Đường dẫn truy cập

FDI vào VN giảm 22,5% trong 7 tháng đầu năm


Ðầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam đã giảm 22,5% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,6 tỷ đôla.

Hãng tin Reuters trích tin của Thời báo Kinh tế Việt Nam cho hay: Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng các dự án FDI được triển khai 'vẫn theo tiến độ dự kiến' tới mục tiêu cả năm của chính phủ là 8 tỷ đôla.

Cơ quan này thông báo rằng tính từ đầu năm cho tới ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 10,1 tỷ USD, giảm 81% so với năm 2008.

Các cam kết FDI dự kiến trong năm nay sẽ đạt tổng cộng khoảng 20 tỷ đôla, tức giảm 70% so với tổng số vốn cam kết của năm ngoái.

Theo Reuters, cam kết FDI thường vượt dòng vốn thực tế bởi các nguồn vốn cam kết thường mất vài năm để giải ngân.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, phần lớn vốn FDI đăng ký vào khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, chiếm 45%; 21% vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp chế biến; chỉ có 18% tổng vốn FDI đổ vào kinh doanh bất động sản.

Bà Rịa Vũng Tàu vẫn là nơi dẫn đầu về thu hút vốn FDI (chiếm tới 63%). Trong khi đó, Nam Triều Tiên vẫn dẫn đầu trong số các nhà đầu tư vốn FDI vào Việt Nam với 89 dự án cấp mới và 51,1 triệu đôla vốn FDI tăng thêm.

Theo hãng thông tấn Reuters, các dòng vốn đầu tư nước ngoài cùng với các khoản kiều hối là nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam, nhưng một cuộc thăm dò của Liên Hiệp Quốc tuần trước cho thấy Việt Nam đang ngày càng mất ưu thế là điểm thu hút FDI.

Kết quả thăm dò ý kiến các doanh nhân đa quốc gia của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển cho thấy năm nay Việt Nam được coi là nền kinh tế thu hút FDI đứng hàng thứ 11 trên thế giới, tụt hạng từ vị trí thứ sáu của năm ngoái.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG