Đường dẫn truy cập

‘Cúm A/H1N1 có thể gây tổn thất lớn với kinh tế VN’


Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã cắt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2009 do kim ngạch xuất khẩu giảm do tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi Việt Nam cũng đang đối mặt với sự lan rộng của dịch cúm A/H1N1. Nguyễn Trung của Ban Việt Ngữ Đài VOA đã liên lạc với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế có tiếng ở trong nước, để hỏi về những đánh giá của ông về tình trạng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2009.

VOA: Sau nửa đầu năm 2009, có một loạt những thông tin về sự sút giảm của nền kinh tế Việt Nam như xuất khẩu và đầu tư giảm trong khi dịch bệnh lan tràn. Là một kinh tế gia, ông có thấy bi quan trước các tin đó không?

Ông Lê Đăng Doanh: Tôi đánh giá rằng, so với nhiều nước khác, kinh tế Việt Nam phát triển trong sáu tháng đầu năm như vậy là trên mức trung bình ở Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Indonesia, với 3,6%.

Các khó khăn như xuất khẩu giảm sút chủ yếu là do giá giảm. Dù về lượng dầu thô và gạo xuất khẩu có tăng nhưng do giá giảm nên không tăng được giá trị xuất khẩu lên bao nhiêu. Việt Nam vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đánh giá Việt Nam là điểm đầu tư đáng đến thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Còn về các lĩnh vực khác thì xây dựng đã hồi phục, chứng khoán đã phát triển còn thị trường bất động sản cũng đã ấm lên. Tuy nhiên, công nghiệp của Việt Nam tăng lên chủ yếu là do khai thác dầu, khai thác than, do sản xuất điện, chứ còn các mặt hàng chế biến để xuất khẩu như da giầy, dệt may và điện tử chưa tăng được, do không có thị trường hay thị trường bị hạn chế rất nhiều. Ngoài ra, du lịch cũng giảm sút.

VOA: Theo đánh giá của ông, cho tới nay, chính sách kích cầu và các biện pháp ngăn chặn tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu mà chính phủ Việt Nam đề ra có thực sự hiệu quả hay không?

Ông Lê Đăng Doanh: Theo tôi các biện pháp đó đã mang lại hiệu quả bước đầu. Các biện pháp đó đã làm lành mạnh tài chính của các ngân hàng thương mại và đã làm giảm cái gánh nặng tài chính.

Tín dụng với lãi suất cao tới 19% của năm 2008 thì bây giờ đã có được sự trang trải. Các biện pháp đó cũng kích thích tiêu dùng ở trong nước cũng như thúc đẩy được một số doanh nghiệp phát triển tương đối tốt.

Tuy nhiên, chính sách đó hiện nay chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nông dân. Theo như công bố của TP HCM thì chỉ có 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố này là có thể tiếp cận được tín dụng với ưu đãi về lãi suất mà thôi. Tôi nghĩ là phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp phần 70% còn lại.

VOA: Điểm Việt Nam cần lưu ý trong những tháng còn lại của năm 2009 là gì, thưa ông?

Ông Lê Đăng Doanh: Đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay đang lan rất rộng trong cộng đồng, và nếu không kiểm soát được nó sẽ gây ra tổn thất to lớn về kinh tế, bởi vì số người bị bệnh, rồi các dịch vụ như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn sẽ giảm sút nhiều. Và nếu dịch bệnh có quy mô lớn, thì lúc đấy ảnh hưởng tới cả du lịch quốc tế. Cúm A/H1N1 là yếu tố mới xuất hiện và không thể xem thường.

Ngòai ra, một điểm nữa tôi muốn lưu ý, là khả năng lạm phát tiềm tàng có thể tăng lên. Nếu như không thận trọng, kinh tế hồi phục, giá dầu thế giới tăng lên trong khi chính sách tiền tệ và tín dụng không chặt chẽ thì có thể làm phạt tăng trở lại ở Việt Nam.

VOA: Trong tình hình như vậy, liệu tỷ lệ tăng trưởng 5% như chính phủ Việt Nam dự kiến có thể đạt được không, thưa ông?

Ông Lê Đăng Doanh: Theo tôi, điều đó phụ thuộc vào sự hồi phục của kinh tế thế giới. Có thể mức tăng trưởng sẽ vào khoảng 4,5 đến 5%. Nếu như kinh tế thế giới hồi phục tốt và xuát khẩu hồi phục lại gia tăng được thì có thể đạt được 5% tới 5,2% gì đó.

Còn nếu như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài hay những tác động tiêu cực khác còn tiếp tục ảnh hưởng như dịch cúm A/H1N1, thì tôi nghĩ kết quả 4 – 5% không phải là không đáng hoan nghênh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG