chính phủ chuyển tiếp của Somalia, nói chính phủ của ông “sẽ làm mọi chuyện có thể làm được” để đưa cặp vợ chồng người Anh trở về an toàn.

Ông nói thêm chính phủ ông sẽ hết sức cố gắng để chấm dứt nạn hải tặc, nhưng ông nói thêm nạn nghèo khó cần phải được đối phó trước đã.

Ông Sharmarke nói: “Nhiều tên hải tặc đó trước kia cũng chỉ là ngư dân và họ sẽ trở lại là những người lương thiện như thế, nếu có được cơ hội hối cải. Trở về đời sống ngư dân để kiếm sống lành mạnh bằng lợi nhuận sẽ đưa họ ra khỏi cuộc sống cướp bóc của họ trong khu vực miền Trung và miền Bắc. “

Ông kêu gọi các chính phủ nước ngoài giúp Somalia đối phó với nạn nghèo đói bằng cách đầu tư vào nước này. Ông nói thêm, điều ông gọi là đánh cá bất hợp pháp tại hải phận Somalia phải chấm dứt.

Thủ tướng Somalia nói: “Tôi sẽ không nêu rõ tên nước nào, nhưng tôi chỉ cần nói nhiều nước đang đánh cá bất hợp pháp trong hải phận Somalia. Chúng tôi ước tính số cá bị đánh bắt trộm trong hải phận của chúng tôi lên tới hàng trăm triệu đô la mỗi năm. ”

Theo Văn phòng Hàng Hải Quốc Tế đặt tại Luân Đôn, nạn hải tặc đã gia tăng đáng kể trong năm 2008. Trên khắp thế giới, số vụ cướp biển tăng lên 11%, cao nhất là trong vùng Vịnh Aden, vùng biển hẹp của Biển Ả Rập nằm giữa Somalia và Yemen.

Trong số 300 vụ cướp biển tổ chức hàng hải ghi nhận được trong năm 2008, hơn 100 vụ xảy ra ngoài khơi bờ biển Somali.

Ông Peter Hinchcliffe, Giám đốc Hàng hải thuộc Văn phòng Chuyển vận Quốc tế nói với VOA rằng con số các vụ tấn công đang gia tăng. Ông cho biết mỗi ngày đều xảy ra những vụ cướp biển tấn công, và cứ mỗi tuần có 2 hoặc 3 chiếc tầu bị giữ làm con tin.

Ông Mohamed Abshir Waldo, một phân tích gia gốc Somalia hiện làm việc tại Kenya, tin là người ta có thể tìm ra một giải pháp.

Ông Waldo nói: “Tôi cho rằng có thể có được một giải pháp chấm dứt nạn cướp biển, hoặc giảm bớt một cách đáng kể nếu có sự cộng tác của cộng đồng địa phương, đồng thời cũng phải giải quyết tận gốc vấn đề nữa.”

Đảng Xanh châu Âu cũng cáo giác các công ty ở châu Âu sử dụng vùng đất ven biển của Somalia làm nơi đổ các chất thải độc hại.

Chương trình Bảo vệ Môi trường Liên hiệp quốc nói rằng nhiều cư dân trong các thành phố trong vùng đông bắc Somalia bị các chứng bệnh liên quan đến chất phóng xạ sau khi xảy ra thiên tai sóng thần năm 2004, có lẻ vì trận sóng thần đã khuấy động hàng tấn chất thải hạt nhân và chất thải độc hại.

Tuy nhiên các phân tích gia khác nói rằng vấn đề không phức tạp như vậy.

Ông Peter Lehr, một chuyên gia về khủng bố và hải tặc thuộc Đại học St. Andrew của Anh quốc, nói rằng trận chiến chống đánh bắt cá bất hợp pháp và chất thải độc hại không còn là những động cơ thúc đẩy hoạt động hải tặc nữa.

Ông Lehr nói: “Quí vị có thể nghe thấy rất nhiều câu chuyện nói rằng các ngư dân Somalia bị các tàu tuần duyên sách nhiễu, lưới của họ bị hủy hoại, thiết bị của họ bị phá hủy, thuyền của họ bị tàu đâm vào. Vì vậy câu chuyện bắt đầu như vấn đề tự vệ, nhưng theo tôi một số người nhanh chóng thấy ngay rằng làm cướp biển kiếm được nhiều tiền hơn làm ngư dân lương thiện nhiều. Giờ đây tôi sẽ không cho rằng hoạt động này liên quan đến vấn đề ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp nữa, đó chỉ là một cái cớ vớ vẩn chẳng thuyết phục được ai.”

Ông nói rằng trong ngắn hạn, cách hữu hiệu nhất để chống lại hải tặc là sử dụng lực lượng quân đội.

Một đội tàu của quốc tế qui tụ nhiều tàu chiến nhỏ đang trải rộng hoạt động tuần phòng trong vùng Vịnh Aden. Liên minh do Hoa Kỳ chỉ huy với danh hiệu là Lực lượng Hàng hải Phối hợp gồm tàu hải quân của ít nhất 20 quốc gia..

Tuy nhiên ông nói rằng giải pháp trong dài hạn để giải quyết nạn hải tặc sẽ không phải là trên biển mà là trên bộ.

Ông Lehr nói: “Trong dài hạn hơn quí vị chỉ có thể ngăn chặn hải tặc nếu quí vị giải quyết các nguyên nhân căn để từ đất liền. Quí vị thấy đó, ngay cả hải tặc cũng là một vấn đề phát sinh từ trên đất liền. Vấn đề cơ bản là thiếu luật lệ và trật tự ở đó. Ngay khi quí vị lập các đội duyên phòng và thành lập lại các lực lượng cảnh sát trong vùng duyên hải, không sớm thì muộn hải tặc sẽ bỏ đi.”

Ông nói rằng đã có một vài tiến bộ tại một số nơi ở Somalia. Ông nói các cuộc tảo thanh trong vùng bán tự trị Puntland có nghĩa là các nhà tù nhốt đầy hải tặc.

Ông Lehr nói tiếp: “Quí vị thấy một số vùng ở Somalia đã quay sang chống hải tặc. Quí vị cũng nhìn thấy các cộng đồng ngư dân đã thành lập các nhóm giữ gìn trật tự nhằm triệt hạ cướp biển vì vẫn có những ngư dân lương hảo tại đó, và họ bị kẹt giữa 2 lằn đạn của hải tặc và tàu chiến. Vì vậy trong tương lai gần, vịnh Aden có thể trở thành một nơi an toàn hơn.”

Tuy nhiên ông cảnh báo rằng một số hải tặc ở Somalia đang chuyển hướng làm ăn từ Vịnh Aden ra xa hơn trong vùng biển Ấn độ dương.

Theo Phòng Thương mại Quốc tế, thì số vụ tấn công của hải tặc được báo cáo trong năm nay sẽ vượt xa hơn nhiều con số của năm 2008.

Tính đến ngày 23 tháng 9 năm 2009, đã có 294 vụ cướp biển được báo cáo, với 97 vụ xảy ra trong vùng Vịnh Aden và 47 vụ ở ngoài khơi các vùng duyên hải khác của Somalia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG