Đường dẫn truy cập

Thái Lan tiến bộ trong nỗ lực chấm dứt bạo động ở miền Nam


Chỉ huy trưởng các tỉnh miền Nam Thái Lan nói rằng tình hình an ninh trong khu vực, vốn có đa số cư dân theo Hồi Giáo- đang được cải thiện giữa lúc quân đội tăng cường các nỗ lực nhằm thu phục nhân tâm và chấm dứt các cuộc tấn công của phe nổi dậy. Tuy nhiên, như giới phân tích chính trị nhận định, sự sút giảm bạo động chỉ có tính cách tạm thời. Từ Pattani, thông tín viên đài VOA Ron Corben gởi về các chi tiết sau đây.

Trung Tướng Pichet Wisaijorn nói bạo động đã giảm đáng kể tại 4 tỉnh từng xảy ra nhiều vụ đẫm máu nhất trong 5 năm qua.

Từ năm 2004 tới nay, hơn 3,500 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo tại các tỉnh Yala, Narathiwat, Pattani và Songkhla. Trong khi hầu hết dân chúng Thái Lan theo Phật giáo, đa số cư dân tại 4 tỉnh vừa kể là những người gốc Mã Lai theo đạo Hồi.

Tướng Pichet nói sự cải thiện trong các hoạt động an ninh và thu thập tin tức tình báo đã xoa dịu căng thẳng trong các cộng đồng mà trước đây, vẫn lo sợ sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào ban đêm.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây dành cho các nhà báo tại căn cứ quân sự Sirindhorn ở Pattani, Tướng Pichet nói rằng dân chúng trong khu vực nay sinh hoạt một cách cởi mở hơn, so với trong quá khứ.

Tướng Pichet nói trước đây cư dân thường về nhà vào lúc khoảng 7 giờ tối, nhưng giờ đây họ cảm thấy đủ an toàn để có thể đi chơi đêm khuya hơn. Trẻ em cũng đã bớt thái độ hoài nghi và tỏ ra thân thiện hơn với các binh sĩ của chính phủ. Ông nói thêm rằng một lần nữa, các lễ hội khu vực lại thu hút được nhiều người tham dự.

Chiến lược của quân đội Thái Lan ở các tỉnh biên giới miền Nam, theo Tướng Pichet, được dựa trên chính sách thu phục nhân tâm.

Chính quyền Thái Lan đang tăng sức ép để đi đến những giải pháp chính trị, thay vì hành động quân sự để kiềm chế cuộc nổi dậy.

Tướng Pichet Wisaijorn quy lỗi cho tình trạng thiếu tin tưởng giữa các lực lượng quân sự và các cộng đồng địa phương về những vấn đề tại các tỉnh miền Nam, nhưng ông nói giờ đây quân đội Thái Lan thường xuyên đối thoại với dân địa phương.

Mặt khác, Tướng Pichet bác bỏ quan điểm cho rằng các phần tử nổi dậy ở miền Nam Thái Lan có liên kết với các nhóm khủng bố như al-Qaida hoặc nhóm Jemaah Islamiyah, nhóm khủng bố Hồi Giáo trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, vẫn có một số nghi ngờ về chính sách mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng.

Giáo sư Surachart Bamrungsuk, một nhà khoa học chính trị tại Đại Học Chulalongkorn, nói ông không chắc là chính sách hiện hành sẽ kiềm chế bạo động trong lâu dài.

Ông Surachart nhận định: “Khi nói đến tình hình ở miền Nam, tôi tin rằng có thể ví nó như một đường cong. Nó đi lên rồi nó lại đi xuống. Tại một thời điểm nào đó, tình hình có vẻ như được cải thiện, nhưng nó lại trở nên tồi tệ hơn tại một thời điểm khác. Ngay bây giờ, thì tất cả mọi sự đều có vẻ như tốt hơn những gì chúng ta đã được chứng kiến hồi năm ngoái, thế nhưng tình hình này sẽ được duy trì trong bao lâu? .”

Trước đây, quân đội Thái Lan đã bị chỉ trích về những vụ vi phạm nhân quyền ở miền Nam. Các nhóm như Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, muốn chính phủ Thái Lan phải hành động để trừng phạt các vụ vi phạm do quân đội thực hiện, và chống nạn kỳ thị đối với các tín đồ đạo Hồi ở miền Nam.

Tổ chức Human Rights Watch nói sự phẫn nộ trong nội bộ cộng đồng sắc tộc Mã Lai đã được hun đúc thêm vì những đạo luật trao nhiều quyền hạn rộng rãi cho quân đội, đồng thời bảo vệ quân đội khỏi bị truy tố về những hành động sai trái, hoặc vi phạm nhân quyền.

Tuần này, chính phủ Thái Lan phê chuẩn việc thành lập một cơ chế mới để giám sát các dự án phát triển ở miền Nam, do văn phòng Thủ Tướng kiểm soát.

Động thái này đánh dấu một thay đổi, giao quyền kiểm soát các dự án phát triển từ tay quân đội sang cho chính phủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG