Đường dẫn truy cập

Malaysia: Ảnh hưởng Hồi giáo cực đoan gia tăng


Lâu nay Malaysia vẫn được coi là khuôn mẫu về một nhà nước Hồi giáo dung chấp. Hình ảnh đó đang bị lung lay do những phần tử Hồi giáo cực đoan muốn áp đặt những kiểu hình phạt gắt gao về những điều được coi là xâm phạm luật Hồi giáo. Thông tín viên Luke Hunt của đài VOA mới đây đã thực hiện một chuyến đi khảo sát khắp nước này và ghi lại một số chuyện tai nghe mắt thấy.

Ông Kamaruddin đã trở thành người Hồi giáo mới nhất bị phạt tù và đánh bằng roi vì uống rượu tại Malaysia. Trước đó người ta đã hoãn án phạt đánh gậy cô Kartika Shukarno vì tội uống bia; cô này là phụ nữ đầu tiên đã có thể bị đánh bằng gậy.

Luật Hồi giáo cấm uống rượu, nhưng tại Malaysia chỉ có 3 trong số 13 bang coi đó là tội đáng bị phạt đối với người Hồi giáo.

Những người ôn hòa mới đây đã kêu gọi ngưng hẳn hình phạt đánh gậy, sau khi xuất hiện những toan tính áp dụng lại hình phạt này.

Khoảng 60% trong số 28 triệu dân Malaysia theo Hồi giáo. Luật Sharia áp dụng cho họ, trong lúc những nhóm dân khác như người Hoa, người Ấn cùng những người thiểu số khác được áp dụng luật thế tục.

Phần đông dân Hồi giáo tại Malaysia đều ôn hòa, nhưng trong những năm gần đây các đảng phái tôn giáo đã gây nhiều ảnh hưởng hơn và các tòa án Sharia cũng có thế lực hơn. Kết quả là trong nhiều vụ việc, chính phủ đã hành động không phù hợp với hình tượng ôn hòa của Malaysia.

Ông Nick Lawes, một doanh gia Malaysia, nhận định rằng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan đã ảnh hưởng tại nhiều quốc gia, kể cả Mỹ, và đang ảnh hưởng tới Malaysia, một nền dân chủ non trẻ đã tạo được những bước đáng kể trong một xã hội đa nguyên.

Ông Lawes nói: "Nếu Malaysia vẫn muốn tiến bước trên con đường của mình thì phải biết cách đương đầu với nhóm cực đoan này. Tôi nghĩ thật đáng tiếc nếu chỉ một một nhóm nhỏ như vậy có thể làm hư chuyện lớn tại Malaysia.”

Các phân tích gia tại Malaysia nói rằng ngày càng có nhiều sự đụng chạm giữa giữa nhóm Hồi giáo ôn hòa và nhóm bảo thủ trong nước, kể cả nhiều người có địa vị trong chính phủ và ngành tư pháp.

Các nhóm thiểu số lo ngại về sự xung đột này và cảm thấy bị đe dọa. Mới đây có nhiều vụ việc về những người không theo Hồi giáo than phiền rằng các tòa án Sharia phân biệt đối xử với họ.

Nhiều người Malaysia nói, điều đáng lo hơn nữa là có những hành động công khai tạo ra bất hòa. Người Malaysia thuộc mọi tầng lớp đều bất mãn khi mới đây có 50 người Hồi giáo mang một cái đầu bò đẫm máu đến trước văn phòng chính phủ bang Selangor rồi chà đạp lên đó. Họ làm như vậy để phản đối chuyện di dời một ngôi miếu của Ấn giáo đến một khu vực có đa số dân Hồi giáo.

Ông Ansari Abdula, một giới chức thuộc đảng đối lập PKR nói: “Những người đó được phép đi diễn hành mang một cái đầu con bò mới bị chặt, và ai cũng biết bò là một linh vật đối với tín đồ Ấn giáo. Thật là lạ vì cảnh sát đã để yên cho họ.”

Lập trường của chính quyền cũng không mấy thống nhất; họ nhượng bộ sau khi không cấm được người Hồi giáo dự một một cuộc trình tấu nhạc rock, vì buổi trình tấu này được một công ty rượu bia bảo trợ.

Các ngôi sao nhạc pop Mỹ như Beyonce, Rihanna, Gwen Stefani và Avril Lavigne đều được dặn dò giảm bớt phong cách trình diễn quá sôi động. Những ngôi sao quốc tế khác thì né tránh không đến Malaysia. Ca sĩ Beyonce đã hoãn một buổi trình diễn vào năm 2007, nhưng mới đây cô cho biết tháng tới cô sẽ qua Malaysia trình diễn.

Từ lúc nhậm chức hồi tháng Tư, Thủ tướng Najib Razak đã cố gắng nhiều để tạo đoàn kết trong công chúng Malaysia, đặc biệt với chiến dịch “Một nước Malaysia” được quảng bá rầm rộ.

Tuy nhiên, những nhà phê bình như Abdula nói rằng chính việc thành lập Liên minh Barisan để lãnh đạo Malaysia đã phần nào gây ra vấn đề, vì các đảng trong liên minh chia rẽ về tôn giáo và sắc tộc. Hậu quả là những chính trị gia trung cấp cố tình khích động thái độ quá khích để thu được nhiều phiếu trong khu vực Hồi giáo.

Nhà phân tích Abdula nói thêm rằng: "Là người theo Hồi giáo chúng ta vẫn được dạy là phải tôn trọng các tôn giáo khác. Bạn phải tôn trọng những vị thánh mà người khác thờ phụng. Nếu bạn không tôn trọng tín ngưỡng của người khác thì họ sẽ trả đũa thôi.”

Ông Patrick Sindu, một quan tòa phụ trách hòa giải, đồng thời là một viên thanh tra độc lập, chuyên tìm hiểu các vụ vi phạm cũng chia sẻ ý kiến của ông Abdula. Ông rất lo ngại phe cực đoan Hồi giáo có thể lôi kéo những người Hồi giáo khác làm theo họ.

Ông cho biết những người Malaysia không theo Hồi giáo giải quyết vấn đề bằng cách di dân; nhiều người dọn đi Hoa Kỳ, Úc, Canada và châu Âu.

Ông có con cháu vừa theo Thiên chúa giáo vừa theo Hồi giáo, ông cho rằng những cơ chế giáo dục đạo Hồi cần rao giảng một khuynh hướng ôn hòa hơn, ngoài ra mọi người cũng cần quan tâm đến những ràng buộc truyền thống đối với tổ quốc và gia đình của mình.

Ông Sindu nói: "Lời khuyên của tôi là đừng ai di dân, đừng tránh né vấn đề. Chúng ta phải kiên trì và đoàn kết đương đầu với nó. Không nên tránh né. Sống ở Malaysia vẫn tốt hơn tại nơi khác vì đây là quê cha đất tổ của mình.”

Cả hai ông Sindu và Abdula đều nói, ôn hòa là đường lối duy nhất giúp duy trì chính sách “Một nước Malaysia” của Thủ tướng Najib, và uy tín quốc tế của Malaysia về một nền dân chủ ôn hòa chẳng những được bảo vệ, mà còn phát huy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG