Đường dẫn truy cập

TQ hướng tới công nghệ và quan hệ quốc tế để củng cố vị thế


Kể từ khi lập quốc năm 1949, Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tiến một bước dài, từ một quốc gia nghèo khó tới một cường quốc kinh tế. Trong những năm tới, nhiều người Trung Quốc hướng tới công nghệ và vai trò quốc tế lớn hơn để tạo lập vị trí nước lãnh đạo thế giới. Alison Klayman tường thuật từ Bắc Kinh.

Xét về mục tiêu mà đất nước Trung Quốc hiện đại hướng tới, điều quan trọng là xác định được con đường phát triển mà nước này đã trải qua. Kể từ cuối những năm 70, Trung Quốc đã thực hiện cải cách và phát triển kinh tế, giúp năm trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Hiện giờ, ở các thành phố duyên hải lớn mọc lên hàng loạt các tòa nhà cao tầng sáng rực và các nhà máy sản xuất quần áo và máy tính. Khi Trung Quốc kỷ niệm 60 năm ngày quốc khánh vào ngày 1/10, chính phủ muốn khuyến khích sự tăng trưởng tương tự tại phần còn lại của quốc gia này.

Các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng phần lớn sự tăng trưởng mới đến từ các thành phố nhỏ và các khu vực nông thôn kém phát triển. Và chính phủ muốn phần nhiều sự tăng trưởng đó dựa trên công nghệ - mọi thứ từ các nguồn năng lượng sạch cho tới máy tính và dược phẩm.

Chuyên gia truyền thông Trung Quốc Rebecca MacKinnon nói rằng viễn thông là một ngành có thể thúc đẩy tăng trưởng. Bà nói rằng Bắc Kinh khuyến khích việc triển khai dịch vụ điện thoại 3-G. Chính phủ phủ và ngành viễn thông coi Internet là một cơ hội lớn.

Bà nhận định: ‘Không phải là chính phủ sợ các nông dân lên mạng, mà thực ra chính quyền muốn mọi người dùng Internet vì điều đó mạng lại rất nhiều tiền cho lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc. Điều này thực sự rất thú vị vì không những Đảng Cộng sản Trung Quốc có kế hoạch tồn tại bất chấp Internet, mà cơ quan này còn muốn tồn tại nhờ Internet’.

Bà MacKinnon nói rằng tham vọng của Trung Quốc vượt ra ngoài tăng trưởng nội địa. Bà nói rằng chính phủ hy vọng Trung Quốc sẽ phát triển công nghệ sáng tạo rồi sau đó bán và chuyển giao chúng sang các quốc gia đang phát triển.

Với quyền lực kinh tế mới, và khả năng gây ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các tổ chức đa phương như Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đang trở thành một nhà lãnh đạo của các nước đang phát triển.

Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi các nước đang phát triển được góp tiếng nói nhiều hơn tại các thể chế kinh tế toàn cầu. Hiện tại, các quốc gia đang phát triển chỉ giữ 43% lá phiếu tại Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, và 44% tại Ngân hàng Thế giới.

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Châu Quang Diêu nghĩ rằng điều này cần phải thay đổi: 'Các quốc gia đã và đang phát triển cần phải có cơ hội bỏ phiếu ngang nhau tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế'.

Đồng thời, Trung Quốc nói rằng các quốc gia đã và đang phát triển có các trách nhiệm khác nhau đối với các vấn đề khác.

Một ví dụ là việc giảm phát thải khí CO2. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rằng Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 15% năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo trong vòng một thập kỷ, nhưng chính phủ vẫn chưa đề ra các mục tiêu cam kết. Trung Quốc nói nước này sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận nào cho tới khi các quốc gia phát triển cam kết sẽ hỗ trợ các nỗ lực cắt giảm khí carbon của các quốc gia đang phát triển.

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gary Locke gần đây đã phát biểu tại Bắc Kinh về vị trí khó khăn của Trung Quốc: ‘Có ý kiến cho rằng không công bằng khi yêu cầu Trung Quốc và các nước đang phát triển khác phải nhanh chóng cắt giảm lượng phát thải khí carbon, khi các quốc gia khác như Hoa Kỳ đã sử dụng than, dầu và các nguồn năng lượng không sạch khác để thúc đẩy phát triển trong vòng 150 năm qua. Đó là điều dễ hiểu, nhưng đó không phải là mối quan ngại của thiên nhiên. Thiên nhiên không phân biệt nguồn phát thải CO2 tới từ đâu, từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu hay Ấn Độ’.

Bộ trưởng Locke nói rằng ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ tạo ra công ăn việc làm, và tạo ra cơ hội phát triển và bán các công nghệ mới. Ông gọi đó là một tình huống ‘hai bên cùng có lợi’, tốt cho cả tương lai của Trung Quốc và thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG