Đường dẫn truy cập

Nước Pháp xôn xao về con trai Tổng thống


Jean Sarkozy, con trai thứ hai của Tổng thống Nicolas Sarkozy, 23 tuổi, sinh viên năm thứ 2 trường đại học luật Paris, đang là đề tài tranh luận sôi động trong chính giới và giới truyền thông Pháp suốt hơn 1 tháng nay.

Đã 2 năm nay, khi vừa học xong bậc trung học, Jean Sarkozy đã ứng cử vào chức thị trưởng quận Neuilly-Sud và trúng cử dễ dàng do được đảng UMP vận động ráo riết. Tổng thống Sarkozy-cha cũng là người đứng đầu đảng UMP (Tập hợp Phong trào Dân chúng), từng nhiều năm là Chủ tịch hội đồng tỉnh Hauts-de-Seine, một tỉnh giàu có nhất nước Pháp, bao bọc thủ đô Paris về phía Tây, trong tỉnh lớn này có quận Neuilly-Sud. Jean là quận trưởng trẻ nhất, ở một quận giàu bậc nhất.

Hồi ấy, dư luận Pháp xôn xao bàn luận rằng đây là một vụ bê bối chính trị, một vết nhơ của dân chủ, một nét bẩn của nền cộng hòa, vì Jean Sarkozy vừa rời ghế học sinh trung học, đã có năng lực và tài cán gì so với hàng chục nhân vật chính trị khác để "trúng cử" vào một chức quận trưởng một quận lớn như vậy.

Nếu không có ông bố là tổng thống, ông bố là lãnh đạo UMP, ông bố từng là chủ tịch Hauts-de-Seine cùng phe cánh của anh ta ra sức vận động ở hậu trường thì sức mấy mà anh chàng Jean mói 21 tuổi, chưa có một kinh nghiệm, bằng cấp gì đã có thể giành được chiếc ghế "thơm, ngon" đến vậy. Đây là một kiểu phong kiến quý tộc, cha truyền con nối, một kiểu độc tài trá hình, chủ nghĩa ban ơn, phân phối chức tước - favoritisme!

Thế rồi mọi việc lặng yên. Jean Sarkozy vẫn vừa là quận trưởng một quận cực lớn, vừa cắp sách vào đại học luật để mong theo gót cha trên con đường hoạn lộ rộng mở.

Để đến hôm nay, một sự kiện mới xuất hiện. Trong tỉnh Hauts-de-Seine có một khu trụ sở kinh doanh lớn nhất nước, cũng là lớn nhất, hiện đại nhất châu Âu, mang tên "la Défense". Được xây dựng từ năm 1958, hoàn thành năm 1974, rộng 160 héc-ta, bao gồm 2 quận Courbevoie và Puteaux ở phía Tây Bắc Paris, khu "la Défense" chứa đến 2.500 trụ sở của các đại công ty hàng đầu nước Pháp, châu Âu và toàn thế giới.

Tại đây hàng ngày có 150.000 nam nữ cán bộ, viên chức, nhân viên làm việc, rải ra khắp 3 triệu mét vuông, trong những cao ốc từ 5, 6 tầng đến 16 hay 20 tầng, cùng với hàng chục siêu thị, khách sạn, cửa hàng ăn, giải khát, tấp nập suốt ngày đêm. Đây là khu trung tâm thần kinh kinh tế-tài chính-thương mại của nước Pháp.

Để củng cố và mở rộng toàn khu "la Défense", chính phủ Pháp thành lập cơ quan đặc trách mang tên EPAD - Établissement Public pour Aménagement de la Défense - Cơ quan Công quyền Chỉnh trang la Défense, có ngân sách chi tiêu năm 2009 là 115 triệu Euro.

Theo kế hoạch, khu này sẽ xây dựng thêm 450.000 mét vuông phòng làm việc, 100.00 mét vuông nhà ở, 12 cao ốc... với tổng chi phí là 854 triệu Euro.

Hiện nay cầm đầu EPAD là ông Devedjan sắp 65 tuổi, chuẩn bị về hưu; ngày 4/12 tới Hội đồng EPAD gồm 18 thành viên ( 9 thành viên là viên chức nhà nước-đại diện các bộ, 9 thành viên là đại biểu do các địa phương trong vùng bàu ra) sẽ họp bàu Chủ tịch mới sẽ nhận việc từ 1-1-2010.

Hiện nay tỉnh Hauts-de-Seine do đảng UMP của Tổng thống Sarkozy nắm giữ với tỷ lệ áp đảo trong các Hội đồng tỉnh và quận. Đảng UMP cử Jean Sarkozy một mình ra tranh cử chức vụ Chủ tịch EPAD, thay ông Devedjan cũng của UMP. Như vậy thì gần như chắc chắn sắp đến Jean Sakozy sẽ trở nên Chủ tịch EPAD, một cương vị cực lớn, việc kinh doanh cực kỳ sôi động, chi phí khổng lồ.

Thế là 1 tháng nay cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra trong xã hội, trên truyền hình, báo chí. Phe chống đối gồm trước hết là đảng Xã hội, cùng các đảng cánh tả khác như Cộng sản, Trotskyst và đảng Modem (cánh Trung) nhao nhao phản đối quyết liệt.

Họ nêu rõ đây là tệ chuyên quyền kiểu phong kiến, vua truyền ngôi cho thái tử, cha truyền con nối, là vết nhơ của nền cộng hòa, là thói độc đoán lỗi thời, là phản ánh bản chất cá nhân bừa bãi hách dịch của ông Nicolas Sarkozy, với tham vọng không giới hạn của một nhà chính trị mê say quyền lực, là kiểu gia đình trị học đòi từ Bình Nhưỡng - Bắc Triều tiên...Báo chí vẽ tranh đả kích, viết tiểu phẩm rôm rả, về Triều đại Sarkozy I và Sarkozy II, trên ngai vàng, đội vương miện, với những quần thần vây quanh tung hô... Cuộc tranh luận và chất vấn lan vào Quốc hội Pháp.

Đảng UMP bị một vố nặng, ra sức chống đỡ, thanh minh. Cả tổng thống, lãnh đạo, các bộ trưởng và nghị sỹ UMP đều chỉ có một lập luận: Jean Sarkozy được lựa chọn do phiếu bầu của cử tri. Lá phiếu cử tri tự do là cao nhất trong nền dân chủ. Jean là nạn nhân của kỳ thị, ghen tỵ, bất công...Phán quyết của lá phiếu là tối thượng, là công bằng nhất. Jean không hề được cấp trên chỉ định. Jean được đa số cử tri bầu ra.

Phe chống đối không nhân nhượng. Họ chứng minh: Làm sao có thể giao một trọng trách Chủ tịch EPAD đầy trách nhiệm nặng nề về kinh doanh quốc tế hiện đại cho một sinh viên mới ở năm thứ 2 trường Luật, chưa có một ngày làm công tác quản lý kinh doanh, chưa hề điều khiển một công ty nào?

Chính nghị sỹ Pierre Cardo của UMP phát biểu trong quốc hội rằng: Hiện có biết bao trí thức đã có bằng cử nhân ở những Đại học lớn, thật sự có trình độ cao, đang vất vả kiếm việc, còn thất nghiệp dài, không thể có chuyện một sinh viên chưa có bằng cấp lại leo cao đến thế. Một số lãnh đạo UMP buộc phải thừa nhận: "có điều gì không ổn", "đây là một lầm lỡ, một sảy chân, vấp váp". UMP đang bị mất điểm.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 64% dân Pháp không đồng tình với việc trên đây.

Báo Ý Correra chế nhạo các nhà chính trị Pháp đang tiến lui đều khó trong vụ này.

Báo Anh Times nhận định đây là một chuyện "mỉa mai, lạ kỳ" của một nền dân chủ.

Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Luc Chatel đề ra một giải pháp trung gian: "Ngày 4-12 tới, trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng EPAD có 18 vị, 9 vị là viên chức chính phủ, đại diện các bộ, sẽ không tham gia bỏ phiếu, chỉ 9 vị dân cử bỏ phiếu bầu chủ tịch mà thôi". Ðây là một giải pháp không được ai hưởng ứng, vì hầu hết 9 vị dân cử đều là thuộc UMP của tổng thống Sarkozy cả!

Trong 6 ngày, một nhóm thanh niên ở Hauts-de-Seine thu 55.000 chử ký phản đối mưu đồ có sắp đặt - machinations - để Jean Sarkozy tiếm quyền ở EPAD.

Hàng nghìn thanh niên trong Mouvement des Jeunes Socialistes MJS - Phong trào Thanh niên Xã hội - gửi đơn đến tổng thống Nicolas Sarkozy xin được làm con nuôi của ông, được mang tên...Sarkozy, để có thể kiếm việc dễ dàng, thuận lợi, chiếm được chiếc ghế béo bở trên chiếc thang quyền lực(!).

Xem ra vấn đề liên quan đến tổng thống, đến anh sinh viên 23 tuổi Jean Sarkozy, đến khu kinh doanh số 1 của Pháp và toàn châu Âu vẫn chưa có giải pháp rõ ràng.

Tổng thống Sarkozy ra mặt bênh con, không thể lùi; Jean Sarkozy cũng tự tin, còn thách thức. Phe chống đối cũng cứng cựa, tiến công liên tiếp, không chấp nhận một điều họ cho là phi lý, có hại chung cho đất nước.

Xin các bạn chờ diễn biến tiếp theo. Và chờ sự kết thúc. Vì việc gì có đầu rồi ắt sẽ có đuôi, phải không ạ?

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG