Đường dẫn truy cập

Một số điểm nổi bật tại phiên họp Đại hội đồng LHQ


Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan nói trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) rằng chính phủ nước ông hoan nghênh sự đánh giá về tình hình Afghanistan của vị Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ và NATO rằng cần phải có thêm binh sĩ để chống lại phe Taliban. Trong khi cuộc thảo luận hằng năm tiếp diễn ngày hôm qua thì Tổng thống bị lật đổ của Honduras là ông Manuel Zelaya đã từ đại sứ quán Brazil ở Tegucigalpa, nơi ông trú ẩn từ tuần trước, trình bày với đại biểu các nước qua điện thoại di động. Từ trụ sở LHQ ở New York, Thông tín viên đài VOA Margaret Besheer ghi nhận những điểm nổi bật tại phiên họp Đại hội đồng trong bài tường thuật sau đây.

Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Rangin Dadfar Spanta bày tỏ sự ủng hộ của chính phủ ông đối với khuyến cáo của Tướng McChrystal đề nghị Tổng thống Barack Obama cần gửi thêm binh sĩ sang Afghanistan để giúp nước này đánh bại phe Taliban.

Ông Spanta nói: “Afghanistan hoàn toàn tán thành sách lược của Tổng thống Obama về vấn đề Afghanistan và Pakistan cũng như về sự đánh giá mới của tướng McChrystal, đặc biệt là về việc hai ông nhấn mạnh đến việc cần phải có một chiến lược toàn diện và lâu dài.”

Tổng thống Barack Obama đã điều thêm 21,000 binh sĩ tới Afghanistan hồi đầu năm nay, nhưng Tướng McChrystal đã cảnh báo rằng cần phải có thêm quân.

Về kết quả bầu cử gây tranh cãi của cuộc bầu cử Tổng thống tại Afghanistan hồi tháng trước thì ngoại trưởng Spanta nói rằng trường hợp “bất hợp lệ” không phải là chuyện bất thường tại các nước mới bước vào nền dân chủ và vì vậy Ủy ban Bầu cử Độc lập và Uûy ban giải quyết các khiếu nại bầu cử được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ đang làm việc để giải quyết các khiếu nại và kiểm lại một số phiếu bầu.

Trong khi đó, Tổng thống bị lật đổ của Honduras, ông Manuel Zelaya, đã phát biểu với Đại hội đồng LHQ qua điện thoại di động từ Ðại sứ quán Brazil tại thủ đô của nước ông. Ông Zelaya đang trốn tránh để không bị bắt giữ bởi giới hữu trách trong chính quyền lâm thời đã lật đổ ông trong một cuộc đảo chánh được quân đội ủng hộ hồi tháng 6. Bộ trưởng Ngoại giao của ông Zelaya đã lên diễn đàn và giữ điện thoại để ông Zelaya nói chuyện.

Sau đây là lời ông Zelaya kêu gọi LHQ giúp đỡ ông, qua một thông dịch viên.

Ông Zelaya nói: “Tôi yêu cầu LHQ hành động để phục hồi luật pháp và sự tựï do mà Honduras xứng đáng được hưởng. Tôi yêu cầu LHQ cung cấp sự trợ giúp, để các quốc gia văn minh trên thế giới để duy trì một lập trường vững chắc trong việc chống lại sự dã man. Tôi cũng yêu cầu LHQ bảo đảm cho nhân phẩm của bản thân chúng tôi cũng như mạng sống của những người dân bị tấn công bằng các loại khí hóa chất, và qua việc sử dụng thiết bị điện tử để gây trở ngại tại cơ sở ngoại giao của nước bạn cộng hòa Brazil.”

Trong khi đó, Bộ trưởng ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez nói rằng chính quyền Tổng thống Obama đã không làm gì nhiều để cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba. Tuy gọi quyết định của Hoa Kỳ bãi bỏ việc hạn chế người Mỹ gốc Cuba về thăm quê nhà, hay gửi tiền cho thân nhân trong nước là một bước tích cực, ông Rodriguez nói rằng như thế vẫn chưa đủ. Ông cho rằng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trong đó có lệnh cấm vận mà Hoa Kỳ đã áp dụng đối với đảo quốc này từ gần 50 năm nay.

Quay sang Châu Á, Thủ tướng Miến Điện Thein Sein nói rằng những biện pháp trừng phạt kinh tế của các nước Tây phương đối với nước ông là do động cơ chính trị và phải được bãi bỏ.

Ông Thein Sein phát biểu qua lời một người thông dịch: “Các biện pháp cấm vận được dùng như một công cụ chính trị để chống lại Myanmar và chúng tôi cho là bất công. Tôi muốn khẳng định rằng các hành động đó phải chấm dứt.”

Miến Ðiện cũng còn được gọi là Myanmar.

Tuần trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tìm cách tiếp xúc thẳng với Miến điện, nhưng vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Ông Thein Sein là giới chức cao cấp nhất của Miến Ðiện đến dự Đại hội đồng LHQ từ 14 năm nay. Ông nói rằng nước ông đang xúc tiến những biện pháp tiến tới việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng vào năm tới, nhưng ông cảnh báo rằng các nước khác chớ nên can thiệp vào tiến trình chuyển đổi sang thể chế dân chủ của Miến Điện. Nhiều nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về tính khả tín của các cuộc bầu cử đó.

Thứ trưởng ngoại giao của Bắc Triều Tiên Pak Kil Yon tuyên bố nước ông không mưu tìm một cuộc chạy đua vũ trang nhưng sở hữu một khả năng răn đe về hạt nhân đáng tin cậy để có thể ngăn ngừa chiến tranh và bảo vệ hòa bình. Ông nói rằng Bình Nhưỡng sẽ có đáp lại việc “đối thoại bằng cách đối thoại” nhưng ông cảnh cáo rằng Bắc Triều Tiên sẽ đáp lại những sự trừng phạt bằng cách tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG