Đường dẫn truy cập

Sự lên ngôi của ‘đẳng cấp’


Trong chuyến về Việt Nam gần đây, một trong những hiện tượng mới khá lý thú mà chúng tôi có dịp được chứng kiến là việc sử dụng từ “đẳng cấp”. Từ “đẳng cấp” xuất hiện ở mọi nơi, mọi chỗ, từ Hà Nội tới Sài Gòn, từ các biển pano quảng cáo lớn gắn trên xa lộ tới các nhãn mác hàng hóa nhỏ xíu trong siêu thị, từ các cuộc trò chuyện hàng ngày tới các bài viết trên sách báo.

Cụm từ này được sử dụng nhiều tới mức chúng tôi đâm ra ngờ vực về ý nghĩa của nó. Trong một lần đi siêu thị mua sữa cho con, vợ tôi thấy siêu thị đang khuyến mãi người mua trà Lipton bằng cách tặng một chai nhựa để đựng nước trà. Chai nhựa này được dán một cái nhãn “đẳng cấp”. Vợ tôi kể lại cô ấy đã dành mấy phút đồng hồ để coi cái chai nhựa này đẳng cấp ở chỗ nào nhưng cuối cùng đành bó tay vì nó chỉ là một cái chai nhựa hoàn toàn bình thường.

Chuyện của các nhà buôn muốn tung hứng sản phẩm của mình đã vậy, còn báo chí thì sao? Hôm trước tôi còn có dịp được đọc một bài đăng trên báo Dân Trí có tựa là “Ngày hội của những đẳng cấp”. Ngay trong phần mở đầu, bài báo đã có đoạn “điện thoại N97 đẳng cấp, xe Limousine đẳng cấp, hai người đẹp đẳng cấp, những địa điểm café, bar đẳng cấp nhất nhì TPHCM và Hà Nội, cùng với sự tham dự các những ứng viên đẳng cấp trong lĩnh vực công nghệ…có thể xem ngày 18.07 vừa qua là ngày của đẳng cấp.”

Để đo lường mức phổ biến của khái niệm “đẳng cấp”, tôi thử vào google engine để tìm các website có từ này. Với từ khóa “đẳng cấp”, google tìm được hơn hai triệu trang web có từ này. Ngay từ trang tìm kiếm đầu tiên đã xuất hiện những cụm từ mới lạ như “đẳng cấp 9x”, “đẳng cấp teen”, “đẳng cấp chơi game”, “đẳng cấp đầu tư”, “đẳng cấp thành đạt”, “đẳng cấp thời trang”, “cuộc chơi đẳng cấp”...

Đẳng cấp là gì?

Cách hiểu phổ biến nhất về đẳng cấp là nói về địa vị xã hội và bản chất của đối tượng được gán với khái niệm này. Thí dụ một người sở hữu điện thoại Nokia N97 đẳng cấp ngồi ở một quán bar đẳng cấp thì người đó không chỉ có một “dế” xịn và ngồi ở một quán đắt tiền mà nó còn chứng tỏ anh ta giàu có hơn, sành điệu hơn, hiện đại hơn, chịu chơi hơn, và hiểu biết hơn.

Một cách hiểu khác về đẳng cấp là những người có trình độ hoặc thứ bậc cao. Thí dụ một vận động viên đẳng cấp là một vận động viên có thứ hạng cao trong môn thể thao của mình, nhà đầu tư “đẳng cấp” có thể hiểu là một người thuộc nhóm thành đạt nhất trong số các nhà đầu tư. Một ca sĩ hay người mẫu “đẳng cấp” có nghĩa là một ca sĩ hoặc người mẫu thuộc nhóm thành công nhất. Trong các ngữ cảnh này, “đẳng cấp” có thể hiểu như là “hàng đầu”. Đẳng cấp – theo cách hiểu này- ít được dùng hơn vì đương nhiên là không có nhiều người có đủ phẩm chất để được coi là có “đẳng cấp”.

Ngoài hai cách hiểu này, có vẻ như người Việt còn sử dụng từ “đẳng cấp” để diễn đạt nhiều ý nghĩa khác nữa. “Đẳng cấp” đôi khi còn được dùng để nói về phong cách. Thí dụ khi một ca sĩ trả lời phỏng vấn trên báo chí rằng “em chỉ thích mặc màu đỏ lên sân khấu vì nó thể hiện đẳng cấp của em” thì ý cô này chắc hẳn nói về phong cách (style) của cô ta.

Đẳng cấp và khẳng định mình

Dù được hiểu theo cách nào thì hiện tượng này cũng cho thấy nhiều người Việt đang vật lộn để tạo ra các bản sắc (identities) riêng cho mình. Một số người giàu có và thành đạt (và con cái họ) còn đang tìm cách khẳng định họ thuộc vào một giai cấp mới trong xã hội Việt Nam.

Điều này cũng dễ hiểu vì trong nhiều thập kỷ vấn đề bản sắc riêng đã bị đè nén. Trong suốt các thập kỷ trước 90, người ta đề cao tính hòa đồng (conformity). Đó là chưa kể văn hóa truyền thống của Việt Nam cũng tương đối bảo thủ đối với các tác phong khác biệt. Thí dụ một thanh niên khó có thể để được một kiểu tóc lạ như kiểu tóc mohawk có thể coi là bình thường ở phương Tây nhưng chắc chắn sẽ bị soi mói ở Việt Nam

Thêm nữa, sau nhiều thập kỷ với mục tiêu xóa bỏ lằn ranh giai cấp do tư hữu và phát triển kinh tế theo hướng tập trung quan liêu bao cấp, xã hội Việt Nam tính đến những năm đầu thập kỷ 90 vẫn còn là một xã hội tương đối đồng đều sở hữu của cải.

Khi Việt Nam mở cửa về kinh tế và văn hóa thì cũng là lúc khát vọng khẳng định mình có điều kiện trỗi dậy. Phân hóa giàu nghèo đã tăng dần cùng với sự phát triển của kinh tế. Sự lên giá của đất đai cùng và chứng khoán đã biến nhiều người trở thành tỉ phú chỉ trong một thời gian rất ngắn. Trong khi đó, những cởi mở trong quản lý văn hóa đã khiến nhiều người Việt, đặc biệt là thanh thiếu niên, có điều kiện tiếp xúc với các luồng văn hóa từ bên ngoài. Nhu cầu khẳng định bản sắc tân tiến và “thượng lưu” của mình vì thế mà ngày càng mạnh.

Nhìn một cách tổng thể thì khát vọng tự khẳng định mình là một khát vọng tự nhiên, lành mạnh và có tác dụng tốt cho phát triển. Thế nhưng xu hướng khẳng định bản sắc và/hay giai cấp ở Việt Nam hiện nay mới chủ yếu dừng lại ở tiêu dùng (nói cách khác là “xài sang”). Các đại gia sắm sửa xe sang hoặc máy bay riêng còn giới trẻ chơi “dế” xịn và thời trang đắt tiền.

Vì tập chung chủ yếu vào tiêu dùng, việc khẳng định “đẳng cấp” đôi khi dựa trên những tiêu chuẩn giả tạo.

Tuy nhiên, nhìn một cách công bằng thì có lẽ đây chỉ là một giai đoạn tạm thời khi các nhóm xã hội ở Việt Nam còn đang loay hoay tự tìm bản sắc riêng cho mình. Giai đoạn này sẽ không thể kéo dài mãi mà cuối cùng cũng sẽ kết thúc ở chỗ mỗi nhóm hội tụ lại ở một số giá trị và bản sắc nhất định. Trong khi một sự hội tụ như vậy chưa diễn ra, việc việc lạm dụng từ “đẳng cấp” vẫn thi thoảng gây ra cảm giác khó chịu nho nhỏ cho những người ngoài cuộc. Nó tạo cảm giác là những người này đang tự lừa phỉnh mình, hoặc lừa phỉnh người khác, về tính vượt trội đôi khi không có thật của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG