Đường dẫn truy cập

TQ: 83 người có thể bị truy tố vì vụ bạo loạn Tân Cương


Giới hữu trách Trung Quốc cho hay 83 người sẽ phải đương đầu với các cáo trạng có liên quan đến việc can dự vào những vụ bạo động hồi đầu tháng trước ở Tân Cương. Danh sách các nghi phạm gồm các thành viên của nhóm thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc người Uighur cũng như những người thuộc Hán tộc. Từ Hong Kong, thông tín viên William Ide của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.

Các công tố viên ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương cho biết các nghi phạm người Hán và người Uighur sẽ phải đối đầu với nhiều cáo trạng, từ cố sát cho đến cướp của, phá hoại và kích động căng thẳng sắc tộc.

Tình trạng bất ổn ở Tân Cương bắt đầu hôm 5 tháng 7 khi một cuộc biểu tình của người sắc tộc Uighur ở Urumqi biến thành bạo động. Người Uighur và người Hán đã xô xát với nhau trong các vụ bạo loạn.

Các giới chức không nói có bao nhiêu nghi phạm là người Hán hoặc bao nhiêu người là người Uighur. Con số người thiệt mạng, bị thương và bị giam giữ đã là một điểm gây tranh luận giữa chính phủ Trung Quốc và các đoàn thể người Uighur ở nước ngoài kể từ khi xảy ra các cuộc bạo loạn.

Ông Dilxat Raxit, người phát ngôn của tổ chức Đại hội Uighur Thế giới, nói rằng sự kiện có người Hán tộc trong số những người bị truy tố cũng không giúp ông cảm thấy yên tâm mấy rằng các cuộc điều tra về những vụ bạo động sẽ công bằng.

Ông Dilxat nói ông hết sức lo ngại cho những người đã bị bắt giữ và sẽ bị đưa ra tòa bởi vì ông tin rằng họ sẽ không nhận được sự trợ giúp pháp lý mà họ cần đến. Theo ông, trong hệ thống pháp lý của Trung Quốc, không có tiến trình pháp lý thực sự cho những người Uighur đã bị kế tội, mà chỉ có những sự cứu xét mang tính cách chính trị.

Ban công tố nói với các cơ quan truyền thông Trung Quốc rằng họ dự kiến sẽ đệ thêm các đơn truy tố.

Ngoài việc thông báo con số nghi phạm, nhà chức trách Trung Quốc nay nói rằng có 718 người đã bị bắt giữ.

Trước đây, các giới chức nói số người bị bắt lên tới hơn 1 ngàn 700 người. Chưa rõ ngay được vì sao lại có sự cách biệt về con số như thế, hay liệu một số người đã được phóng thích.

Ông Dilxat nói cần phải có một cuộc điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về vụ việc này bởi vì nguồn thông tin duy nhất là nhà nước Trung Quốc.

Ông Dilxat nói rằng tổ chức của ông không thể tin vào những con số đã được công bố. Ông nói các con số, tỷ như việc bắt giữ 718 người, chỉ là một mưu toan của chính phủ nhằm che giấu con số lớn hơn những người Uighur đã bị bắt sau khi xảy ra sự cố.

Người đứng đầu tổ chức Đại Hội Uighur Thế giới, hiện đang sống lưu vong, bà Rebiya Kadeer nói rằng có tới 10,000 người đã mất tích kể từ sau vụ bạo động. Trung Quốc cho lời khẳng định đó là vô căn cứ.

Trung Quốc lên án bà Kadeer và tổ chức Đại Hội Uighur Thế giới là dàn dựng cuộc bạo động ở Tân Cương từ nước ngoài. Trung Quốc đã huy động gia đình bà quy tội cho bà về vụ bạo động, và quảng bá các nhận định của họ trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Phát biểu hôm thứ tư ở Australia, nơi bà đi dự một đại hội phim ảnh, bà Kadeer tố cáo Trung Quốc là đã 'tra tấn tâm lý' con cái bà qua việc buộc họ phải lên án bà.

Bà Kadeer nói các mưu toan của nhà nước Trung Quốc muốn con cái bà quay ra chống lại bà là một hành động 'vô nhân đạo'.

Người Uighur, một sắc dân đa số theo Hồi giáo và nói tiếng Turk, chiếm gần một nửa dân số 20 triệu ở Tân Cương. Từ nhiều năm họ vẫn ta thán về việc bị gạt ra ngoài lề xã hội vì người Hán, là sắc dân thống trị ở Trung Quốc, tràn vào Tân Cương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG