Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ bác chuyện thảo luận riêng với Bình Nhưỡng


Hôm thứ năm chính quyền của tổng thống Obama cho biết không quan tâm đến chuyện thảo luận trực tiếp với Bình Nhưỡng bên ngoài khuôn khổ các cuộc thảo luận 6 nước về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Được biết hai nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên gặp gỡ thống đốc Bill Richardson của bang New Mexico có nói rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Hoa Kỳ sau nhiều tháng bất đồng.

Thông tín viên David Gollust của đài VOA bài tường trình rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng chắc chắn là chính quyền của Tổng thống Obama ủng hộ cho chuyện cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên nhưng giữ nguyên lập trường rằng đối thoại với Bình Nhưỡng chỉ diễn ra trong khuôn khổ của các cuộc thảo luận 6 nước mà thôi.

Lời nhận định này được đưa ra theo sau cuộc gặp gỡ bất thường vào hôm thứ tư giữa hai nhà ngoại giao cao cấp Bắc Triều Tiên với thống đốc Bill Richardson của bang New Mexico.

Ông Richardson là một nhà ngoại giao kỳ cựu từng giúp tháo gỡ những khó khăn bằng đường lối ngoại giao cho các chính quyền trước đây và đã đến thăm Bắc Triều Tiên.

Ông Richardson cho biết các giới chức Bắc Triều Tiên này thuộc phái bộ của Bình Nhưỡng tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York.

Họ nói với ông rằng Bình Nhưỡng tin là hai bên cần phải mở đối thoại trực tiếp sau khi Bình Nhưỡng trả tự do cho hai ký giả Mỹ mà họ đã giam giữ vì tội xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNN, thống đốc Richardson cho biết hai nhà ngoại giao này nói với ông rằng Bắc Triều Tiên đã đưa ra cử chỉ quan trọng khi trả tự do cho hai ký giả, và rằng, theo lời ông Richardson trích dẫn,giờ đây quả bóng nằm trên sân của Hoa Kỳ.

Tại một cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao, Trợ lý B trưởng Ngoại giao đặc trách giao tế công chúng, ông P.J.Crowley nói rằng việc trả tự do cho hai nữ ký giả Mỹ và những cử chỉ hòa giải khác của Bắc Triều Tiên đưa ra mới đây chắc chắn là được Hoa Kỳ hoan nghênh so với những khiêu khích của Bình Nhưỡng trong những tháng qua, trong đó có cả những vụ bắn thử phi đạn.

Ông nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama sẵn lòng đối thoại song phương với Bắc Triều Tiên nhưng trong một khuôn khổ rộng lớn hơn của tiến trình đàm phán 6 bên, cùng với sự tham dự của các cường quốc liên hệ trong khu vực, gồm có Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Nga và nước chủ trì Trung Quốc.

Ông Crowley nói: "Chúng tôi tin rằng tiến trình đàm phán 6 bên vẫn là một cơ chế tốt nhất để giải quyết những khúc mắc, những căng thẳng và những vấn đề giữa chúng ta với Bắc Triều Tiên. Như chúng ta đã nói rõ với Bắc Triều Tiên lâu nay rằng trong khuôn khổ của tiến trình đàm phán 6 bên, có rất nhiều cơ hội để tiến hành đối thoại song phương, tuy nhiên Bắc Triều Tiên biết họ cần phải làm gì. Họ cần phải quay trở lại bàn đàm phán này, và phải sẵn lòng thực hiện những bước mà cộng đồng quốc tế đã nêu rõ là họ cần phải làm. Và do đó quả bóng vẫn còn bên phần sân của Bắc Triều Tiên. Họ cần phải nói cho chúng ta biết là họ chuẩn bị làm cái gì."

Ông Crowley nói rằng Bộ Ngoại giao đang chờ một báo cáo của ông Richardson với các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên về cuộc tiếp xúc đó. Chính quyền Tổng thống Obama đã nêu rõ rằng thống đốc Richardson không phải là đại diện chính thức cho chính phủ Mỹ trong cuộc gặp gỡ đó.

Cuộc gặp gỡ tại bang New Mexico diễn ra tiếp theo sau vụ cựu Tổng thống Bill Clinton đến thăm Bắc Triều Tiên hồi trước đây trong tháng, và đã đạt được kết quả là hai nhà báo Mỹ được Bình Nhưỡng trả tự do, và một cuộc họp hiếm có với lãnh tụ Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên.

Mới đây Bình Nhưỡng cũng đã trả tự do cho một công dân Nam Triều Tiên, và họ cũng thể hiện những cử chỉ hòa giải khác đối với Hán Thành.

Người phát ngôn Crowley gợi ý rằng thái độ thay đổi của Bắc Triều Tiên có thể là do những áp lực gia tăng từ nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thực thi những biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chấp thuận tiếp theo sau vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân hồi tháng 5.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG