Đường dẫn truy cập

Thing Around Your Neck (Vật Quấn Quanh Cổ Bạn) - Chimamanda Ngozi Adichie


Trong mục Điểm Sách do Ðào Trung Ðạo phụ trách kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu tập truyện ngắn mới xuất bản Thing Around Your Neck/Vật Quấn Quanh Cổ Bạn của nhà văn nữ Negeria Chimamanda Ngozi Adichie.

Chimamanda Ngozi Adichie hiện nay được coi là nhà văn nữ trẻ tuổi xứ Nigeria xuất sắc nhất từ khi quyển tiểu thuyết Half of a Yellow Sun/Một Nửa Mặt Trời Màu Vàng có số bán hàng triệu bản trên khắp thế giới và được trao tặng giải thưởng văn chương Orange của Anh quốc. Năm 2003 Adichie đã làm văn giới thế giới ngạc nhiên với quyển truyện đầu tay Purple Hibiscus/Dâm Bụt Tím) nên có người coi cô là kẻ kế thừa của Chinua Achebe.

Sinh tại Nigeria năm 1977, gia đình vào loại có học vấn cao gốc Igbo sống trong vùng Abba thuộc xứ Anambra nhưng Adichie lại trưởng thành ở thành phố Nsukka. Tuy tốt nghiệp ngành y ở Viện Đại Học Nigeria, nhưng khi sang Mỹ học ở Đại Học Connecticut cô lại chuyển theo ngành truyền thông, và kế đó vào học Johns Hopkins và tốt nghiệp Cao Học Văn Chương. Trong niên khóa 2005-2006, Adichie được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Princeton.

Hiện nay cô sống qua lại giữa Mỹ và Nigeria, Quyển truyện đầu tay Dâm Bụt Tím của Adichie được trao các giải: giải Văn Chương Khối Thị Trường Chung, giải Hurston/Wright Legacy, vào chung kết giải Orange và giải Llewellyn Rhys. Năm 2008 Adichie cũng được nhận trợ cấp “Dành cho Thiên Tài” nửa triệu Mỹ kim của MacArthur Foundation.

Sau sự thành công của hai quyển tiểu thuyết, Adichie quay sang viết truyện ngắn và tháng trước tập truyện ngắn Thing Around Your Nech/Vật Quấn Quanh Cổ Bạn gồm 12 truyện đã được nhà xuất bản Knopf ở Mỹ cho ra mắt độc giả. Tuy không được khen tặng nhiều như Một Nửa Mặt Trời Màu Vàng nhưng tập truyện ngắn này cũng được đánh giá cao.

Tất cả những nhân vật trong tập truyện ngắn này của Adichie đều là những người Nigeria sinh ra sau cuộc nội chiến xày ra vào năm 1970, họ hoặc hiện đang sống ở quê nhà hoặc đang là những di dân ở hải ngoại. Những vấn đề chính họ phải đối diện là: vết chấn thương chiến tranh gây ra trong quá khứ, khủng hoảng về bản ngã khi sống cuộc sống di dân ở những xứ phương Tây, vấn đề chủng tộc và giai cấp ở quê nhà, gánh nặng quá khứ và những ám ảnh khôn nguôi của hoài niệm.

Từ năm 17 tuổi Chimamanda Ngozi Adichie đã rời bỏ quê hương sang sống ở Mỹ cho nên đã nhận thức rõ nét được khoảng trống ngăn cách giữa hai nền văn hóa, hai nếp sống hoàn toàn khác nhau, thậm chí nhiều khi đối nghịch nhau tạo nên sự căng thẳng trong hoàn cảnh người di dân. Khác với hoàn cảnh người Việt di dân, sự căng thẳng này là sự căng thẳng về văn hóa chứ không về chính trị. Khi viết truyện ngắn Adichie chú tâm đưa nhân vật vào những tình huống để nói lên chủ đề. Những nhân vật truyện bị quấn chặt, vây bủa bởi những vấn nạn do sự khác biệt đối nghịch gây sức ép giữa quá khứ và hiện tại, giữa quê nhà và nơi tạm dung.

Tựa đề tập truyện ngắn Vật Quấn Quanh Cổ Bạn là một ẩn dụ qui chiếu tới một sự vật vừa thân thiết quý giá vì kề cận với thân thể và là một kỷ niệm, vừa là một vật vây chặt và đè ép trên thân thể. Chẳng hạn trong truyện “Môt Kinh Nghiệm Riêng” hai phụ nữ Nigeria, một người theo Hồi giáo, người kia theo Thiên chúa giáo đang trong tình huống bị kẹt trong một cuộc bạo nên loạn cùng nhau phải tìm một chỗ trú ẩn, người phụ nữ theo Hồi giáo sau khi tạm yên lành sờ lên cổ mình than “Sợi dây chuyền đeo cổ của tôi đã mất trong lúc tôi chạy.”

Trong truyện ngắn mang tựa đề quyển sách Vật Bạn Đeo Quanh Cổ một người Nigeria lưu đầy sống ở Mỹ mô tả cảm giác của mình “hằng đêm cảm thấy như có một vật gì quấn chặt trên cổ, khiến mình gần như nghẹt thở trước khi rơi vào giấc ngủ.” Trong Truyện ngắn Jumping Monkey Hill/Đồi Khỉ Nhảy một nhà văn nữ Nigeria trẻ nhân dịp đi dự một cuộc hội luân văn chương ở ngoại quốc càm thấy thích thú khi ra phố mua được một chuỗi hột đeo cổ bằng ngà và đã bực bội khi một phụ nữ da trắng nghi ngờ đó là một chuỗi hạt ngà voi giả.

Phần lớn những nhân vật truyện ngắn trong Vật Quấn Quanh Cổ Bạn là những phụ nữ Negeria thuộc lớp trung lưu, thông minh, có học vấn nhưng lại rơi vào tình huống thảm kịch của cuộc đời xa xứ, trở thành những người đàn bà thất lạc, cô đơn, hôn nhân bất hạnh, bị bứng khỏi quê hương xứ sở và bị những kẻ xa lạ ích kỷ thiếu lương thiện đẩy vào những thảm kịch.

Trong truyện ngắn “Bắt chước” nhân vật chính là một phụ nữ di dân Nigeria tên là Nkem hiện sông trong một căn nhà xinh xắn ở vùng ngoại ô tiểu bang Philadelphia ở Mỹ, chồng cô là một “Ông Lớn” ờ Lagos, Nigeria nhưng đã bỏ mặc mẹ con cô sống lủi thủi cô đơn trên xứ người... Người phụ nữ cô đơn này chỉ còn biết tâm sự với cô người làm chồng mang từ Nigeria sang.

Trong khi đó người chồng lại quay trở về sống ở quê nhà cùng với người tình trẻ trung. Trong một dịp chờ đợi người chồng trở về Mỹ thăm vợ con, người vợ đã thử “bắt chước” “nhái” hình dáng cô tình nhân trẻ trung nọ theo trí tưởng tượng của mình, cắt tóc ngắn và uốn gợn sóng. Khi chồng cô về thăm, Nkem không những không cảm thấy được thương yêu hạnh phúc nhưng lại thấy sự đơn độc phủ mờ che khuất không những hiện tại mà cả quá khứ nữa, thậm chí bỗng dưng cô không còn hồi tưởng được nữa.

Trong tình cảnh như vậy nên Nkem có những ý tưởng tiêu cực về nước Mỹ, coi người Mỹ là người “bằng nhựa,” “có quá nhiều hy vọng vô lý,” “nước Mỹ là một xứ sở của sự tò mò và thô lậu.” Nkem cũng định quay trở về Lagos sống nhưng lại thấy “dây mơ rễ máng nước Mỹ đã luồn xâu dưới làn da mình rồi,” cô đã quá thân thuộc với nhịp sống nước Mỹ mất rồi.

Truyện “Vào Ngày Thứ Hai Tuần Trước” có tình huống và các biến cố éo le phức tạp về mối quan hệ giữa người di dân đến trước và kẻ đến sau. Kamara là một phụ nữ có học vấn trình độ đại học, có chồng đã định cư ở Mỹ và chồng cô đã cố dành dụm tiền bạc để Kamara có thể đoàn tụ với chồng. Nhưng khi sang Mỹ tuy Kamara đã phải nhận công việc làm vú em nhưng cũng không yên thân vì cha mẹ của đứa trẻ tên Josh đã đẩy Kamara vào một tình huống thảm kịch.

Neil, cha của Josh là một người gốc Do Thái và mẹ nó tên Tracy là người Mỹ gốc Phi Châu ham mê theo đuổi hội họa không có thì giờ chăm sóc con, cho nên Neil ra lệnh cho Kamara “không được làm phiền Tracy.” Sau một thời gian sống trong gia đình này Kamara bị Tracy ép buộc khỏa thân tiếng là để làm người mẫu cho bà chủ họa sĩ vẽ nhưng thực ra Tracy là một phụ nữ đồng tính muốn lợi dụng thân xác Tracy.

Tuy cuộc sống ở Mỹ là như vậy nhưng người dân ở Lagos thủ đô của Negeria vẫn khao kát đươc sang Mỹ sống. Trong truyện “Tòa Đại sứ Mỹ” tác giả mô tả cảnh có đến 200 người xếp hàng để nộp đơn xin nhập cảnh vì họ nghĩ có được tấm giấy nhập cảnh Mỹ là có cơ hội đổi đời, có cuộc sống mới ở cai xứ “bạn có thể lái xe ban đêm mà chẳng sợ kẻ cướp trang bị võ khí trấn lột, cái xứ có những tiệm ăn phần ăn một người đủ cho ba người ăn,” được ở trong những căn nhà hệt như trong phim Mỹ chiếu trên truyền hình, phòng ốc rộng mênh mông, trên tường treo những bức tranh hoành tráng.

Nhân vật chính trong truyện này là một phụ nữ có người chồng là một nhà nhà báo can đảm trung thực nên bị chính quyền trù dập nên đã phải nằm bẹp trong thùng chiếc xe hơi để vượt biên ra nước ngoài. Tuy bà ta thoát thân nhưng sau đó công an đã tìm đến nhà xả súng bắn chết đứa con trai của bà vì vậy bà đã bất chấp mọi hiểm nguy khổ nhục mong xin được một tấm giấy xuất cảnh của Tòa Đại Sứ Mỹ.

Truyện “Hồn Ma” kể lại cuộc gặp mặt giữa một vị giáo sư đại học nay đã nghỉ hưu với một người bạn cũ cũng là một giáo sư đại học ông cứ tưởng là đã chết trong cuộc Nội Chiến vào những năm 70. Trong cuộc trò chuyện hai người ôn lại những kỷ niệm hãi hùng về những sự thay đổi khốc hại trong những năm sau cuộc chiến, những vụ việc đồng môn phản bội nhau cùng với sụ hãm hại trù dập do chính quyền âm mưu. Ngay người vợ của vị giáo sư này cũng bị chết oan uổng trong một trận dịch chỉ vì được chữa trị bằng thứ thuốc không đúng để trị dịch, cái chết của bà và giờ đây hồn ma bà vẫn hiện về thăm ông hằng đêm.

Chamamanda Ngozi Aidichie khi sống và viết văn ở ngoài quê hương cô muốn là một tiếng nói của người dân Nigeria, trên hết là một tiếng nói nữ quyền Nigeria để phơi mở những tình huống bị đàn áp của phụ nữ cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại. Ngoài ra Adichi cũng không quên xác định trách nhiệm cũng như niềm kiêu hãnh của một nhà văn nữ di dân Nigeria tiêu biểu để chỉ ra những vấn đề tồn tại trong cộng đồng những nhà văn di dân và cái vùng bóng tối quyền lực của những nhà văn da trắng muốn lãnh đạo văn chương di dân da màu.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe chương trình này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG