Đường dẫn truy cập

Thái Lan phát triển kinh tế để thu phục người dân Hồi giáo


Các lực lượng vũ trang Thái Lan đã chuyển sang các chương trình phát triển kinh tế để thu phục lòng dân ở các cộng đồng Hồi giáo, và để giảm bớt phong trào nổi dậy tại các tỉnh phía nam. Từ Baan Sa-e ở miền nam Thái Lan, thông tín viên Ron Corben của đài VOA có bài tường trình.

Các em nhỏ trưng bày các loại sản phẩm và thực phẩm do các dự án khuyến khích phát triển kinh tế tự túc làm ra tại xã Baan Sa-e thuộc tỉnh Yala có nhiều biến động của Thái Lan.

Các dự án được Bộ chỉ huy Nội an của quân đội, gọi tắt là ISOC, lập ra với mục đích gia tăng sản lượng cho nông dân.

Đại tá Attadet Mattanom, một người phát ngôn của ISOC ở miền nam Thái Lan, bày tỏ hy vọng rằng tình tình bạo động giáo phái trong khu vực sẽ giảm xuống nếu kinh tế cải thiện.

Ông nói: 'Trong khu vực này, chúng tôi cố gắng chăm lo cho người dân. Địa phương này có số dân đông nhất trong khu vực. Người dân ở đây có phương kế sinh nhai hữu hiệu – chúng tôi muốn làm cho hoàn thiện hơn. Nếu họ có được phương kế sinh nhai ổn định, và có thể hành đạo theo đúng tín ngưỡng của họ, thì tôi nghĩ họ sẽ cảm thấy hạnh phúc'.

Các tỉnh Yala, Narathiwat, Pattani và Songkhla ở biên giới phía nam là những tỉnh nghèo khó nhất của Thái Lan. Đa số cư dân tại đây là người sắc tộc Malay theo Hồi giáo. Trong khi đó khoảng 95% dân Thái Lan theo Phật giáo.

Kể từ năm 2004, khu vực này có nhiều vụ bạo động do phong trào nổi dậy của người Hồi giáo. Hơn 3.500 người đã thiệt mạng, phần lớn là thường dân.

Chính phủ đã chi hơn 3 tỉ đôla để phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh cho miền nam.

Tại một trung tâm huấn luyện gần căn cứ quân sự ở Yala, hàng trăm người đang tham gia các khóa hướng dẫn cách cải tiến sản lượng mùa màng, cách nuôi cá trong ao hồ, cách nuôi gà, và cách sản xuất phân bón hữu cơ.

Quân đội nói rằng hơn 7 ngàn hộ gia đình hưởng lợi từ các chương trình này.

Trung tâm huấn luyện còn có chương trình phục hồi cho những người nghiện ma túy. Chương trình này đã giúp chữa trị cho hơn 10 ngàn thanh niên. Giới hữu trách cho hay hầu hết những thôn xã ở miền nam đều đụng phải vấn nạn lạm dụng ma túy, nhất là methamphetamine.

Những chương trình như vậy là mục tiêu trọng tâm của chính phủ nhắm đến việc thu phục lòng dân trong khu vực.

Giáo sư Surachart Bamrungsuk, giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng chiến lược mới đã giúp xây dựng lòng tin của cộng đồng và cũng mang lại sự hiểu biết về các thành phần Hồi giáo nổi dậy.

Giáo sư Surachart nói: 'Theo tôi, nếu chúng ta chấp nhận rằng để chống nổi dậy cần đạt được thắng lợi từ cấp quần chúng chứ không phải ở nơi quân đội thì sẽ tốt hơn - vì vậy khái niệm thu phục nhân tâm có tính cách thực dụng đối với quân đội Thái Lan. Từ đó nó trở nên một phương hướng mới. Và đó là lý do ở thời điểm này, quân đội phải điều chỉnh theo phương hướng chiến tranh mới'.

Tuy nhiên, quân đội Thái Lan đã bị tiếng xấu vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Không có bao nhiêu trường hợp vi phạm nhân quyền được điều tra đầy đủ và nhiều cái chết vẫn chưa được giải thích.

Mới đây, Tòa Thượng thẩm Thái Lan đã khước từ các nỗ lực nhằm xác định ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của trên 70 người bị quân đội giam giữ hồi năm 2004. Tòa án ra phán quyết rằng các giới chức an ninh được miễn tố vì chính phủ đã ban hành luật lệ cai trị trong tình trạng khẩn trương ở miền nam.

Ông Surachart thừa nhận rất khó để quân đội nhận lỗi: 'Đây là một vấn đề khó khăn, vì khi chúng ta nói về các lỗi lầm trong quá khứ, họ cảm thấy họ muốn hướng đến tương lai. Ý họ muốn nói hãy bỏ lại đàng sau những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng chúng ta đều biết đôi khi điều đó không phải dễ dàng'.

Tình trạng bạo động liên quan đến cuộc nổi dậy tiếp diễn hầu như không sút giảm, mặc dù an ninh đã được nâng cao trong một số khu vực.

Tuy nhiên, quân đội nghĩ rằng giờ đây họ đang đi đúng đường. Đại tá Kicha Srithongkul, phó tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp Songkhla nói: 'Lý do chúng tôi đến khu vực này là chúng tôi muốn cởi mở với dân làng'.

Ông nói thêm: 'Chúng tôi đã không tiếp xúc chuyện trò với dân, dân làng không hiểu về quân đội, nhưng sau khi chúng tôi cùng làm việc, họ hiểu về các binh sĩ. Và sau khi chúng tôi cùng làm việc họ đã thông hiểu nhiều hơn'.

Quyền kiểm soát phần lớn các tỉnh biên giới miền nam nằm trong tay quân đội từ khi họ có các quyền hạn chiếu theo luật cai trị khẩn trương được áp dụng hồi năm 2004.

Quân đội nói rằng các quyền đó cho họ sự linh động cần thiết để quản trị vùng này. Tuy nhiên vẫn còn có những phản đối đáng kể trong các nhóm cổ võ cho nhân quyền và các nhà lãnh đạo cộng đồng ở miền nam, những người này cho rằng nếu để giới dân sự quản trị khu vực nhiều rắc rối này sẽ tốt hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG