Đường dẫn truy cập

ADB cân nhắc đề xuất cho Việt Nam vay 500 triệu đôla


Thưa quý vị, Việt Nam mới đây đã đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay 500 triệu đôla để thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh nước này đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn với ba ban ngôn ngữ của Đài VOA, ông Rajat M. Nag, Tổng Giám đốc Điều hành ADB, nói với Nguyễn Trung rằng ông hy vọng đề xuất về khoản vay này sẽ được thông qua. Ông Nag đồng thời khẳng định rằng ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đối phó với các thách thức nhằm mang lại một sự phát triển sâu rộng và thân thiện với môi trường.

VOA: Việt Nam mới đây ngỏ ý muốn vay ADB 500 triệu đôla để thúc đẩy nền kinh tế đang bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quá trình thương thảo về khoản vay này đang được tiến hành tới đâu rồi, thưa ông?

Ông Rajat M. Nag: Quá trình đàm phán tiến triển tốt. Đề xuất sẽ được đệ trình lên ban giám đốc của ADB ở Manila xem xét vào ngày 15/9. Nếu ban này thông qua, và tôi hy vọng họ sẽ chấp thuận, thì Việt Nam sẽ nhận được khoản vay này trước cuối năm 2009.

VOA: Cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam là nước vay nợ lớn nhất của ADB. Nhưng Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trên thế giới. Vậy ADB đã làm gì để ngăn chặn tình trạng các khoản vay này bị sử dụng sai mục đích?

Ông Rajat M. Nag: Không chỉ ở Việt Nam, mà ở các nước chúng tôi cung cấp các khoản vay, chúng tôi đặt ra các tiêu chuẩn quản lý cũng như hướng dẫn thực thi dự án. Chúng tôi có quy trình xem xét các dự án một cách nghiêm ngặt. Việc kiểm toán tài chính được tiến hành ít nhất một lần một năm, và kết quả này sau đó được chuyển tới ADB.

Tại tất cả mọi nước chúng tôi hoạt động, chúng tôi có một quá trình xem xét, theo dõi cũng như quản lý dự án một cách hợp lý để đảm bảo rằng các dự án được thực thi theo đúng thỏa thuận. Tất cả các quy chuẩn đó cũng được áp dụng với Việt Nam.

VOA: Như ông từng phát biểu rằng, tham nhũng là ‘một thách thức lớn đối với châu Á’. ADB đánh giá tình trạng tham nhũng ở châu lục này nghiêm trọng tới mức nào, thưa ông?

Ông Rajat M. Nag: Tôi luôn coi tham nhũng là một vấn đề lớn và nghiêm trọng, nhưng đồng thời tôi luôn coi nó là một phần của một vấn đề rộng lớn hơn liên quan tới sự quản lý. Không phải là chuyện nên hay không nên cấp vốn, mà là vấn đề bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của các định chế, như cơ quan kiểm toán quốc gia hay văn phòng thủ tướng.

Chúng tôi rất ấn tượng với tiến trình thực hiện ở Việt Nam. Không ai, kể cả các nhà lãnh đạo, có thể nói rằng vấn đề tham nhũng không còn nữa tại Việt Nam hay tại bất kỳ một nước thành viên nào của ADB. Điều quan trọng là vấn đề tham nhũng đang được giải quyết từ cấp cao nhất.

Nhiều nước đã có ủy ban chống tham nhũng cũng như quy trình quản lý mới. Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn tiếp tục. Cho dù còn xa mới có thể diệt trừ toàn diện, nhưng ADB cũng như các chính phủ coi đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về chủ đề này, và quan trọng hơn là cùng nhau hành động.

VOA: Ông từng viết sách về kinh tế Việt Nam, vậy theo đánh giá của ông, thách thức lớn nhất mà Việt Nam vấp phải hiện nay là gì?

Ông Rajat M. Nag: Tôi nghĩ Việt Nam đang hòa nhập nhanh vào nền kinh tế châu Á cũng như toàn cầu. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào cũng như thị trường vốn phát triển. Tôi nghĩ thách thức vẫn còn tồn tại là sự thiếu hụt về định chế mà tôi từng đề cập trong phát biểu của mình trước đây ở Washington (liên quan tới việc cai trị quốc gia, quản lý công và pháp quyền).

Quá trình cải tổ các quy định về quản lý đang tiếp tục, nhưng tôi nghĩ sẽ phải mất một thời gian nữa thì quá trình củng cố định chế mới thực sự mang lại hiệu quả. Một vài năm qua, tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt trên mọi khía cạnh trong lĩnh vực tài chính. Tôi nghĩ cần phải tiếp tục quá trình đó.

VOA: Mục tiêu hàng đầu của ADB tại các nước đang phát triển như Việt Nam trong năm năm tới là gì, thưa ông?

Ông Rajat M. Nag: Chúng tôi đồng thời theo đuổi ba mục tiêu. Đầu tiên là sự phát triển hướng tới người nghèo. Chúng tôi thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cũng như lĩnh vực tư nhân và bảo đảm rằng sự tăng trưởng lan tỏa rộng khắp nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói hiện vẫn còn tồn tại.

Điều đó cũng dẫn tới ý thứ hai, đó là phải đầu tư vào lĩnh vực y tế và giáo dục, nhằm phát triển khả năng của người dân, và điều đó cũng giúp phát triển kinh tế.

Thứ ba là vấn đề môi trường. Tôi nghĩ Việt Nam cũng như các nước khác nên tập trung đầu tư vào môi trường cũng như năng lượng, với công nghệ sạch hay năng lượng tái tạo.

Nói tóm lại, chúng tôi tập trung vào sự phát triển toàn diện, mang tính lan tỏa và thân thiện với môi trường.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG