Đường dẫn truy cập

Một buổi tối tháng Mười ở Quận Cam


Bài viết này là một trang Sổ Tay trên Văn viết vào cuối tháng 10, 1998, xin phép được gửi đến bạn đọc như một vài suy nghĩ vụn về người và việc. Bài viết đã được biên tập lại cho vừa một kỳ trên trang blog của VOA.

1.

Đó là một buổi tối Chủ Nhật cuối tháng Mười ở Quận Cam. Ngày ngắn lại. Đêm dài hơn. Và lạnh vừa phải để chỉ cần khoác một chiếc áo gió là đủ. Ngồi ngoài hiên một quán cà phê trên đường Bolsa với ba người bạn. Phạm Chi Lan*, từ Texas, người chủ biên tờ Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng nói đôi câu ngắn. Nguyên Nhi, đến từ Oklahoma, một bạn viết có bài trên Văn, lần đầu tiên tôi được gặp. Trong ánh sáng của ngọn đèn đường hắt qua, tôi thấy khuôn mặt anh xương xẩu, hơi đen nhưng dày dạn gió sương. Nguyễn Quí Đức, người viết văn làm báo nói, báo viết bằng cả hai ngôn ngữ Mỹ Việt, thông minh, xông xáo và hoạt bát. Nguyễn Quí Đức vừa bước vào cái tuổi khởi đầu của đời một người đàn ông. Sáng mai, Phạm Chi Lan về Texas, Nguyên Nhi trở lại Oklahoma, và Nguyễn Quí Đức trở lại công việc ở San Francisco. Chỉ còn mình tôi ở lại Quận Cam.

Phạm Chi Lan nói chị muốn nghe tôi kể chuyện làm báo ở Quận Cam. Tôi nói lung tung. Đang nói những ngày làm báo Việt ở Mỹ bỗng nhảy sang tờ Văn thời ở Sài Gòn. Đang nói cái địa chỉ 38 đường Phạm Ngũ Lão bỗng nhảy sang con đường Moran, Little Saigon. Rồi tờ Tuổi Ngọc của Duyên Anh, và cả tờ Vấn Đề của giáo sư-kịch tác gia Vũ Khắc Khoan trên căn gác cùng địa chỉ. Những ngày mới bước vào đời, ngay cả trước khi tốt nghiệp Đại học Ðà Lạt. Những năm tháng tuổi thơ ở Nha Trang, những ngày học trò ở Petrus Ký Saigon. Và Ðà Lạt. Những đêm thức trắng cho kịp giờ nộp báo. Những ngày Sài Gòn nóng sốt sau năm 1975. Nhà tù Kiên Giang, Rạch Giá. Trại cải tạo Kinh Làng Thứ Bảy. Một truyện dài - cuốn thứ ba trong bộ trường thiên Người Đi Trên Mây - đang viết dở dang và chưa biết bao giờ mới hoàn tất. Tôi nói về chuyến đi Đài Bắc, trên tay không có gì khác ngoài cuốn sổ thông hành với cái vé máy bay. Chiếc quần Jeans bạc màu, đôi giày thể thao đã mòn, cái sơ-mi xanh đã sờn cổ.

Nguyên Nhi ngồi im nghe không nói. Phạm Chi Lan cũng vậy. Chị gọi thêm bình trà. Tôi hỏi đời sống Nguyễn Quí Đức bây giờ ra sao. Anh nói đang thay đổi công việc và chỗ ở cho những ngày sắp tới. Anh nhắc đến Phi châu, nơi anh đã ở đã viết một truyện ngắn mà tôi rất thích. Chúng tôi nhắc đến tên một vài người vắng mặt. Tôi đưa nhận xét Nguyễn Bá Trạc tài hoa, Nguyễn Mộng Giác chân chất và tử tế. Nguyễn Quí Đức nói “chú [Giác] ấy là người cả nễ.”

2.

Tôi kể chuyện những ngày còn ở Việt Nam được quen biết Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ra sao. Căn gác của anh chị ở Phố Huế, Hà Nội. Chật hẹp nhưng không chật chội. Hai con người ấy mới trong sáng làm sao. Tử tế và chân tình. Tôi nhớ cháu Lưu Quỳnh Thơ dễ thương và thông minh. Và tôi không quên câu nói của một nhân vật trong vở kịch của anh [hình như vở kịch có tên là Cô Gái Đội Mũ Nồi Xám thì phải?]. Lưu Quang Vũ đã chiếm gần một chương trong cuốn Bụi Và Rác của tôi. Buổi sáng Lưu Quang Vũ đưa tôi gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhớ bức tranh ông tặng tôi [mà sau bao năm mang theo khư khư như một bảo vật, nay tôi đã không còn giữ được cho riêng mình nữa]. Đức hỏi sao tôi không nhân dịp này viết một bài về tác giả Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt. Tôi nói liệu tôi có thể viết được gì về anh.

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh anh trong bữa chúng tôi gặp nhau lần đầu ở cái chợ sách cũ Sài Gòn. Anh có khuôn mặt của một thư sinh. Đôi mắt trong sáng, ngôn ngữ chân chất mà trí tuệ. Sài Gòn những ngày sau 75, là thành phố trong một kỷ nguyên hoài nghi, nhưng đối với tôi, anh là khuôn mặt của sự tin cậy. Lần gặp lại anh ở Sài Gòn, trong quán nước đường Trần Quý Cáp, tôi nói với anh là tôi sắp vượt biên. Anh hỏi tôi “cậu không sợ tôi đi tố sao?” Tôi hỏi lại Vũ là anh có nghĩ rằng anh sẽ là người đi tố tôi cái tội vượt biên không? Lưu Quang Vũ cười nói “cám ơn cậu đã tin cậy tôi. Chúc cậu thuận buồm xuôi gió. Tôi biết bạn bè cậu chẳng còn bao nhiêu ở đây. Người ta không thể sống mà không có bè bạn. Tôi cũng vậy.”

3.

Đức đề cập chuyện Nguyễn Huy Thiệp. Tôi nhớ truyện ngắn Giọt Máu của ông mà tôi đã đọc. Một truyện ngắn mà chứa đựng cả mấy thế hệ một gia đình. Truyện chia làm 14 phân đoạn, vẽ lại một chuỗi dài những con cái nhiều thế hệ của ông đại phú làng Kẻ Noi. Đặc biệt là trong truyện ngắn này, Nguyễn Huy Thiệp lúc nào cũng “đá đi đá lại” vấn đề chữ nghĩa. Ông cho hai nhân vật đối đáp: “Tôi thấy văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải...” “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn.” “Tôi hiểu rồi. Tôi làm nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sắn, thịt dọi. Nhưng cũng là thịt cả thôi.” “Đúng đấy! Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?” “Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự như thế không, chỉ vừa phải, nhiều người theo thì cho cháu học.” “Tôi hiểu rồi. Đấy là thứ văn chương học để làm quan.” Ở cuối đoạn II, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ cái gì, ngoài bản thân nó.” Tôi coi đó như là mấy suy nghĩ độc đáo về văn chương của ông.**


4.

Chúng tôi cũng nhắc đến nhà thơ Bùi Giáng. Còn nhớ thời kỳ làm tờ Văn ở Sài Gòn, vào tháng Năm, 1973, tôi đã thực hiện một số đặc biệt về Bùi Giáng. Bức ảnh kỷ niệm chụp trước báo quán Văn 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn gồm Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo và tôi, là do người thợ ảnh hàng xóm [tiệm ảnh sát tòa soạn báo Văn Phạm Ngũ Lão] chụp. Tôi không nhớ bức ảnh chụp ngày nào, nhưng tôi chắc là sau ngày tôi gửi ông lá thư “nói chuyện chơi”. Thư đề ngày 21 tháng Tư, 1973 gồm 10 câu hỏi, nhưng tôi không gọi đó là phỏng vấn. Quả nhiên, Bùi Giáng đã tỏ ra thích thú với câu mở đầu lá thư của tôi. Ông viết cho tôi: “Chắc chắn sẽ không phải là một cuộc phỏng vấn. Câu nói đó trong thư anh gởi quả nhiên là câu nói khiến mọi người hoan hỉ thong dong....” Mặc dù ông cho biết ông thích cách gợi chuyện đặt vấn đề của tôi nhưng ông không trả lời riêng rẻ từng câu mà biến chúng thành một bài viết trả lời chung cho cả 10 câu. Bùi Giáng viết: “...trong số mười câu hỏi của anh nêu ra, có một vài câu gay cấn, đáp vào không tiện, đáp ra thì tràn bờ, và ngôn ngữ có thể từ đó mà trôi tuột ra biển Nam Hải Thái Bình Dương và trào qua Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và cũng có thể ngập lên Bắc Băng Dương để tràn xuống Nam Băng Dương không còn mong gì có thể quy hồi về Như Lai Cố Quận...” Và cứ theo dòng chữ nghĩa ấy, Bùi Giáng viết không ngừng, chữ nối chữ, lời tiếp lời, thành một suy nghĩ vượt ra ngoài 10 câu hỏi tôi đã đặt ra cho ông.

Nhận định về Bùi Giáng, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền dưới tựa đề “Một Hồn Thơ Bị Vây Khổn”, một bài viết đặt lại cách nhìn đúng đắn và công bằng về Bùi Giáng, cho rằng “Đối với đa số, Bùi Giáng là một nhà thơ điên...” nhưng theo tác giả “Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” thì Bùi Giáng không điên. “Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ. Ông là một nhà thơ ngộ. Đừng hiểu chữ ngộ trong cái nghĩa đơn giản của đạo giáo. Bùi Giáng sẽ nhăn mặt nổi quạu, ông có thể sẽ tông cửa chạy tuốt xuống Biên Hòa ngay lập tức. Hãy để cho tiếng ấy phiêu bồng từ Nam chí Bắc qua mọi nghĩa có thể có: (ngộ dại, giả ngộ, ngộ quá ta, ngồ ngộ, ngộ không, ngộ nhận, ngộ độc...)

Từ buổi đầu Bùi Giáng đã nói:

Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em


Hãy thử đọc một đoạn văn của chính thi sĩ Bùi Giáng, đoạn văn như một cánh cửa mở sẵn mời gọi người đồng điệu: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là: muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.

Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chớ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luận lý, không được ‘bốc đồng’ (!) vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghi vậy.”

….

Một buổi tối cuối tháng Mười năm 1998, bốn người bên ba ly cà phê và mấy chén trà,...Và hình như câu chuyện chỉ mới bắt đầu.[NXH]

* Phạm Chi Lan vừa ra đi ngày 21/9/2009 tại Dallas, Texas.
** Ghi lại từ tập Chín Truyện Ngắn của Nguyễn Huy Thiệp [NXB HNV, 1992].

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG